Giờ tan trường khi các bé khác được bố mẹ đón về, duy chỉ một mình bé Lê Quỳnh Anh (học sinh lớp 3G, trường TH Khương Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội) đứng ngóng bà nội đến. Theo như lời bác bảo vệ trường được biết có nhiều hôm khi tất cả các cháu đã về hết, chỉ còn một mình bé Quỳnh Anh tha thẩn chơi một mình chờ bà đến, nhưng chẳng khi nào thấy bé khóc hay tỏ ra giận dỗi gì cả. Ngày nào cũng thấy hai bà cháu vui vẻ dắt nhau về trên chiếc xe đạp cọc cạch đã cũ mòn.
Kể chuyện về đứa cháu đáng thương, bà nội không cầm được nước mắt
Nét chữ nắn nót, đẹp như in, tôi đã tình cờ đọc được lá thư đặc biệt của cô bé Quỳnh Anh gửi cho bà nội kính yêu:
Thư gửi bà !
Bà ơi, cháu cám ơn bà nhiều lắm. Bà đã thay bố, mẹ chăm sóc cháu từ bé đến giờ. Mỗi ngày khi cháu còn đang trong giấc ngủ thì bà đã trở dậy để làm việc. Bà đi nhặt vỏ chai, lon bia để kiếm tiền cho cháu ăn học. Vì trường ở xa nhà nên ngày nào bà cũng dắt chiếc xe đạp đưa cháu tới trường. Cháu thương bà chân đau, mắt kém, cháu muốn tự đi bộ đến trường nhưng bà không cho. Bà bảo bà sẽ cố gắng kiếm tiền cho cháu ăn học thành người. Con có mẹ nhưng con chưa được gần mẹ ngày nào. Con rất nhớ mẹ. Bà giống như người mẹ của con. Con sẽ cố gắng ngoan ngoãn học giỏi để bà vui. Con mong bà sống mãi với con”.
Nét chữ nắn nót của bé Quỳnh Anh viết thư gửi bà nội
Sau khi hỏi về lá thư, càng đắng lòng hơn nữa khi tôi được nghe thông tin trực tiếp từ cô giáo Phạm Thị Hiền và cô Trần Phương Thảo – chủ nhiệm lớp 3G trường Tiểu học Khương Thượng về học sinh “đặc biệt” này. Quỳnh Anh mồ côi bố mẹ từ nhỏ bởi từ khi mới 8 tháng tuổi đã được gửi về bà nội nuôi, mọi thông tin về bố mẹ em đến nay gần như “bặt vô âm tín”, bản thân em khi được hỏi cũng không biết bố mẹ là ai và chưa lần nào gặp.
Bà nội Đỗ Thị Bích Liên năm nay mới ngoài 60 tuổi nhưng đôi mắt gần như không còn nhìn thấy gì, càng xót xa hơn khi bà được các bác sĩ chỉ định phải mổ mắt nhưng không có điều kiện nên cứ để vậy. Không những thế, căn bệnh tiểu đường còn hành hạ suốt 7 năm qua nhưng bà chưa một lần “mua thuốc ngoài thuốc bệnh viện phát theo thẻ bảo hiểm” bởi: “Tôi sợ tiêu đến tiền lắm, tôi già rồi như thế nào cũng được, chỉ thương cháu đi học mà không có tiền mua sách vở thôi” – bà Liên gạt nước mắt khi nhắc đến chuyện bệnh tật của mình.
Không có bố mẹ bên cạnh, Quỳnh Anh được bà nội đón về nuôi khi em mới 8 tháng tuổi
Đã từng là thanh niên xung phong rồi đi bộ đội vào sinh ra tử tại các trận địa, trong trí nhớ của bà Liên đó là những năm tháng hào hùng và hạnh phúc nhất. Rồi đến khi lấy chồng, sinh con, mọi vất vả khổ đau mới bắt đầu ập đến. Câu chuyện về đứa cháu nội đáng thương Quỳnh Anh bà đã dấu kĩ suốt gần 8 năm qua bởi mỗi lần nhắc lại là thêm một lần như có vết dao cứa sâu vào trái tim bà. “Con trai tôi lấy vợ rồi sinh cháu lúc nào tôi không biết, chỉ nhớ trước khi nhận Quỳnh Anh nó có gọi điện về cho tôi nói mẹ ra đón cháu về nuôi. Lúc đó con bé mới 8 tháng tuổi, trông yếu ớt và non nớt lắm, tôi mang cháu về nuôi còn bố mẹ nó thì không có thông tin gì cả”.
Hiểu được sự vất vả của bà nội nên em rất ngoan và chăm chỉ học tập
Không có bất cứ một lời kêu than khổ sở gì cả, bà còn thật thà kể: “Hàng tháng tôi cũng có lương hưu cô ạ nhưng tôi phải để dành cho cháu học, con bé đã không được bố mẹ chăm sóc rồi, tôi sợ nó thất học lắm”. Bà kể, chỉ đơn giản bấy nhiêu thôi nhưng sao nước mắt cứ chực trào ra nghẹn ứ. Cô giáo Phạm Thị Hiền cho biết: Trước người lạ bà không bao giờ kể về công việc hiện tại, nhưng chúng tôi là cô giáo chủ nhiệm của em nên chúng tôi hiểu. Với việc học của bé Quỳnh Anh, bà không tiếc gì cả, liên tục hỏi chúng tôi con phải mua sách vở gì và đóng góp như thế nào vì bà luôn nơm nớp sợ con thất học. Còn về điều kiện cuộc sống thì thiếu thốn đủ đường, thường bữa cơm của hai bà cháu chỉ có mớ rau mà đó lại là rau bà đi nhặt được mang về ăn. Họa hoằn lắm có bữa thịt thì chỉ mình Quỳnh Anh được ăn thôi, còn bản thân bà thì không có.
Sợ cháu đến trường một mình, bà nội ngày nào cũng dắt bộ xe chở cháu
Mới 8 tuổi, cô bé Quỳnh Anh còn quá nhỏ để có thể hiểu được những chuyện xảy ra xunh quanh mình, với em đơn giản bà nội vừa là bố, vừa là mẹ hàng ngày chăm bẵm cho em. Cô bé còn ngô nghê kể: “Em không khổ đâu vì có nhiều hôm bà nhặt được nhiều đồ ăn ngon về cho em lắm” khiến tôi cũng không cầm lòng được. Bà cũng cho biết“ngại nhận sự giúp đỡ vì tôi còn có sức khỏe và lao động được, hàng ngày đi nhặt vỏ lon bia bán cũng được 20 đến 30 ngàn đồng đủ lo bữa cơm cho cháu”. Lời tâm sự của bà nghe sao tồi tội và sự lo lắng lại nhiều hơn bởi đôi mắt già nua kia chỉ còn thấy le lói chút ánh sáng vậy mà hàng ngày vẫn phải dò dẫm đi nhặt từng lon bia để lo sự học cho đứa cháu mồ côi tội nghiệp.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bà Đỗ Thị Bích Liên (Phòng 305, nhà C4, tổ 4D, ngõ 44, phố Khương Thượng, phường Ngã Tư Sở, Hà Nội) |
Theo Dân trí