Nơi đây, họ coi HIV/AIDS cũng chỉ bình thường như cảm cúm, sổ mũi, thậm chí khi phát bệnh, nặng lắm cũng chỉ giống ho lao. Điếc không sợ súng, đám thanh niên cứ vô tư chích choác, hút sách, rồi mang bệnh thế kỷ lúc nào chẳng hay.
Quách Thị Thiết và đứa con với người chồng có HIV
Đẻ để có người nối dõi tông đường
Chục năm trước, xóm Vôi (Liên Sơn, Lạc Sơn, Hòa Bình), cũng như hàng trăm bản Mường khác, sống trong cảnh nghèo khó, thanh bình. Thanh niên trai tráng quanh năm suốt tháng chỉ biết quanh quẩn với con trâu, mảnh ruộng. Từ ngày giới đào vàng miền xuôi phát hiện ra mỏ Thung Bu cách đó không xa, thanh niên trong xóm lũ lượt kéo nhau lên bãi với mong ước đổi đời. Ngày làm việc với đám nghiện ngập, đêm ngủ trong lán sặc khói thuốc phiện. Lâu dần thành quen, con nghiện vào người lúc nào chẳng hay. Lúc đầu thì tập tành hút hít, sau rồi chích choác để có sức khỏe.
Cách đây vài năm, bãi vàng Thung Bu bị các cơ quan chức năng dẹp bỏ, đám thanh niên lại trở về xóm Vôi với "thành quả" là hai bàn tay trắng, một đống bệnh tật cùng vô vàn thói hư tật xấu. Về xóm, không nghề ngỗng, tiền cháy túi nhưng vẫn phải hút hít, chích choác để thỏa cơn nghiện. Chỉ vài chục ngàn đồng, đám thanh niên bản nghèo đã có đủ thuốc cho cả nhóm 4-5 người chích chung. Mua được thuốc nhưng thiếu xi lanh (bơm kim tiêm), họ lượm luôn dưới gậm nhà sàn, nhúng qua nước sôi, rồi hồn nhiên sử dụng. Cứ thế, căn bệnh thế kỷ AIDS tưởng chỉ có ở những thành phố lớn, đã mò mẫm đến tận bản Mường, đến từng gậm nhà sàn xóm Vôi.
Theo người dân nơi đây, người đầu tiên nghiện ngập, dính AIDS ở xóm Vôi là Bùi Văn Công. Anh ta dặt dẹo, quậy phá tung trời khiến chính quyền địa phương phải đề nghị công an cưỡng chế đưa vào Trung tâm Lao động - Xã hội tỉnh Hòa Bình để cai nghiện. Lúc mới nhập trại, anh ta như tàu lá héo, bủng beo, vàng vọt, lở loét, lại có vết rò ở bụng. Hai năm vật vã trong trại, cuối cùng Công cũng đoạn tuyệt được với ma túy. Giờ đây, sau gần chục năm có HIV, Công ăn khỏe, làm khỏe không khác gì người thường.
Năm 2004, Công tậu về một cô vợ xinh đẹp nhất làng. Tôi ngồi trò chuyện với vợ Công - chị Bùi Thị Lan, mãi đến tận trưa mới thấy Công về. Anh vừa cùng mấy thanh niên có HIV vật lộn với chiếc máy hút cát dưới sông Bưởi. Lan chỉ tôi tấm hình cô gái xinh đẹp treo trên tường, bảo đó là em ruột cô, từng tham dự Cuộc thi các hoa hậu dân tộc Việt Nam năm 2007. Ngồi trò chuyện với người đàn bà này, tôi thật không thể tin nổi, chị ta cứ cười tươi như hoa nở. Dường như, con virus cầu gai mà cả thế giới kinh hãi không có gì đáng sợ với chị ta.
Quê ở xã Vũ Lâm, Lan quen Công năm 2004 rồi nhận lời cầu hôn của Công, mặc kệ quá khứ lầm lỗi, bệnh tật của chàng. Đám cưới được tổ chức tưng bừng trong niềm vui của hai bên gia đình, chỉ có các cán bộ y tế là e ngại. Không ngăn cản được tình duyên, các cán bộ y tế chỉ còn biết thay nhau khuyên Công bảo vệ, giữ gìn cho vợ. Nói gì Công cũng gật đầu răm rắp.
Cưới nhau được mấy tháng, Lan đã mang bầu, rồi sinh hạ cô con gái kháu khỉnh. Cán bộ y tế mắng, Công bảo: "Bình thường em vẫn dùng bao cao su, nhưng lúc cần đẻ thì em bỏ ra. Vợ em vẫn khỏe, con vẫn khỏe, có sao đâu?". Thôi thì vợ chồng đã trót, chẳng biết khuyên nhủ thế nào, chỉ còn biết dặn dò hai người tuyệt đối không được đẻ nữa, nếu muốn giữ tính mạng vợ con. Công cũng gật đầu đồng ý.
Thế nhưng, giờ đây, Lan lại chửa vượt mặt. Cái bụng to như thúng báo hiệu sắp đến ngày sinh. Tôi hỏi Lan: "Chị không sợ chết à?". Lan bảo: "Chết ai chẳng sợ. Nhưng anh Công là con trai duy nhất trong nhà, em phải đẻ cho anh ấy thằng con trai để nối dõi tông đường chứ!". Nghe Lan nói thế, tôi cũng chỉ biết tặc lưỡi: "Thôi thì sự đã đành, có nói cũng chẳng được nữa".
