Nhiều dịch vụ "độc"đắt khách
Những ngày qua, khi thời tiết trở nên rét đậm, nhiều dịch vụ "độc", lạ lại trở nên “hút” khách. Đặc biệt, thời gian gần đây rộ lên xu hướng phụ huynh thuê taxi đưa con đi học và dịch vụ đi chợ thuê. Tất nhiên, dịch vụ này đa phần diễn ra ở những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. Nhiệt độ miền Bắc càng gần giáp Tết lại càng rét đậm khiến không ít chị em cũng ngại xách giỏ đi chợ. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều người nảy ra sáng kiến mở dịch vụ đi chợ thuê. Anh Vũ Đại Dương, người có ý tưởng mở dịch vụ đi chợ thuê Trường Dương (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho biết: "Công việc hàng ngày khiến tôi hay phải đến các chợ đầu mối vào buổi sáng sớm như chợ Long Biên, chợ hoa Mai Dịch, chợ rau quả Dịch Vọng... Lấy hàng ở chợ đầu mối rồi bán hàng lại cho người bán lẻ, giá chênh lệch cho tôi thu nhập khá ổn. Thế nhưng, những ngày đông giá lạnh vừa qua, tôi vẫn ngại đi chợ lấy hàng. Vậy là từ suy nghĩ của chính mình, tôi mở ra dịch vụ đi chợ thuê. Tự thấy "trình độ" đi chợ của mình cũng thuộc dạng khá nên mở dịch vụ này để phục vụ các bà nội trợ lười nhưng nhiều tiền, lắm của".
Dịch vụ đi chợ thuê tỏ ra hút khách vào những ngày trời rét.
Với dịch vụ đi chợ thuê, khách hàng có thể đặt bất cứ thời gian nào, bất kể mặt hàng nào từ rau, củ quả, hoa, thực phẩm, hải sản... cho một thực đơn hoàn chỉnh của bữa cơm gia đình, thậm chí là tiệc nhỏ (2 - 3 bàn). Anh Dương khẳng định, khách hàng hoàn toàn yên tâm về giá cả, vì anh chỉ lấy đúng bằng giá mà các bà nội trợ hay mua. Khách hàng chỉ phải trả thêm tiền công, gồm cả chi phí xăng xe, khoảng 10.000 - 20.000 đồng/lần, tùy từng khoảng cách xa gần.
Dịch vụ đi chợ thuê nghe có vẻ khá lạ tai nhưng sau một thời gian triển khai lại tỏ ra "hút" khách với các bà nội trợ, nhất là chị em văn phòng bận rộn. Chị Hoàng Lan (Chùa Láng, Hà Nội) cho biết: "Cuối năm nên ngày nào chị em cả phòng cũng phải ở lại muộn để hoàn thành quyết toán sổ sách. Trời mùa đông, lạnh thế này, đi làm về muộn, có ra chợ cũng khó tìm được thức ăn tươi, ngon. Do đó, mình chọn dịch vụ đi chợ thuê, cứ "alô" là có ngay các món rau, củ, quả tươi, ngon phục vụ đủ cho thực đơn bữa tối. Làm tăng ca ở cơ quan, tôi cũng có chút bồi dưỡng, coi như lấy khoản đó đắp vào phí cho dịch vụ đi chợ thuê vậy...".
Ngoài dịch vụ đi chợ thuê, đối với những người kỹ tính, cẩn trọng trong việc chọn lựa thực phẩm, có thể lựa chọn dịch vụ mua hàng ở siêu thị trên mạng internet như: Metrotainha.com, sieuthitainha.com, disieuthitainha.com.vn, umart.com.vn... Bà nội trợ chỉ cần ngồi tại nhà hoặc văn phòng chọn sản phẩm và đặt hàng, nhân viên sẽ giao hàng đến tận nhà. Với dịch vụ đi siêu thị thuê online, ngoài phí dịch vụ 20.000 đồng/đơn hàng, khách hàng sẽ phải trả tiền cước vận chuyển dao động từ 10.000- 30.000 đồng/lượt, tùy theo khoảng cách đi lại trong nội thành.
Một dịch vụ khác cũng khá ăn khách trong thời điểm rét đậm kéo dài là dịch vụ đón taxi đưa trẻ đi học hoặc thoả thuận nhờ xe ôm đưa đón. Thông thường, nếu muốn gọi taxi, các gia đình phải gọi điện đến trung tâm, tổng đài của hãng. Nhưng trong hai tuần vừa qua, nhiệt độ ngoài trời Hà Nội càng thêm lạnh giá, cộng mưa phùn, khiến nhiều người không muốn di chuyển bằng xe máy, phương án thay thế chỉ bằng taxi hoặc xe buýt để đảm bảo sức khỏe cho con. Nhiều tài xế taxi đã có sáng kiến móc nối với khách hàng để đưa trẻ đi học đúng theo lịch trình. Chị Thu Hằng (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: "Thời tiết lạnh giá thế này, đưa trẻ con đi học bằng xe máy rất khổ và lo con dễ bị cảm lạnh. Tình cờ, tôi quen được một anh lái taxi. Do đó, gia đình đã hợp đồng "miệng" với anh lái xe taxi, đúng 6h30 sáng đợi sẵn dưới nhà để đón cậu quý tử đưa đi học và đón cháu về nhà tôi vào buổi chiều. Dịch vụ này hơi đắt đỏ nhưng cả nhà đều yên tâm".
