1. Trong một chiếc lều nhỏ, đám trẻ, đứa nhỏ tầm hai tuổi, những đứa lớn hơn tầm bốn đến năm tuổi còn đứa lớn nhất khoảng hơn mười tuổi một chút, đang ngồi quây quanh những con rắn hổ mang lớn. Một số bé gái mải mê cưng nựng những con rắn trên tay, đứa khác lại choàng chúng vào cổ trong khi vẫn không ngừng quan sát lũ rắn còn lại đang phồng mang và lắc lư cái đầu. Tất cả những đứa trẻ đó đều vô cùng chăm chú, không một chút sợ hãi trước con vật được xem là vô cùng nguy hiểm này.
Đôi lúc, những đứa trẻ lại cười một cách hồn nhiên trước những cái đầu đung đưa của lũ rắn. Nếu lần đầu nhìn thấy cảnh tượng này hẳn bạn sẽ phải giật mình thảng thốt mà sợ hãi trước những con rắn lớn và cả cho những đứa trẻ kia nữa.
Thế nhưng, đối với các thành viên của bộ tộc Vadi thì đấy lại là những hình ảnh quen thuộc, không có bất cứ một điều gì để gây lo ngại cả. Bởi đây là môt buổi học thôi miên rắn của những đứa trẻ bộ tộc Vadi, Ấn Độ.
Bộ tộc được mệnh danh là mê rắn bậc nhất thế giới sống ở phía Nam của bang Gujarat, đất nước Ấn Độ. Cũng chính ở bộ tộc này là nơi sản sinh ra tập tục thôi miên rắn đầy lạ lùng nhưng cũng vô cùng độc đáo. Tuy nhiên, để trở thành một người thôi miên rắn không phải là điều đơn giản. Muốn trở thành một người có khả năng khiến những con rắn lắc lư theo tiếng kèn của mình, những người thuộc bộ tộc Vadi phải làm quen, sống và học thôi miên rắn từ năm lên… 2 tuổi.
Chính bởi thế, bắt đầu từ năm lên hai, trẻ em của bộ tộc Vadi sẽ được đến học tại một ngôi trường đặc biệt với môn học đặc biệt: thôi miên rắn. Quá trình học thôi miên rắn diễn ra trong một thời gian dài liên tục được tính bằng năm. Tất cả trẻ em của bộ tộc Vadi đều phải trải qua mười năm trong lớp học này để có thể hiểu mọi thứ về loài rắn hổ mang và trở thành một người thôi miên rắn chuyên nghiệp.
Trong trường dạy thôi miên rắn, việc học sẽ được phân chia theo giới tính của đứa trẻ chứ không phải theo độ tuổi. Những bé trai của bộ tộc sẽ được học cách để thôi miên con rắn với tiếng kèn của mình. Những cậu bé sẽ được dạy cách thổi kèn, cách mở nắp những chiếc mũ để những con rắn hổ mang bành vươn mình dậy, thể hiện những màn uốn lượn trong tiếng nhạc.
Trong khi đó, những bé gái sẽ được dạy cách chăm sóc cho những con rắn để chúng luôn được khỏe mạnh và sạch sẽ. Các bé gái cũng phải học kỹ năng có thể tự mình chăm sóc các con rắn khi bố hay anh trai hoặc chồng không có nhà. Khi đến 12 tuổi, tức là sau mười năm luôn chơi, học và gắn bó với rắn, những đứa trẻ có thể “tốt nghiệp” và trở thành một người thôi miên rắn thuần thục.
Đó cũng là lúc mà đứa trẻ bắt đầu thể hiện vai trò của mình trong cộng đồng chung của bộ tộc. Với những người thuộc bộ tộc Vadi, khả năng thôi miên rắn còn là thước đo đánh giá sự trưởng thành của những đứa trẻ.
2. Do được tiếp xúc với những con rắn hung dữ từ rất nhỏ nên trẻ em Vadi không có khái niệm sợ rắn. Với chúng, rắn vừa là những người bạn thân thiết vừa là món đồ chơi độc đáo có một không hai của trẻ em trên hành tinh này.
Những đứa trẻ Vadi, bất kể gái hay trai thường nô đùa, nghịch ngợm cùng với những con rắn. Chúng cầm, ôm ấp, kéo đuôi, vắt lên vai, quấn cổ như thể con rắn là một người bạn thực sự của mình. Những đứa trẻ trong bộ tộc Vadi có thể đối mặt với những con rắn hổ mang bành mà khi ngóc cổ lên còn cao hơn cả thân mình không một chút sợ hãi.
Cô bé Meru Nath Madari, một bé gái bốn tuổi có thể nằm áp xuống nền đất đối diện với một con rắn hổ mang lớn. Meru ngẩng đầu lên, không hề lo lắng, quan sát những động tác của con rắn một cách chăm chú. Mặc dù không được dạy cách thôi miên rắn song Meru rất chịu khó xem người lớn tuổi dạy các bạn trai về kỹ thuật thôi miên rắn.
