Biết án của mình khá nặng, dẫu vậy nữ phạm nhân Đặng Thị Hằng (SN 1962, ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã từng thụ án tại Trại giam Đồng Sơn (Tổng cục 8, Bộ Công an) vẫn cố gắng từng ngày để được trở về với cuộc sống đời thường. Bây giờ chị đã trở về với cuộc sống đời thường, nhưng dường như quá khứ vẫn chưa thôi ám ảnh chị. Những ngày trong trại giam đã chiếm một phần lớn nỗi đau trong cuộc đời của chị để bây giờ mỗi khi nhớ về những ngày tháng ấy chị không khỏi ân hận, xót xa.
Cuộc đời của chị là cuộc đời của một người đàn bà có nhiều bất trắc và cả những mất mát. Cũng từ những mất mát ấy, những bất trắc ấy đã xô đẩy chị vào vòng lao lý. Chị kể lại câu chuyện đời của mình như muốn trút bỏ đi gánh nặng, cũng như coi đó là một bài học cho tất cả những ai lỡ sa chân vào con đường phạm tội ma túy.
Con trai chị là Nguyễn Quý Phi (SN 1983) vì chơi bời đàn đúm nên bập vào ma túy từ lúc nào chẳng biết. Gia cảnh cũng không phải là khó khăn gì nên mỗi lần con xin tiền chị đều chiều theo ý nó mà không hề hay biết cậu con trai quý tử của mình đã đốt tiền vào trò chơi chết người này. Hơn 10 năm trời chị đều đặn đưa tiền cho con để “nuôi thuốc” mà không hề hay biết. Đến khi nợ nần chồng chất thì cũng là lúc chị nhận ra tai họa đang ập xuống cuộc sống gia đình mình.
Lâm vào cảnh khó khăn, chị phải lê la khắp đầu đường, góc chợ để chắt bóp từng đồng từ những mớ rau, con cá. Tất cả cũng chỉ để dành cứu vớt cuộc sống gia đình đang ngày càng khánh kiệt. Nhưng đau đớn thay, công sức chị bỏ ra không đủ để chu cấp cho thằng con ngày càng nghiện ngập.
Trong những lần đói thuốc, tiền không có, con trai chị mò ra khu vực vắng vẻ nơi con nghiện thường tụ tập tiêm chích ma túy, nhặt lại bơm kim tiêm của người ta vứt lại để mang về “lấy sái” tiêm lại cho đã cơn nghiền. Chính vì thế, Phi đã nhiễm căn bệnh HIV. Nhìn thân thể con ngày càng tàn tạ như cái giẻ rách, lòng người mẹ đau như muối xát nhưng chị cũng không biết làm cách nào để lôi đứa con trở lại với cuộc sống.
Nghĩ cuộc sống cơ cực, lại nhìn thằng con ngày càng tàn tạ, đã có những lúc chị chợt nghĩ liều. Nghĩ rồi chị lại kìm mình lại. Nhưng chị đã không thể vượt qua được. Hay là…
Thế là chị đã mù quáng nhận bán ma túy để vừa kiếm tiền lại vừa có thuốc cho con sử dụng. Cứ thế, chị trượt dài bởi cái lý do “thương con” của mình. “Tôi mù quáng mà thương con không đúng cách. Lúc ấy chỉ vì không nỡ nhìn sự vật vã, cùng cực thân xác vì ma túy của đứa con trai mà tôi lao vào con đường mua bán ma túy. Lúc ấy tôi chỉ mong kéo dài cuộc sống của nó ngày nào hay ngày đấy. Tôi tìm đến khu vực “tam giác qủy” ở Bến xe TP Vinh tìm hàng trắng, 10 tép mua lại tôi về chia thành 12 tép bán cho các con nghiện trên địa bàn kiếm lời!”- chị Hằng chua chát kể.
Nhưng việc làm phạm pháp của chị chẳng thể tồn tại được lâu, đầu năm 2007, con trai chị bị bắt và sau đó mấy ngày, chị cũng phải bước chân vào trại tạm giam. Hai mẹ con cùng bị đưa ra xét xử một ngày, cùng nhận một mức án tù. Rồi, 2 mẹ con cùng nhập trại một ngày, cùng cải tạo chung tại trại giam Đồng Sơn. Đau đớn hơn, vào trại chưa được bao lâu, con trai chị không thể sống tới ngày được rời trại, nó đã chết vì căn bệnh thế kỷ.
