Sau một vài vụ việc tai nạn đáng tiếc có liên quan tới thang máy công trình (máy vận thăng) thời gian vừa qua, đặc biệt là vụ việc ngày 30/5 tại Móng Cái, Quảng Ninh khiến 7 người bị thương nặng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhất là hiện nay, loại thiết bị này đang được sử dụng rộng rãi tại các công trình xây dựng. Câu hỏi về lỗi vô tình hay cố ý, trách nhiệm thuộc về ai hiện đang rất cần có câu trả lời.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Ths. Hoa Văn Ngũ, Trưởng ban biên soạn Tiêu chuẩn thang máy, thang cuốn Quốc gia thì những vụ tai nạn có liên quan đến máy vận thăng, nếu không có mặt ở hiện trường (với điều kiện được niêm phong, giữ nguyên sau tai nạn) thì rất khó có thể khẳng định nguyên nhân là do đâu. Bởi lẽ, luật hiện nay của chúng ta đã có những quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể tham gia vào quá trình lắp đặt, kiểm định, sử dụng vận thăng công trình.
“Nếu làm đúng theo quy trình kỹ thuật thì không bao giờ có thể xảy ra tai nạn”, Ths. Hoa Văn Ngũ khẳng định.
Riêng câu hỏi mà nhiều độc giả đặt ra là với trường hợp kể trên, thang máy có được phép chở đến 7 người hay không, ông Ngũ cho biết, tùy theo từng cấu tạo công suất và tải trọng mà máy vận thăng có thể chở số lượng người và vật liệu khác nhau. Có những máy vận thăng tải trọng lên tới 2 tấn thì có thể chở được mười mấy người. Bên cạnh đó, máy luôn có một bộ phận báo quá tải. Khi số lượng người, hàng quá giới hạn cho phép, máy sẽ có đèn báo và không hoạt động.
“Trong trường hợp đèn báo quá tải bị hỏng mà đơn vị sử dụng không phát hiện ra, không sửa chữa hoặc phớt lờ thì khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm của con người là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khả năng này là vô cùng thấp”, ông Ngũ cho biết.
Hiện nay, máy vận thăng được Nhà nước quy định trong danh mục những thiết bị đòi hỏi kiểm định nghiêm ngặt trước khi đưa vào sử dụng. Tương tự như việc ô tô lưu thông trên đường đòi hỏi có những tiêu chuẩn về kiểm định thì máy vận thăng cũng có những quy định riêng về bảo dưỡng, sửa chữa, lắp đặt, vận hành rất chi tiết, cụ thể.
Theo quy định là 1 năm/1 lần phải thực hiện kiểm định máy định kỳ. Với mỗi lần máy thay đổi, di chuyển theo công trình thì quá trình kiểm định phải tiến hành lại từ đầu. Quá trình này có sự tham gia của rất nhiều đơn vị chức năng như thanh tra sở, bộ, cơ quan chuyên ngành. Sau khi máy có kết luận đủ tiêu chuẩn mới được đưa vào hoạt động.
Sau khi được kiểm định đủ tiêu chuẩn, máy hoạt động được thì trách nhiệm vận hành sẽ thuộc về những người trực tiếp điều khiển. Người này phải được đào tạo, có chứng chỉ đàng hoàng. Người quản lý trực tiếp công trình cũng có trách nhiệm trong việc giám sát quá trình này.
Những quy định về máy vận thăng đã kín kẽ, không cần thêm luật |
Đ.Huệ
(còn tiếp)