Cách nhà Công không xa, từ ngôi nhà sàn chênh vênh bên sườn đồi, vẳng ra tiếng ru ầu ơ và tiếng võng đưa kẽo kẹt. Quách Thị Thiết đang ru con ngủ. Khi tôi đến, thằng bé cũng lổm ngổm bò dậy. Chồng Thiết - Bùi Văn Điệp đi ăn cưới từ sáng vẫn chưa về. Thiết sinh năm 1984, quê ở Kim Bôi (Hòa Bình), lấy chồng từ năm 2003. "Lấy Điệp rồi, em mới biết quá khứ của chồng mình quá “lẫy lừng”. Gã từng theo đoàn thuyền đào vàng lên tận đầu nguồn sông Đà, cuối tỉnh Lai Châu. Những kẻ từng theo thuyền đãi vàng trên sông thì gần như 100% đều nghiện", Thiết ngậm ngùi.
Lấy nhau, biết chồng có HIV, song ngày đó, Thiết chả biết cái con HIV là gì. Việc đẻ vẫn phải đẻ. Thằng bé vừa sinh ra đã èo uột, suốt ngày ho hắng, ỉa chảy, rồi mất khi mới 2 tháng tuổi. Sau lần mất con, các bác sĩ theo dõi rất sát sao, động viên hai vợ chồng đến nơi đến chốn. Thế nhưng, những lời bác sĩ nói như gió bay qua vách núi. Đầu năm 2007, Thiết mang bầu, rồi cuối năm sinh hạ một bé trai. Cũng chung tâm sự như Lan, chồng Thiết là con một, nên không thể không đẻ được. Các cụ cần có thằng con trai để cúng tế tổ tiên khi về giời.
40 hộ gia đình, 41 người mắc AIDS
Đi một vòng quanh xóm Vôi, tôi thống kê được hàng loạt trường hợp có HIV/AIDS song vẫn lấy vợ, đẻ con sòn sòn. Bùi Văn Toàn, Bùi Văn Hiếm, mới lấy vợ, sinh được một con. Anh em Bùi Văn Linh và Bùi Văn Lình cũng đua nhau lấy vợ, liên tiếp sinh con. Thậm chí, vợ chồng Linh còn đẻ liền tù tì 2 đứa. Kỷ lục cao nhất thuộc về Bùi Văn Mầu, sinh năm 1976, dù có HIV, song vẫn lấy vợ và vô tư đẻ 3 đứa liền.
Một góc xóm Vôi
Có một điều rất lạ là những bà vợ này cứ vô tư, hồn nhiên như cây cỏ, như thể bệnh AIDS chỉ là hắt hơi, sổ mũi. Có con rồi, có lây HIV từ chồng hay không, họ cũng chẳng thèm quan tâm. Có lẽ, vì sự hồn nhiên, lại thêm không khí trong lành, lao động đều đặn nên dù có mắc bệnh, họ vẫn cứ khỏe mạnh như thường. Tôi chỉ gặp duy nhất một trường hợp, đó là chị K - vợ Bùi Văn Phấn, sau khi sinh đứa thứ hai thì liên tục ốm yếu. Hôm tôi đến, chị K vẫn nằm bẹp giường không gượng dậy được. Cũng chẳng biết chị K và hai đứa bé có mắc phải căn bệnh thế kỷ hay không, bởi hai vợ chồng họ chẳng bao giờ đi xét nghiệm?
Theo anh Bùi Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Lạc Sơn, cả xã Liên Sơn có hơn 40 hộ gia đình thì 41 trường hợp nhiễm HIV/AIDS, trong đó, riêng xóm Vôi có 24 trường hợp. Tuy nhiên, anh Bùi Văn Công, một bệnh nhân AIDS có "thâm niên" cao nhất của xóm khẳng định, thực tế xóm Vôi có ít nhất 40 người mắc bệnh.
Nhắc đến đại dịch AIDS đang tàn phá bản làng, anh Hồng chỉ biết than vắn thở dài. Anh bảo, xóm Vôi là điểm nóng HIV/AIDS nên các cán bộ tập trung công sức nhiều nhất, thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến từng nhà, từng đối tượng. Tuy nhiên, chuyện những người có HIV vẫn sòn sòn đẻ con thì các cán bộ cũng bất lực. "Mình xuống tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách bảo vệ cho vợ, mấy ông kễnh gật gù nghe chăm chú lắm, nhưng nghe thì cứ nghe, đẻ thì cứ đẻ, biết làm sao được! Thôi thì đành hướng dẫn tỉ mỉ cho họ cách bảo vệ con cái khi có bầu, rồi giới thiệu họ đến bệnh viện lớn đẻ cho an toàn", anh Hồng nói.
Qua quá trình điều tra, tìm hiểu, hầu hết những trường hợp có HIV/AIDS vẫn lấy vợ, sinh con ở xóm Vôi rơi vào những gia đình độc đinh. Thế mới biết, tư tưởng có con trai nối dõi tông đường ở bản người Mường này còn quá nặng nề. Để có đứa con trai, người ta sẵn sàng bắt người phụ nữ hy sinh mạng sống. Sự u muội sẽ còn khiến một thế hệ nữa phải gánh hậu quả đau lòng.
Phạm Ngọc Dương