Kể đến đây nước mắt chị dàn dụa trên khuôn mặt, chị nghẹn ngào: “Ngày nó được đưa vào trạm xá điều trị, tôi đã mường tượng ra cái cảnh nó sắp vĩnh viễn lìa đời rồi. Tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý cho mình rồi. Vậy mà lúc nhận được tin nó chết, chân tay tôi vẫn rã rời, bỏ ăn bỏ uống mấy ngày trời và chỉ muốn đi theo nó thôi! May mà các chị em cùng phòng giam an ủi động viên tôi không nghĩ quẩn nữa tôi mới gắng gượng tiếp tục sống được đến ngày hôm nay!”
Từ ngày con trai mất, chị trầm hẳn xuống vì mọi hy vọng của cuộc đời chị coi như đã tắt. Dù biết trước điều đó sớm muộn sẽ xảy ra, nhưng chị vẫn đau. Nhiều đêm khi mọi người trong phòng giam đã yên giấc, chị vẫn thao thức mà nước mắt chảy dài, rồi lặng lẽ ôm chiếc gối mà khe khẽ hát ru như ru đứa con thủa nào. Nhiều chị em chung phòng hiểu nỗi đau của chị nên thường lựa lời động viên an ủi, cố gắng làm chị vơi bớt nỗi đau ấy. Không những thế, những cán bộ quản giáo của trại cũng luôn gần gũi động viên chị cải tạo tốt để sớm được trở về.
Đại úy Cao Thị Hồng Vân - Quản giáo phân trại II, Trại giam Đồng Sơn cho biết: “Phạm nhân Hằng đã lớn tuổi, hoàn cảnh cũng quá đặc biệt so với nhiều phạm nhân khác, nhưng chị không tỏ ra bi quan, chán nản. Trong lao động, cải tạo thì phạm nhân Hằng là một trong số những người có tay nghề giỏi ở xưởng may. Luôn có ý thức phấn đấu, cải tạo tốt để mong sớm trở về với cộng đồng!”.
Chỉ ít lâu sau, chị được bầu làm trưởng buồng giam nữ. Thể hiện là một người gương mẫu trong trại, chị đã cải tạo tốt mà còn động viên các phạm nhân cùng phòng hãy thực sự hối cải, hoàn lương, gắng sức học tập, cải tạo vì đó là cách nhanh nhất, tốt nhất đưa con người lầm lỗi trở về với gia đình và cuộc sống đời thường.
Trong lá đơn xin đặc xá đầy xúc động gửi tới cán bộ Trại giam Đồng Sơn, chị Hằng viết: “Chồng mất sớm, chỉ còn lại mẹ già. Hoàn cảnh nghèo khó, do thiếu nhận thức nên tôi đã sa vào con đường lầm lỗi. Qua 3 năm cải tạo tại trại, bản thân tôi đã nhìn nhận được những sai lầm mà tôi đã gây ra, chính vì thế tôi luôn cố gắng hết mình để cải tạo, lao động tốt, mong sớm trở về với xã hội, chăm sóc mẹ già. Đứa con trai duy nhất của tôi cũng vì nghiệp ngập mà sa ngã, phạm tội và bị bắt vào trại cải tạo. Nhưng đau xót hơn nó còn bị nhiễm HIV giai đoạn cuối và đã qua đời cách đây không lâu. Nay ở nhà còn mỗi mẹ già neo đơn sống dựa vào những người hàng xóm láng giềng bát cơm, bát cháo, khi tối lửa tắt đèn. Bản thân nay là một phạm nhân nhưng chữ “hiếu” luôn đứng trong đầu đạo lý làm người, vì thế nghĩ cảnh mẹ già tuổi đã 90 không có người chăm sóc, chỉ biết cải tạo tốt mong chờ hết thời hạn để trở về bên mẹ lúc tuổi già sức yếu…”.
