Tuổi già, sức yếu
Bình Định là địa phương đứng trong hàng “top ten” những tỉnh có nhiều hồ chứa nhất miền Trung với 161 hồ; trong đó chỉ có 18 hồ có dung tích chứa từ 3 triệu m3 trở lên, 30 hồ dung tích chứa từ 1 triệu đến dưới 3 triệu m3 và 113 hồ có dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3.
Sở dĩ Bình Định có nhiều hồ chứa nhỏ đến vậy là do địa hình của tỉnh này bị chia cắt nhiều, không có lưu vực lớn, sông suối ngắn và hẹp. Đặc biệt có một số khu vực bị chia cắt độc lập như các huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Hoài Ân, Phù Cát, Tây Sơn… buộc phải tận dụng nguồn nước manh mún tại chỗ xây dựng các hồ chứa nhỏ để có nước phục vụ SXNN.
Các hồ chứa nhỏ ở Bình Định đã “bé tí” là vậy, lại còn quá cũ kỹ. Có hồ được xây dựng từ thời Pháp (1945) như hồ Thủ Thiện nằm trên địa bàn huyện Tây Sơn, dung tích thiết kế 2,1 triệu m3. Còn lại hầu hết đều được xây dựng trong quãng 5 năm đầu sau ngày giải phóng, tính đến nay đã tròm trèm gần 40 năm!
“Thuở ấy, chỉ một số công trình có quy mô khá được Nhà nước đầu tư như hồ Núi Một (TX An Nhơn), hồ Thạch Khê và Vạn Hội (Hoài Ân), hồ Hòn Lập (Vĩnh Thạnh), hồ Hội Sơn (Phù Cát), hồ Thuận Ninh (Tây Sơn), hồ Mỹ Bình (Hoài Nhơn) được xây dựng khá bài bản, các hồ còn lại hầu hết được xây dựng theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm theo kiểu: Các HTXNN bỏ vốn, Nhà nước hỗ trợ xăng dầu, xi măng, sắt thép.
Thậm chí có nhiều HTX phải dùng nông sản (chủ yếu là lúa) để trả công cho thiết bị thi công công trình. Vốn liếng có hạn, kỹ thuật xây dựng thô sơ nên công trình chất lượng kém là điều không lạ. Lại qua gần 40 năm vận hành, khai thác nên giờ đây phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng”, ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, cho biết.
Cũng theo ông Hải, theo điều tra hiện trạng 113 hồ chứa nhỏ, chỉ có 29 hồ đáp ứng tiêu chuẩn hiện hành. Còn lại hầu hết đều hư hỏng đập, cống lấy nước và tràn xả lũ.
Ở Phú Yên, tình trạng hồ chứa cũng chẳng khá gì hơn. Ngoài 2 hồ thủy điện, Phú Yên hiện có 41 hồ thủy lợi với tổng dung tích trữ khoảng 62,549 triệu m3, tưới cho 5.900 ha đất canh tác. Phần lớn các hồ này được xây dựng sau năm 1980, mức độ hoàn chỉnh và chất lượng thi công rất kém.
Qua thời gian dài, lũ lụt hàng năm làm cho nhiều hồ bị hư hỏng về tràn xả lũ, cống lấy nước, đập bị thấm. Đáng quan ngại là nhiều hồ mất năng lực chống lũ bởi phần lớn các hồ có dung tích trữ trên dưới 1 triệu m3 thường làm tràn trên nền đất, đá tự nhiên nên hiện bị xói lở nặng. “Trong 2 năm qua, mặc dù có đến 21 hồ cần sửa chữa khẩn cấp nhưng tỉnh không có kinh phí”, ông Lê Chí Trọng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên.
Thiếu chăm sóc
Theo ông Phan Xuân Hải, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, ngoại trừ 15 hồ chứa có quy mô lớn được giao cho Cty KTCTTL Bình Định quản lý, 146 hồ còn lại đều được giao cho các địa phương quản lý.
