Về xã Phương Thịnh, huyện Tam Nông, Phú Thọ hỏi thăm không ai không thương cảm cho gia cảnh éo le mẹ con cô Lê Thị Sinh (45 tuổi). Người dân ở đây không phải tự nhiên đặt cho hai mẹ con cô biệt danh “người rừng”, bởi hàng chục năm nay họ đã quen với cảnh hai mẹ con cô Sinh sống không nhà không cửa, lủi thủi trong những túp lều tạm nay cánh rừng này, mai cánh rừng khác.
Sáng sáng, họ vẫn thấy hai mẹ con “người rừng” dắt nhau tới trường học, chiều chiều lại thấy họ đi bẻ củi hay đi hái rau dại. Vào những ngày cuối tuần, họ thấy hai mẹ con lại mang những gánh củi đi ra chợ bán, có lại lật đật gánh củi về vì ế khách.
Cô Sinh dạy con học.
Nhiều người dân Phương Thịnh không khỏi xót xa và chỉ về gia đình ông Hiệu, người năm rõ nhất câu chuyện của cô Sinh.
Chúng tôi tới gia đình ông Lê Quang Hiệu, anh trai cô Sinh, vào giữa trưa khi ông vừa mới đi làm đồi về. Chưa kịp lau mồ hôi trên khuôn mặt khắc khổ, ông Hiệu chia sẻ: Khi còn là còn con gái, Sinh là một thiếu nữ xinh đẹp, chăm chỉ có tiếng được nhiều người tới hỏi cưới. Cuối cùng, qua người quen trong xóm giới thiệu, chị Sinh cưới chàng trai cùng xã tên T. (SN 1965) vào năm 1989.
Vì là người chăm chỉ, tháo vát nên khi về làm dâu Sinh được gia đình nhà chồng rất quý mến. Khi đó, ngoài việc đồng áng, Sinh còn được chị em trong thôn, xóm tín nhiệm cử làm cán bộ phụ nữ xã. "Vợ chồng Sinh chung sống với nhau rất hòa thuận, mọi người luôn thấy họ xưng hô vợ - chồng rất tình cảm nên ai ai cũng thấy vui lây. Anh em trong nhà hễ có công việc to nhỏ đều nhận được sự giúp đỡ tận tình của đôi vợ chồng trẻ", ông Hiệu kể lại.
Nhưng sau nhiều năm chung sống, vợ chồng chị Sinh vẫn chưa có mụn con. Chịu nhiều áp lực về con cái, Sinh bắt đầu có những biểu hiện lạ về tâm lý. Đỉnh điểm là vào năm 2000, gia đình nhà chồng đã dắt Sinh lên gửi nhà ngoại. Từ đây, tâm lý Sinh ngày càng bất ổn và nặng thêm.
Một năm sau khi bị trả về, Sinh bất ngờ lại có bầu và Sinh được một bé trai rất kháu khỉnh, gia đình nhà chồng đòi ly hôn và không chia bất cứ tài sản gì. Tay trắng, lại có thêm con trai trong khi thần kinh không ổn định khiến cuộc sống của Sinh trở nên khó khăn hơn mà bệnh tình ngày càng trầm trọng.
Nhu ước mơ được đi học để trở thành bác sĩ chữa bệnh cho mẹ.
10 năm nuôi con trong rừng
Thương cảm với gia cảnh của em gái, ông Hiệu cũng bất lực vì không có điều kiện để cho em đi khám chữa ở bệnh viện. Ông xin được người bạn cho ở tạm túp lều cạnh một trang trại. Tuy nhiên, hằng đêm Sinh thường phát bệnh la hét, chửi bới khiến nhiều người không được yên thân.
Nhiều lần làm ảnh hưởng bị mọi người đuổi Sinh lại bế con chạy vào rừng cả tuần, cả tháng mà không tìm thấy đâu. “Cứ tưởng nó chạy đi hẳn thì thời gian sau lại thấy dựng lều ở quả đồi khác. Cứ sống được ở đâu chừng năm là người dân nơi đó lại xua đuổi khiến nó nhiều lần phải chạy đi, chạy lại trên những quả đồi hoang nên mọi người thường gọi là “người rừng”, ông Hiệu xót xa nói.
