Cơ quan giám sát, có tên gọi Control Yuan, cho hay nhà máy điện hạt nhân thứ 1, đặt tại Shihmen ở khu vực ven biển phía bắc hòn đảo nhưng cách không xa khu vực Đài Bắc đông dân cư, đã để rò rỉ nước độc hại từ các bể chứa của 2 lò phản ứng.
Một quan chức của Taiwan Power Co. (Taipower) - chuyên vận hành các nhà máy điện trên hòn đảo này cho hay, nước không rò rỉ từ bể trữ mà có thể là do ngưng tụ hoặc là nước được dùng để làm sạch sàn.
"Chúng tôi đã giải thích như vậy với Control Yuan, nhưng họ không chấp nhận. Họ yêu cầu chúng tôi tìm các nguyên nhân khác," nhân vật này nói. Người này đề nghị giấu tên do tính nhậy cảm của vấn đề.
Vị quan chức này cho biết thêm, trong bất cứ trường hợp nào thì nước cũng được gom lại trong 1 hồ chứa cạnh các bể trữ được sử dụng cho các thanh hạt nhân và nước đó được tái chế đưa trở lại các bể trữ, và do vậy không tạo ra sự đe dọa nào đối với môi trường.
Khu vực nhà máy điện hạt nhân thứ 1 của Đài Loan (ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Control Yuan cho hay có một danh mục các lỗi, bao gồm việc thiếu kế hoạch thích hợp để xử lý các vật liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Họ cũng không tin vào các giải thích do Taipower đưa ra.
Control Yuan nói: "Công ty vẫn chưa chỉ rõ lý do nước rò rỉ".
Từ lâu việc sử dụng năng lượng hạt nhân đã gây nên tranh cãi trên hòn đảo Đài Loan nghèo tài nguyên. Một trong những lý do là hòn đảo này tương đối nhỏ và bất cứ tai nạn hạt nhân lớn nào đều có thể ảnh hưởng tới toàn bộ diện tích đảo.
Hiện điện hạt nhân chiếm tới 18,4% sản lượng điện của Đài Loan.
Các kế hoạch xây một nhà máy điện hạt nhân thứ 4 nằm cạnh nhà máy điện hạt nhân bị sự cố nói trên đã bị trì hoãn trong nhiều năm và vấp phải nhiều cuộc biểu tình rầm rộ trên đường phố.
Tuần này đã nổ ra một cuộc tranh cãi kịch liệt về nhà máy này giữa các nhà lập pháp của Đài Loan trong 1 buổi tranh luận nghị viện.
Hiện tại Đài Loan vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân và 6 lò phản ứng.
Hòn đảo cũng đối mặt với vấn đề xử lý rác thải hạt nhân - số rác thải này trong nhiều năm đã được tập kết trên 1 hòn đảo nhỏ ngoài khơi đông nam trước sự phẫn nộ của các cư dân bản địa.
Đài Loan trước đó từng xem xét gửi rác hạt nhân sang quần đảo Marshall và thậm chí cả Triều Tiên.
Theo VOV