Địa phương nào HTXNN còn hoạt động thì giao cho HTX, nơi nào HTXNN đã giải thể thì UBND xã quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, khi bàn giao công trình, các chủ hồ không hề được cấp thẩm quyền bàn giao hồ bằng văn bản và giao phó trách nhiệm rõ ràng.
“Năm 2012, chúng tôi tổ chức kiểm tra thì các chủ hồ mới trố mắt ngạc nhiên vì trước đây chỉ được bàn giao “miệng” chứ không có giấy tờ, hồ sơ gì. Trong 113 hồ nhỏ chỉ có 11 hồ có hồ sơ thiết kế. Cả những hồ đã được sửa chữa, nâng cấp trong thời gian gần đây giờ cũng không có hồ sơ kỹ thuật. Điều này quả là bất cập, tài sản hồ chứa đâu phải nhỏ, cả trăm tỷ đồng, vậy mà khi bàn giao không có 1 mảnh giấy tờ gì”, ông Hải nói.
Cách quản lý bên trên lỏng lẻo là vậy, nên sau khi nhận công trình, các chủ hồ quản lý, vận hành cũng lỏng lẻo theo. Thêm vào đó, hầu hết các hồ chứa do địa phương quản lý không hồ nào có cán bộ có chuyên môn đảm trách, trong quá trình vận hành không lập sổ ghi chép nên hồ bị hư hỏng thế nào cũng không được phát hiện kịp thời, đến khi thấy ra thì đã nguy cấp.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định Phan Xuân Hải, bức xúc: “Đa số chính quyền địa phương ít quan tâm đến hồ đập. Trong các phương án PCBL hàng năm, hầu hết các địa phương chỉ thể hiện 1 câu chung chung “bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn” chứ không hề có phương án bảo vệ cụ thể.
Thậm chí vào mùa hạn, có nhiều hồ chứa bị xe chở gỗ chạy băng qua đập, vào tận lòng hồ khai thác gỗ. Phần nhiều các chủ hồ chỉ được giao hồ chứ không được giao hồ sơ đất đai của công trình, giống như giao nhà mà không giao sổ đỏ. Khi dân làm nhà ngay chân đập như tại hồ Hóc Nhạn (Phù Mỹ), hoặc lấn chiếm trồng rừng trong chân đập, các chủ hồ không có cơ sở pháp lý để can thiệp, bảo vệ công trình”.
Ở Phú Yên, công tác quản lý hồ chứa cũng còn nhiều lỗ hổng đáng ngại. Theo ông Lê Chí Trọng, phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh này, bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về thủy lợi nói chung và hồ chứa nói riêng ở địa phương còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là cấp huyện, xã.
Sông Ba là sông liên tỉnh, có nhiều công trình hồ chứa nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành qui trình vận hành liên hồ chứa các hồ sông Ba Hạ, sông Hinh, Krông H’Năng, Ayun Hạ, An Khê – KaNak trong mùa mưa hàng năm, nhưng sự phối hợp vận hành liên hồ chưa tốt. Nên khi xả lũ, các hồ gây ngập lụt, làm thiệt hại cho hạ du cũng như làm thiếu nước phục vụ sản xuất trong mùa khô.
Ông Phan Xuân Hải, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bình Định, nói “rút ruột”: “Đã đến lúc cần phải kiện toàn bộ máy quản lý của các chủ hồ. Để đảm bảo công tác vận hành, khai thác, các hồ chứa cần được bố trí cán bộ kỹ thuật đủ năng lực. Cần khôi phục hồ sơ kỹ thuật, xây dựng lại cơ sở dữ liệu của các hồ chứa để có cơ sở đánh giá thực trạng hồ đập”.
“Để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn cho các chủ hồ, đề nghị Bộ NN-PTNT tổ chức các khóa đào tạo và cấp chứng chỉ cho cán bộ quản lý hồ chứa đối với từng loại công trình hồ chứa. Được như vậy, những hồ chứa tuy đã xuống cấp nhưng nhờ quản lý tốt cũng sẽ tăng được hiệu quả khai thác và hạn chế rủi ro”, ông Lê Chí Trọng, Phó GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên. |
Theo Nông nghiệp Việt Nam