Sau đó, khi cậu con trai tên Nhu của Sinh lên khoảng 6 tuổi, ông Hiệu vận động anh em họ hàng, bà con lối xóm hỗ trợ xây cho mẹ con cô gian nhà ở lưng chừng một quả đồi lớn biệt lập với khu dân cư mà ông Hiệu phải đổi chác mới có được.
Qua ngọn đồi cả cây số lởm chởm dốc đá mà xe không thể tới được, trước mắt tôi là căn nhà nhỏ được xây bằng gạch đã quá cũ và đơn sơ thọt lỏm giữa rừng cây bạch đàn. Gian nhà hoang sơ tới mức dường như không có một lối mòn nào cụ thể dẫn lối mà phải tự vạch bụi rậm để đi. Trước cổng là hai hàng cây Sắn, nguồn rau thay cơm, thay thực phẩm chủ yếu của hai mẹ con.
Trong nhà không có nổi một đồ vật giá trị ngoài cái chăn bông cũ rách được anh trai cho đắp mùa lạnh và hai cái nồi nhôm méo mó. Trên các vách tường nghệch ngoạc những vết vẽ hình, viết chữ bằng than củi của Nhu. Ông Hiệu chỉ vào bếp, xoong nồi bữa trưa hôm nay của mẹ con Nhu chỉ có đĩa rau muống và măng luộc mà lúc sáng sang bên nhà lấy.
Tấm giấy khen của bé Nhu.
Trong nhà, cô Sinh đang lôi đống sách, vở mới mua bằng tiền trợ cấp ra quát mắng Nhu liên hồi vì tội xé sách vở. Ông Hiệu bảo đó chính là biểu hiện của căn bệnh khiến mọi người xua đuổi Sinh. Dù có sự xuất hiện của anh trai và người lạ những cô sinh cũng không dừng lại việc mắng con. Còn Nhu rất lễ phép dù có phần rất rụt rè, nhút nhát kể: “Hàng ngày đi học mẹ thường dắt cháu tới trường, ngồi chờ cháu học xong lại dắt cháu về. Đường xa lắm, ngày nào cũng đi bộ từ sáng sớm và về thì đã quá trưa. Mẹ lại bế cháu đi xin gạo, xin rau ở nhà các bác về để nấu cơm. Nhiều hôm không có gạo, mẹ nấu rau sắn, rau muống hay măng tre ăn. Cháu muốn được đi học để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho mẹ”.
Cô Lan, người hàng xóm gần nhất của mẹ con “người rừng” cho biết “Sinh là người chăm chỉ làm ăn có tiếng ở xã, gặp chuyện không may ai cũng cảm thông. Dù thần kinh không ổn định nhưng Sinh lại rất để ý tới việc học hành của cậu con trai và dùng hết tiền để mua sách vở.
Hàng ngày hai mẹ con dắt nhau đi học, chiều về hôm thì bẻ củi, hôm đi hái rau loanh quanh. Những ngày cuối tuần hai mẹ con lẽo đẽo đèo củi ra chợ bán, có người trả vài ngàn, vài cái bánh hay bơ gạo, mớ rau Sinh đều đồng ý. Hai mẹ con cứ lủi thủi ngày này qua tháng khác. Biết hoàn cảnh như vậy, nhiều lần mọi người ở đây thường cho cháu quà, rau gạo mang về cho mẹ nấu. Nhu đã 11 tuổi và học lớp 5. Hơn chục năm qua, mẹ con “người rừng” cũng khi tiếp xúc với người ngoài”.
Xác nhận gia cảnh của mẹ con “người rừng”, ông Hà Kim Định trưởng thôn 7, xã Phương Thịnh, cho biết: “Mẹ con chị Sinh đã ở đây hơn chục năm và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Do không nhận thức được bản thân, không có công việc thu nhập, hàng ngày nên sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ. Thôn, xóm thường xuyên kêu gọi các tổ chức, các nhân xã hội quyên góp ủng hộ mẹ con được hưởng chế độ người nghèo và cháu Nhu được cắp sách tới trường đều đặn”.
Theo Tri thức