Nghệ sỹ Chu Lượng hiện đang là phó giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long và là cái tên quen thuộc với những ai yêu mến loại hình nghệ thuật múa rối nước. Ông có phong cách bề ngoài trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi: Tóc dài, quần hộp, áo phông, chiếc mũ lưỡi trai luôn "ngự" trên đầu bất kể mưa, nắng, ngoài trời hay trong phòng làm việc...
Rối nước luôn đồng hành cùng Chu Lượng đi khắp các nẻo đường
Hồn nhiên như... rối nước
Nghệ thuật rối nước đầu tiên bắt nguồn từ đồng bằng Bắc Bộ - nơi của những người nông dân chăm chỉ và được trời phú thêm cho bàn tay tài hoa để làm những công trình điêu khắc cho đình, chùa, miếu mạo... Trò chơi rối nước được sáng tạo để giải trí trong dịp nông nhàn nên các cụ ngày xưa đục đẽo những con rối bằng chính đời sống quen thuộc đang diễn ra xung quanh họ. Kế thừa từ tính sáng tạo truyền thống đó, Chu Lượng bắt tay vào làm rối, vẽ rối với cái hồn truyền thống pha lẫn hiện đại, khiến các nhân vật hiện lên sống động.
Chu Lượng từng tâm sự: "Tâm hồn của rối nước cũng là tâm hồn của người tạo hình nên người nghệ sỹ phải luôn giữ cho tâm hồn mình trong sáng. Rối nước không chấp nhận sự áp đặt, bởi thông điệp lớn nhất của rối nước mà điển hình là chú Tễu chỉ nằm gọn ở sự hồn nhiên". Nếu tâm hồn của người tạo hình con rối không trong sáng thì ngay cả từng nét vẽ đến vết đục đẽo cũng thiếu đi sự tròn trịa, sống động.
Với Chu Lượng, ông muốn phá bỏ quan niệm rối nước chỉ dành cho trẻ thơ, đối tượng hướng tới của ông là mọi tầng lớp trong xã hội. Điều cốt lõi ông muốn nhằm mục đích giúp cho mỗi người xem đều nhận được chính bản thân mình trong từng tạo hình cũng như hành động của chúng. "Thành công của người nghệ sỹ tạo hình là giúp cho khán giả như cảm thấy được sự thanh lọc tâm hồn, trở lại được sự hồn nhiên nguyên sơ như buổi ban đầu khi đến với rối nước" - Chu Lượng chia sẻ.
Chu Lượng cho biết, có thời kỳ do áp lực cuộc sống, ông từng khắc khoải chứng kiến sự biến dạng của chính tâm hồn mình. Đã không ít lần, ông muốn chuyển tải tất cả những tâm tư, tình cảm, sự phẫn nộ của tâm trạng mình lên tạo hình những con rối và rồi thất bại. Để trút bầu tâm sự đó bằng cách vẽ những con rối khác đi, một nửa mặt đen, nửa còn lại là màu trắng hay hằn trên gương mặt rối là những vết chém... để rồi thất bại. Sau đó, ông nhận ra một điều, tất cả những tạo hình mang tính áp đặt đó không phù hợp với rối nước hay nói cách khác, thứ nghệ thuật truyền thống này chối bỏ những gì thuộc về thế giới bon chen phức tạp.
Rối nước ưa sự hồn nhiên, trong sáng. Lúc đó, rối mới thực sự mang hồn người, còn những ý tưởng mang tính không tưởng kia chả khác nào tự biến mình thành những con rối giữa đời thường. Chu Lượng học cách thanh lọc tâm hồn mình bằng những bài học thực tế từ chính cuộc sống một cách giản dị như thế.
