Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể làm “chậm” tình hình
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đồng ý "bình thường hóa" tình hình ở Idlib, Syria sau cuộc gặp giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Vladimir Putin hôm 27/8.
Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố mang thiện chí hòa giải giữa hai nhà lãnh đạo ở Moscow, có rất ít chi tiết về sự thỏa hiệp giữa hai bên trong cuộc chiến đang đi đến hồi kết ở Syria.
Trong một cuộc họp báo chung, các nhà lãnh đạo đã nói về sự hợp tác ở Idlib, nơi quân đội Syria do Nga hậu thuẫn đã tiến hành các cuộc tấn công chống lại phe đối lập được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Tổng thống Putin tuyên bố, Nga đã "vạch ra các bước đi bổ sung để khắc chế những kẻ khủng bố ở Idlib và bình thường hóa tình hình tại đây", trong khi ông Erdogan kêu gọi chấm dứt các hoạt động quân sự.
Ali Bakeer, một nhà phân tích và tư vấn chính trị tại Ankara, cho biết cuộc gặp đã không cho thấy dấu hiệu về một bước đột phá có ý nghĩa nào liên quan đến vấn đề Syria.
"Không có biện pháp chi tiết nào về cách cả hai sẽ thực hiện kể từ thời điểm này", ông nói với Al Jazeera. "Nga cho thấy rằng họ thấu hiểu sự nhạy cảm của Thổ Nhĩ Kỳ về các mối đe dọa an ninh nhưng điều đó không có nghĩa là Nga sẽ ngăn Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiến công".
Các lực lượng Chính phủ Syria đã tăng cường tấn công vào Idlib trong những tuần gần đây, với mục tiêu mở lại tuyến đường cao tốc chính nối Damascus đến thành phố Aleppo.
Một trạm quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Morek, phía Nam thị trấn Khan Sheikhoun, hiện đang bị quân đội Syria bao vây. Tuần trước, một đoàn xe Thổ Nhĩ Kỳ tiến về tiền đồn cũng đã bị một cuộc không kích nhắm vào.
"Chuyến đi của ông Erdogan tới Moscow đã được lên kế hoạch từ trước thay vì liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Idlib", Kamal Alam, một nhà phân tích quân sự chuyên về Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
"Thổ Nhĩ Kỳ ít nhiều bị dồn vào chân tường ở Idlib và không có lối thoát nào cho họ về mặt quân sự hay ngoại giao. Đồng thời, chiến thuật của họ về việc kiểm soát hoặc tạo ảnh hưởng đến các nhóm chiến binh đã không mang lại kết quả".
Chuyên gia Alam cũng suy đoán rằng việc từ chức của 5 tướng Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần trước, bao gồm cả chỉ huy và phó chỉ huy các hoạt động ở Idlib, có thể liên quan đến chính sách bối rối của Ankara ở Syria.
"Có sự bất mãn rõ ràng trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ", Alam nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhà phân tích Bakeer cho biết, Nga có thể sẽ làm chậm bước tiến của quân đội Syria trước cuộc gặp ở Ankara vào tháng tới giữa Erdogan, Putin và Tổng thống Iran Hassan Rouhani - ba nhà lãnh đạo đã khởi động tiến trình hòa bình Astana từ năm 2017.
"Có một mô hình mà tôi nghĩ sẽ được tuân theo cho đến khi Nga đạt được mục tiêu thống nhất toàn bộ lãnh thổ Syria dưới thời al-Assad", ông nói.
"Cứ sau vài tháng họ lại tiến hành một cuộc tấn công, nói rằng đó là phản ứng đối với sự vi phạm tiến trình Astana. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ phàn nàn với Nga và các cuộc tấn công bắt đầu giảm xuống hoặc kết thúc hoàn toàn nhưng nhiều tháng sau, một cuộc tấn công khác lại được phát động”.
"Thổ Nhĩ Kỳ không thể hoàn toàn dừng trò chơi này nhưng có thể làm chậm lại ở mức gần như không có gì nguy hiểm”, Bakeer nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa mua Su-57
Nihat Ali Ozcan, nhà phân tích chính sách an ninh tại Quỹ nghiên cứu chính sách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết ông Putin và Tổng thống al-Assad đã thể hiện rằng họ không sẵn lòng đàm phán với các chiến binh do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Idlib.
"Cách tiếp cận của Nga rất rõ ràng: Tất cả các chiến binh ở Idlib đều là những kẻ khủng bố và cả Putin và Assad sẽ không nói chuyện với họ", ông nói.
"Tuy nhiên, Putin không muốn mất Erdogan, người đang ở vị trí không tốt lắm vào lúc này".
Cuộc họp vào tháng tới có thể sẽ chứng kiến việc Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải rút quân khỏi Idlib, ông nói thêm.
Trong khi đó, theo quan điểm của chuyên gia Alam, Tổng thống Erdogan "rõ ràng coi Nga là lựa chọn tốt nhất của mình" do xích mích với Mỹ và áp lực trong nước trước sự hiện diện liên tục của hàng triệu người tị nạn Syria và "cuộc phiêu lưu vô định" ở quốc gia Trung Đông.
"Thổ Nhĩ Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút quân và nói chuyện với Tổng thống Assad", Alam cho biết. Những cuộc thảo luận như vậy sẽ tập trung vào an ninh ở biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi các lực lượng người Kurd là mối đe dọa của nước này.
Trong chuyến tham quan triển lãm hàng không ở Moscow, Tổng thống Erdogan đã được mục sở thị các máy bay chiến đấu mới nhất của Nga, bao gồm Su-35 và máy bay tàng hình Su-57 thế hệ thứ năm.
Erdogan cho biết ông muốn tiếp tục hợp tác công nghiệp quốc phòng với Moscow. Trước đây ông nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm các nhà cung cấp khác khi nước này bị loại khỏi chương trình F-35.
Tuy nhiên, nhà phân tích Bakeer nói rằng mặc dù có các thỏa thuận như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không sẵn lòng mua máy bay Nga trong khi nước này vẫn còn liên quan nhiều trong dự án F-35.
"Chỉ khi họ bị loại bỏ hoàn toàn khỏi chương trình F-35 và các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp đặt thì Thổ Nhĩ Kỳ mới cân nhắc mua Su-35 hoặc Su-57", ông nói.