"Robinson" Hòn Ụ kể chuyện gian nan khai đảo

"Robinson" Hòn Ụ kể chuyện gian nan khai đảo

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

– Những ngày đầu trên hoang đảo, cụ Ba Nhàn phải quần quật mưu sinh. Rồi để con cái có cái chữ, cụ phải kiêm luôn chức phận thầy giáo "bất đắc dĩ".

Cái duyên trở thành "chúa đảo"

Đứng ở đảo Hòn Tre (hòn lớn và đông dân nhất) nhìn sang, Hòn Ụ trông như một cồn đất nổi lên giữa biển, cây cối xanh tốt. Hòn Ụ mướt mát bao quanh bởi vùng biển trong khiết, đầy tiềm năng du lịch xưa nay chỉ một tay Ba Nhàn khai phá. Dĩ nhiên cụ được phong là "chúa đảo".

Anh Tư Năng (31 tuổi), cư dân Hòn Giang chuyên nghề chạy đò, kể: "Ông cụ già rồi nhưng còn minh mẫn và quý người lắm, nhất là khách phương xa đến thăm. Nếu là nhà báo như anh, cụ nhất định níu chân không cho về".

Tính đến nay, kể cả Hòn Ụ thì vùng quần đảo đã có tới 4 hòn có người ở. Đó là Hòn Giang, Hòn Đước, Hòn Tre và Hòn Ụ. Tuy nhiên, theo người dân nơi đây cho biết, đảo Hòn Ụ là đặc biệt nhất bởi cư dân trên đảo toàn là con cháu của cụ Ba Nhàn.

Lên đến đảo, mất khoảng 10 phút lội bộ, căn lều của cụ Ba Nhàn hiện ra giữa đám dừa rợp bóng. Bao quanh ngôi nhà là cây dại và chỉ chừa một lối vào.

Xã hội - 'Robinson' Hòn Ụ kể chuyện gian nan khai đảo

Cụ Ba Nhàn vẫn nhớ như in thuở khai hoang lập đảo.

Trong góc nhà, một ông cụ ở trần đang đong đưa võng đọc cuốn sách cũ kỹ. Xem chừng, chủ nhân của nó đã nghiền ngẫm nhiều lần. Nghe tiếng gọi, ông cụ tạm ngưng, nheo nheo đôi mắt nhìn khách. Biết khách đến thăm, cụ đon đả chào rồi vào lấy cút rượu ngâm rễ cây rừng ra thết đãi. Trên đảo, sống giữa chốn neo người, rượu là thứ để ông nhâm nhi những lúc buồn và đãi khách đường xa.

Cụ bảo, cuốn sách mình đang đọc là cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp. Đó là sở thích cũng như cách để giải trí những lúc trống trải. Trên vách nhà còn treo một cái đàn. Ngày trước, hôm nào cụ cũng đàn hát. Tuy nhiên, qua năm tháng, gỗ trên thân đàn đã mục. Đất liền xa xôi cụ chưa có điều kiện đi mua đàn.

Cụ Ba Nhàn tên thật là Ngô Văn Tỵ (SN 1932). Người nhỏ thó, lúc nào cũng ở trần. Râu tóc cụ bạc phơ, đầu quấn khăn rằn rặt người Nam Bộ. Nhìn cụ cởi trần, trầm ngâm bên bãi biển, trông giống hệt ông già trên đảo hoang trong một cuốn tiểu thuyết nào đó. Cụ bảo quê gốc ở huyện Minh Hải, tỉnh Cà Mau. Gia đình có truyền thống cách mạng, cha cụ đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhà cụ có 4 anh em nhưng một người mất tích từ hồi tập kết ra Bắc, người thì hi sinh, người nữa lạc bên Campuchia đến nay vẫn biệt tích. Nay gia đình chỉ còn một mình cụ Ba Nhàn.

Hồi kháng chiến chống Mỹ - Ngụy, cụ cũng làm du kích. Nhưng vì con cái đông lại bị kìm kẹp, cụ Ba Nhàn phải dắt vợ và đàn con bỏ xứ, chạy dạt lên Hà Tiên rồi theo ghe thuyền đánh lưới ở quần đảo Hải Tặc. Rồi một lần đi đốn cây, cụ ghé sang đảo Hòn Ụ. Thấy hòn đảo vắng vẻ, có khả năng lập nghiệp, cụ không về nữa. Sau đó, người đàn ông này cùng vợ con ở lại khai hoang, lập đất sống cho tới bây giờ.