Thổi hồn hiện đại cho rối nước truyền thống
Mới đây, trong chương trình "Linh thiêng hai tiếng đồng bào" vừa đạt giải Vàng trong Liên hoan Múa rối quốc tế lần III - 2012, Chu Lượng đã góp phần đánh dấu bước chuyển vượt bậc trong tạo hình rối nước hoàn toàn dựa trên hồn cốt truyền thống. Cùng đó, 1.000 chú rối nước trong triển lãm "nhân gian" cách đây 5 năm đến nay vẫn còn tiếng vang. Chu Lượng cho biết, tạo hình rối nước lần này vẫn theo phong cách "đa dạng hóa những mặt người" như thế. Vẫn là con rối nước quen thuộc nhưng tạo hình lần này mang hơi thở hiện đại hơn, như sử dụng nhạc sáng tác mới, tăng cường nhiều loại nhạc cụ dân tộc và hệ thống máy chiếu với hình ảnh và lời bình cô đọng.
Rối nước trong tạo hình của Chu Lượng lần này là hiện hữu của cuộc sống hôm nay với lịch sử, nguồn gốc của người Việt. Với tiêu chí giới thiệu về bản sắc của người Việt Nam, nguồn cội, con người đều mang phong thái và tập tục quen thuộc của từng vùng miền, những tạo hình độc đáo này khiến người xem không khỏi bất ngờ khi nhận thấy những đặc trưng về đời sống, văn hóa của dân tộc đang sinh sống.
Đối với người Mông, Chu Lượng tập trung khai thác tạo hình dựa trên tập quán sinh hoạt văn nghệ luôn được chú trọng. Khi trai gái yêu nhau, họ thể hiện tình cảm bằng những lời ca câu hát giao duyên nên anh khai thác từ dáng điệu người con trai thổi khèn, con gái múa ô. Chỉ riêng trang phục của người Mông, những con rối của anh được đảm bảo giữ nguyên bản.
Người nghệ sỹ tài hoa này đã khéo léo đưa vào kịch bản của buổi biểu diễn hơi thở cuôc sống đương đại, đó là đặc trưng sinh hoạt của từng vùng miền. Thoát ra khỏi những màn biểu diễn truyền thống, những tiết mục lần này đòi hỏi sự giải phẫu bộ máy điều khiển phức tạp và linh hoạt hơn rất nhiều. Khán giả được trải nghiệm và đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, bởi những con rối vô tri kia chỉ cần một động tác nghiêng đầu để xoay ô thôi cũng khiến khán giả phải ồ lên ngạc nhiên xen lẫn thích thú. Chính sức hút từ lối trình diễn sinh động đó đã khiến khán giả bỗng chốc thoát ra khỏi không gian chật chội của rạp múa rối để được thỏa thê đứng giữa núi rừng mênh mông, để tận mắt chứng kiến những màn múa đẹp mắt đó.
Cái kỳ công của màn tạo hình con rối trong chương trình lần này chính là công tác giải phẫu bộ máy điều khiển rối nước. Riêng việc nghiên cứu để cho ra đời được phương pháp điều khiển cũng như phối kết hợp để đi đến thống nhất cách điều khiển rối nước sao cho linh hoạt nhất cũng mất một năm rưỡi. Trong khi đó, công tác chuẩn bị cho vở diễn cũng mất khoảng 16 tháng. Đạo diễn trực tiếp là ông Hoàng Tuấn - Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long với những yêu cầu về kịch bản cũng như kỹ thuật khắt khe, khiến tính kết hợp giữa từng cá thể đòi hỏi rất cao.
Bản thân mỗi con rối lại phức tạp riêng và phải đảm đương được nhiều động tác linh hoạt: Với múa Chàm thì đầu con rối phải lắc, múa Lục cúng hoa đăng đòi hỏi sự kết hợp hài hòa từ thao tác điều khiển con rối múa đơn đến khi kết thành hình tháp... để đưa vào bộ xử lý con rối. Có những động tác phức tạp phải 3 - 4 người phối hợp mới thực hiện được. Nhưng, có lẽ hơn ai hết, chỉ những nghệ sỹ rối nước mới cảm nhận được hết những vinh quang được trao tặng họ phải đánh đổi bằng những gian nan nhọc nhằn phải trải nhưng trên hết vẫn là niềm yêu nghề bất tận rất đáng được trân trọng.
Tuệ Linh