Robot hay trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần ''lấn sân" lĩnh vực nghệ thuật thu hút sự chú ý. Nghệ thuật vốn là "lãnh địa" của con người trước đây.
Robot Sophia (ra mắt năm 2016) thu hút sự chú ý của giới nghệ thuật khi có tác phẩm kỹ thuật số hợp tác với họa sĩ người Ý Andrea Bonaceto được bán đấu giá với mức 688.888 USD vào hồi tháng 3 vừa qua.
Tác phẩm là một file video 12 giây ghi lại quá trình ảnh chân dung của Bonaceto biến đổi thành hình vẽ tay của Sophia, bức tranh nguyên bản cũng nằm trong lô đấu giá. Ban đầu, Bonaceto vẽ tranh chân dung. Sau đó, robot xử lý và vẽ lại hình ảnh theo nhận thức của nó, mà không có bất kỳ sự hỗ trợ của con người.
Nổi tiếng không kém Sophia là Ai-Da, robot đầu tiên trên thế giới có thể vẽ trực tiếp những gì cô quan sát thấy chỉ với một cây bút chì trong tay. Ai-da đã "mở" triển lãm cá nhân thu hút sự chú ý của thế giới.
Triển lãm trưng bày các tác phẩm do Ai-Da thực hiện, được tổ chức tại trường Đại học Oxford (Anh) vào giữa tháng 6/2019, bao gồm những bức phác họa, bức tranh, bức tượng cho thấy những phát triển mà trí tuệ nhân tạo có thể đạt tới.
Điều ngạc nhiên hơn, mới đây robot Sophia còn gây chấn động với tuyên bố sẽ gia nhập showbiz với tư cách là nhạc sĩ cùng single đầu tay mang tên Sophia Pop.
Từ khi ra mắt vào năm 2016, Sophia xuất hiện trong nhiều chương trình giao lưu, hội thảo, Sophia cũng là robot đầu tiên trên thế giới được cấp quyền công dân ở Ả Rập Saudi.
Ở mảng điện ảnh, robot Erica có khả năng trở thành nữ chính robot đầu tiên trên màn bạc khi tham gia dự án phim khoa học viễn tưởng 70 triệu USD của Hollywood.
Trước sự "lấn sân" của các robot trong lĩnh vực nghệ thuật, ông Jeremy Kraybill - nhà phát triển phần mềm và các robot người Úc nhận định những sáng tạo của trí tuệ nhân tạo giúp tạo thêm sự đa dạng nghệ thuật, chứ không hề khiến các nghệ sĩ thất nghiệp.
T.M (Nguồn The New York Times)