Theo tìm hiểu của PV, ở Hà Nội, dịch vụ taxi đưa đón học sinh cũng đã hình thành với nhiều hãng taxi. Rất nhiều gia đình đã chọn đưa đón con bằng taxi theo tháng và thanh toán phí vào cuối tháng. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho con đi taxi đi học, chính bởi vậy dịch vụ xe ôm xem ra cũng được lựa chọn nhiều cho việc đưa đón. Đối tượng tham gia dịch vụ này có thể là các bác xe ôm quen thân của gia đình, nhưng cũng có thể là một đội ngũ rất mới - vừa xuất hiện và được ưa chuộng, nhất là xe ôm là các sinh viên đại học đi làm thêm.
Rất nhiều mẩu rao vặt đã xuất hiện trên các diễn đàn, trang mạng với nội dung kiểu như: "Để đảm bảo cho bố mẹ có thời gian yên tâm làm tại các cơ quan mà vẫn yên tâm về việc chăm sóc con cái, em nhận đưa các con đi học và đón các con về buổi chiều cho bố mẹ nào có nhu cầu. Đưa đón bằng xe máy, có ghế ngồi đằng trước an toàn, tin cậy có đảm bảo. Khu vực Đại Từ, Đại Kim, Định Công, Linh Đàm, Hoàng Mai". Chị Thu Ngà (Lĩnh Nam, Hà Nội) cho biết: "Giờ đi học và giờ đi làm của bố mẹ và các con lại khác nhau, thế nên các con đều phải tự đèo nhau đến trường bằng xe đạp. Mùa đông, trời vừa lạnh lại nhanh tối, hai con đi học mà bố mẹ chẳng yên tâm chút nào. Cuối cùng, mình làm hợp đồng miệng với bác xe ôm ngay đầu ngõ để đưa đón hai cháu cho tiện. Đây vừa là hàng xóm, là chỗ quen biết thì mới yên tâm giao con cho người ta đèo đi, đón về. Coi như mùa đông, hai vợ chồng chắt chiu một số khoản để trả tiền xe ôm vậy".
Nhiều phụ huynh lựa chọn taxi chở con đi học tránh rét.
Quần áo tồn kho "cháy" hàng
Bên cạnh các dịch vụ "độc" "hút" khách, tiết trời lạnh đang là cơ hội để các công ty dệt may thanh lý hàng tồn kho, lỗi mốt như áo bông ba lớp, áo jacket ba lớp, khăn len, găng tay với... giá cao. Chị Minh Hồng, nhân viên bán hàng, hãng thời trang Hasa trên phố Ngọc Lâm, cho biết: "Lượng khách đến mua hàng may mặc mùa đông tăng lên đột biến từ hai tuần nay. Giáp Tết, nhân viên đã phải làm tăng ca, tăng giờ để phục vụ khách hàng. Hơn nữa, thời tiết rét đậm đã giúp cho một số loại áo đại hàn tồn kho từ năm trước, tự nhiên "cháy" hàng".
Giá áo phao Việt Nam xuất khẩu cũng tăng giá khá mạnh do thời tiết lạnh. Một chiếc áo lông vũ, dày dặn có mức giá khoảng 500.000 - 700.000 đồng/chiếc. Còn những chiếc áo phao hàng lỗi mốt, hết size hay bị may lỗi, các công ty bán đồ đổ đống với mức giá khoảng 250.000 - 300.000 đồng /chiếc. Kiểu dáng tuy không đẹp và không hợp mốt nhưng khá nhiều khách hàng vẫn tìm mua các loại áo đại hạn này. Bởi thời tiết lạnh như thế này, chỉ có mặc áo phao dày mới đủ chống rét. Hiện giá bán các loại khăn len, găng tay đã tăng lên gần gấp đôi: Găng tay len hai lớp trước đây chỉ có giá dao động từ 40.000 - 55.000 đồng/đôi nhưng hiện nay đang được bán với mức giá từ 75.000 - 80.000 đồng/đôi. Khăn len quàng cổ tùy thuộc vào kiểu dáng, chất liệu, chất lượng khăn mà có giá bán từ 45.000 - 120.000 đồng/chiếc.
Tuy nhiên, nhiều shop sang, "xịn" trên các con phố thời trang Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc, Phố Huế lại rơi vào tình trạng ế ẩm. Đa phần người dân không tỏ ra mặn mà với quần áo hàng hiệu mà thường tìm đến các cửa hàng bán quần áo bình dân. Đặc biệt là các hàng quần áo ở chợ, vỉa hè, có treo biển thanh lí, giảm giá bán các loại áo phao, áo khoác lỗi thời nhưng có mức giá siêu rẻ từ 100.000 - 200.000 đồng/chiếc. Chị Thanh Phượng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Bây giờ cứ hàng quần áo vỉa hè hay ở "chợ sida" thì đông nườm nượp khách chọn hàng, mua hàng. Còn các shop cửa kính bóng loáng thì ế. Bản thân mình năm nay cũng phải cắt giảm nhiều chi tiêu nhưng đến mùa đông vẫn phải sắm sửa cho hai con nhỏ và ông xã ít áo khoác, áo phao. Lựa chọn tốt nhất vẫn là mua tại các cửa hàng giảm giá hoặc thanh lí hàng tồn. Khéo chọn một chút là sẽ tìm được chiếc áo đẹp mà lại rẻ một nửa so với các nơi khác".
Thanh Hòa - Lê Tuấn