Nhọc nhằn mưu sinh

"Tôi còn nhớ chính thức ra đảo là đầu năm 1963. Lúc đó sau vụ đảo chính Ngô Đình Diệm, ở miền Nam, tình hình hỗn loạn. Nhưng may tôi ở đảo xa nên không ảnh hưởng gì nhiều. Chẳng lo bom đạn nên chúng tôi chỉ lo mưu sinh", cụ Ba Nhàn kể. Hòn Ụ hơn nửa thế kỷ trước chỉ có cây rừng và đất hoang, nhà dựng bằng cây rừng và lá dừa. Tuy nhiên, nước vẫn là vấn đề cam go nhất. Cả quần đảo khan hiếm nên phải chèo thuyền vào tận đất liền lấy nước.

Mỗi mùa mưa đến, người ta phải chưng can, lu, vại dự trữ nước cho mùa hạn. Có năm hạn hán kéo dài, mọi người phải chắt chiu từng giọt. Việc tắm giặt ở đảo hoang xem như cái gì đó rất xa xỉ. Dù có đào giếng khắp nơi nhưng chỗ thấp thì nước nhiễm mặn không thể dùng, nơi đất cao lại không có nước. Mọi người nghĩ, thiếu nước thì trước sau gì cũng phải rời đảo nhưng có lẽ do trời cảm thương, níu chân gia đình cụ Ba Nhàn ở lại.

"Chúa đảo" lại kể: "Tằn tiện lắm chúng tôi cũng nuôi được bầy heo. Và chính nó đã cứu sống cả gia đình. Năm đó mùa hạn kéo dài, vào một ngày trời xanh ngắt không một gợn mây, cỏ cây trên đảo khô héo, đàn heo tìm nơi đất ẩm ướt đằm mình. Trong một buổi đi đuổi heo về, tôi tình cờ phát hiện nơi đàn heo ngày ngày vẫn lui tới có vạt đất ẩm ướt.

Ngay lập tức, tôi đưa tay ngoáy thử thì rõ ràng đất rỉ nước. Nghĩ bụng trời phù hộ mình, tôi mừng rỡ chạy về mang theo cái cuốc ra đào. Không ngờ có nước thật. Vợ con tôi ai nấy vỡ òa hạnh phúc". Rồi cái giếng đầu tiên ở phía Nam Hòn Ụ được đào, dân chúng các hòn lân cận sang lấy về dùng không hết. Ba Nhàn trở thành người có công khai phá "nguồn sống" trên hòn đảo hoang này.

Từ khi chủ động nguồn nước, Ba Nhàn và vợ con không ngày ngơi tay, số lượng đàn heo không ngừng tăng lên, đất hoang xanh mướt màu rau quả. Nhờ bàn tay những con người cần lao mà Hòn Ụ không còn cô quạnh nữa.

Cụ Ba Nhàn nở nụ cười ý nhị bảo: "Đến nay, tôi đã có 14 người con, ngoài cháu, chắt, chít... Tôi đã có cháu đời thứ tư trên đảo rồi đấy". Để các con không mù chữ, cụ Ba Nhàn lại vận dụng kiến thức (thời Việt Minh cụ được đi học) của mình để kiêm luôn vai người thầy. Riêng con của cụ tập hợp lại cũng đủ một lớp. Ngày làm việc, đêm về cụ chong đèn dạy con cái chữ. Vậy mà thật lạ, con của cụ ai cũng sáng dạ, đứa nào cũng tính toán rất giỏi.

Đến đời cháu cụ, nhiều người đã vượt đảo vào đất liền học hành thành tài. Nay cháu cụ có người dạy học ở Hà Tiên, có người định cư ở Anh, Mỹ. Mỗi năm họ vẫn thường ra Hòn Ụ thăm cụ.

"Chúa đảo" này vẫn còn khỏe lắm. Để có thể sống khỏe mạnh trên đảo, cụ đã tự nghiên cứu, tìm ra các loài cây thảo dược để có thể trị được bệnh. Vậy nên, hơn 50 năm qua, cụ Ba Nhàn chưa một lần phải vào nhà thương ở đất liền.

"Đảo là máu thịt của gia đình tôi"

Khi chúng tôi hỏi, con cháu hiếu thảo, sao cụ không sống cùng, hay vào đất liền để an dưỡng tuổi già, ông cụ chỉ cười: "Nếu cậu mà ở đây thì cũng như tôi thôi. Hòn đảo này, mảnh đất này "dính" người dữ lắm, có đi mới thấy nhớ. Tôi cũng từng vào Hà Tiên ở nhưng chỉ ở được 1 tuần lại quay ngược ra. Hình như chốn này là một phần máu xương của tôi và gia đình nên không thể rời xa được". Có lẽ vì "mối tình" sắt son ấy được thử thách qua năm tháng khổ ải, nên người đi đất nhớ. Vậy nên, cụ Ba Nhàn sẵn sàng sống kiếp “Robinson” như người ta vẫn gọi.

Kỳ Anh

Kỳ 2: Cuộc sống hoang dã của "gia đình Robinson" Hòn Rông Ngang


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.