Lá thư ấy đã làm các cán bộ chiến sỹ nơi đây rơi nước mắt, và họ hiểu khát vọng hoàn lương đến cháy lòng của người đàn bà một thời lầm lỗi đã mang quá nhiều mất mát này.
Ai cũng muốn được trở về mái nhà của mình
Trong khoảng thời gian chờ đợi đến ngày tự do, phạm nhân Hằng cũng như bao phạm nhân khác có tên trong danh sách đề nghị Hội đồng đặc xá Trung ương thông qua và Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá đợt 2-9 đều có chung tâm trạng hồi hộp, phấn khởi. Nhưng chị vẫn lo sợ sẽ làm gì sau khi ra trại khi mà những mất mát vẫn hằn in khi đã bước qua cái ngưỡng 50 cuộc đời và còn lại chỉ là 2 bàn tay trắng.
Thế nhưng, khát vọng sống, khát vọng làm lại cuộc đời của nữ phạm nhân này mãnh liệt hơn bao giờ hết: “Rũ bỏ được áo tù, tôi sẽ theo nghề may, cái nghề tôi đã học được trong thời gian cải tạo. Mở một tiệm may nhỏ ở gia đình để kiếm sống bằng chính đôi bàn tay lao động của mình để nuôi mẹ già trong những ngày cuối đời. Mong xã hội đừng kỳ thị, rũ bỏ những người đã từng lầm lỗi như tôi!”.
Đã hơn 4 năm xa gia đình, chị sốt ruột, muốn về chăm sóc người mẹ già yếu của mình, nhưng về rồi chị lại sợ không kiếm được một công việc, sợ láng giềng kì thị. Nhưng chị bảo ai rồi cũng có lúc phải trở về mái nhà của mình, dù nơi đó có dột nát đi nữa, nhất là chị, khi chị đã ở cuối con đường đời của mình. Chị đã khóc như một đứa trẻ con khi nhận quyết định đặc xá. Ngày cuối cùng trong trại, chị đã đến cảm ơn từng cán bộ trong nước mắt. Ai cũng mong chị sẽ làm được nhiều điều tốt đẹp khi trở về với cộng đồng.
Ngày trở về trong nước mắt, không ai đón chị ngoài cánh cổng trại giam. Một mình lầm lũi trở về mái nhà xưa, chị đã quỳ xuống bên chiếc giường của người mẹ già bao đêm khóc hết nước mắt đợi con về mà khóc, mà ân hận. Người mẹ già của chị giang rộng đôi tay đã già nua đón chị, bao dung và che chở. Chị lại mở một sạp hàng nhỏ để bán hàng kiếm bữa cơm, hai người phụ nữ đã ở bên kia con dốc đời người nương tựa vào nhau sống qua những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Điều chị sợ nhất bây giờ là không còn đủ sức chăm mẹ già, để đền đáp và ăn năn về những lỗi lầm mà chị đã gây ra. Chị bảo có lúc chị nghĩ quẩn đã muốn quyên sinh, nhưng rồi nghĩ lại rằng nếu chết trước người mẹ đã một đời đau đớn vì chị liệu có thanh thản. Với riêng chị, có lẽ cái chết là một sự giải thoát, nhưng để lại người mẹ già quay quắt trong cõi sống, sao chị đành lòng.
Cuộc đời chị có lẽ cùng chỉ nên nói đến vậy thôi. Khi bây giờ đã trở về với cộng đồng, nhưng những nỗi niềm tâm sự thì cứ như nước mắt được chị nuốt vào trong để một mình đau lặng lẽ. Mắt chị cứ đăm đăm nhìn về một nơi xa xăm nào đó, bàn tay chị, như một thói quen, vẫn vỗ nhịp đều đều vào chiếc gối như đang vỗ vào lưng đứa trẻ đang ngủ ngon lành như khi con chị còn nhỏ, và giống như khi chị ở trong trại. Con chị đã chết mà chị vẫn cứ thao thức vỗ gối ru nó hằng đêm. Có lẽ trong sâu thẳm tâm hồn chị, vẫn đang mơ về ngày xa xưa khi đứa con còn bé của chị…
Theo Minh Ngọc (An ninh Thủ đô)