CTCP Cơ điện lạnh (mã REE) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 với doanh thu thuần đạt 1.289,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong kỳ chi phí tài chính tăng 60 tỷ đồng, kéo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm sút. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của REE còn 403,4 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế nửa đầu năm nay, doanh thu công ty đạt 2.470 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 681,5 tỷ đồng, giảm 18% so với nửa đầu năm ngoái. So với kế hoạch 1.620 tỷ đồng lợi nhuận đề ra, công ty này hiện đã thực hiện được 54% chỉ tiêu cả năm.
Về cơ cấu tài sản, tại ngày 30/6/2020, tổng tài sản của REE ở mức 19.769 tỷ đồng, trong đó chiếm gần 70% là tài sản dài hạn. Bên kia bảng cân đối kế toán, công ty này có 8.586 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 43% tổng nguồn vốn, trong đó phần lớn là vay và nợ dài hạn (4.687 tỷ đồng).
Trong 2 quý đầu năm 2020, REE đã tiến hành trả cổ tức năm 2019 cho các cổ đông với tỷ lệ 16% bằng tiền mặt. Theo báo cáo tài chính, số tiền mà REE đã chi cho cổ tức là hơn 550 tỷ đồng. Dự kiến, REE sẽ chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ không thấp hơn 16%.
Tại thời điểm cuối quý II/2020, REE đang đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, tương đương 40% tổng tài sản vào các công ty liên doanh, liên kết, trong đó phần lớn là các công ty trong lĩnh vực hạ tầng điện, nước.
Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh cơ điện lạnh thành lập năm 1977. Ngành nghề chủ yếu của REE là cung cấp dịch vụ cơ điện công trình, sản xuất lắp ráp và phân phối máy điều hòa không khí, sản phẩm gia dụng phục vụ cơ điện công trình mang thương hiệu Reetech…
Cổ phiếu REE chính thức được niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2000.
Tính đến nay, REE đã đầu tư vào khoảng 16 công ty, trong đó, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện trong hệ thống các công ty thành viên, liên kết của REE lên đến 4.000 MW, tỷ lệ sở hữu của REE tại các nhà máy khoảng 1.060 MW.
Hàng năm, các dự án mang lại lợi nhuận cho REE là 1.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, phải kể đến những dự án gắn liền với sự đổi mới và phát triển của đất nước như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Thác Mơ, Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Ninh Bình…
Đặc biệt là khoản đầu tư vào CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh - đơn vị sở hữu Nhà máy Thủy điện Thượng Kontum - dự án phá mọi kỷ lục ở Việt Nam như dự án có tuyến năng lượng dài nhất, dự án có cột áp cao nhất, dự án phức tạp nhất…
Tháng 7 vừa qua, công ty này đã có quyết định chuyển giao thế hệ lãnh đạo, trong đó bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã từ nhiệm khỏi chức vụ Tổng Giám đốc, thay thế là ông Huỳnh Thanh Hải. Trước đó ông Hải là Phó Tổng Giám đốc REE kiêm Giám đốc Điều hành REE M&E.
Hiếu Nguyễn