Cô bé có thể ngồi cả buổi chỉ để quan sát xem con rắn có những chuyển động như thế nào. Vì thế, dù mới theo học được hai năm tại trường thôi miên rắn nhưng Meru đã rất thân thiết với những con rắn của mình.
3. Sự ý thức về việc học thôi miên rắn của những đứa trẻ người Vadi bắt nguồn từ chính bản thân những người lớn tuổi của ngôi làng. Trong bộ tộc người Vadi, ai cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc học thôi miên rắn và chúng đều được nói lại một cách rất rõ ràng cho lũ trẻ hiểu về truyền thống có từ xa xưa đó của bộ tôc.Ông Babanath Mithunath Madari, năm nay đã bước sang tuổi 60, là tù trưởng của bộ lạc Vadi nói rằng công việc đào tạo những đứa trẻ để chúng có thể thôi miên rắn bắt đầu từ khi trẻ lên 2 tuổi.
Và những đứa trẻ sẽ được dạy mọi cách thức để thôi miên rắn cho đến khi chúng sẵn sàng thực hiện các vai trò trong cộng đồng người Vadi. Hiểu biết về loài rắn với mọi phương diện của chúng, biết cách thôi miên những con rắn lớn chính là cách mà người Vadi lựa chọn để tiếp nối truyền thống hàng nghìn năm của bộ tộc mình. Những con rắn ở được sử dụng để bọn trẻ học thôi miên thường là rắn độc, sống trong môi trường tự nhiên. Và bọn trẻ phải học được cách thuần hóa rắn từ chính môi trường chúng sống.
Để làm giảm nguy hiểm cho những đứa bé học thôi miên rắn, các con rắn sẽ được cho ăn một hỗn hợp lá cây đặc biệt do chính người lớn trong bộ tộc làm. Hỗn hợp lá cây này được sử dụng để có thể làm vô hiệu hóa nọc độc của các con rắn nguy hiểm. Không chỉ cho rắn ăn lá cây nhằm giải trừ nọc độc, người Vadi còn có những nguyên tắc hết sức chặt chẽ về việc mang các con rắn nguy hiểm này bên người.
Theo kinh nghiệm của những người dân trong bộ tộc, những con rắn hổ mang hung dữ nhất được sử dụng để thôi miên sẽ được thả sau một vài tháng. Thời gian lâu nhất mà một người có thể lưu giữ một con rắn bên mình là bảy tháng. Người Vadi giải thích, nếu sau bảy tháng con rắn chưa được thả tự do thì sẽ rất dễ gây nguy hiểm đến những người người học thôi miên cũng như những người đã thành thạo thuật này.
4. Mặc dù, từ năm 1991 cho đến nay, chính quyền Ấn Độ cấm việc thôi miên rắn vì nhận định là nó rất nguy hiểm với những đứa trẻ nhỏ đồng thời cũng ảnh hưởng không tốt đến đời sống loài rắn.
Tuy nhiên, tộc người Vadi với hơn 600 người dân này vẫn kiên quyết giữ vững tập tục truyền thống của bộ tộc mình. Chịu rất nhiều sức ép từ chính phủ song những người đứng đầu bộ tộc Vadi cũng nêu rõ quyết tâm rằng không thể từ bỏ phong tục truyền thống đã có từ hàng nghìn năm nay. Người đứng đầu bộ tộc, thầy Madari cho biết rằng những người trong bộ tộc sẽ không bao giờ làm cho những con rắn bị tổn thương.
Bởi với họ, rắn cũng có nghĩa là con cái của mình. Về việc lo sợ rắn sẽ gây nguy hiểm cho những đứa trẻ họ thôi miên rắn, người đứng đầu Vaidi cũng nói rằng họ chưa bao giờ nghe thấy việc có nhiều người trong bộ tộc bị rắn cắn. Madari nhấn mạnh thêm rằng từ bé đến giờ ông mới chỉ nghe thấy một người bị rắn cắn mà thôi.
Song, dù có nhận được sự bảo đảm của người đứng đầu bộ tộc, chính phủ Ấn Độ vẫn kiên quyết phản đối tập tục này. Đồng thời, chính phủ Ấn Độ cũng ra những luật cấm hoặc trừng phạt hành vi với tập tục này.
Do bộ tộc Vadi không bao giờ sống ở một địa điểm nào quá sáu tháng và thường xuyên di cư nên bất cứ nơi nào bộ tộc này đến, chính quyền địa phương thường cho cảnh sát kiểm tra một cách kĩ lưỡng.
Ông Madari kể rằng cảnh sát rà soát bộ tộc của ông ở bất cứ nơi nào bộ tộc đến. Không chỉ bị chính quyền nghiêm cấm, tập tục thôi miên rắn của tộc người Vadi cũng khiến những người dân khác của Ấn Độ hết sức lo sợ. Những con rắn hổ mang lớn, đối với họ là những mối nguy hiểm thực sự chứ không phải là bạn theo cách nghĩ của người Vadi.
Thông thường, người Vadi không thể cư trú trong thị trấn mà thường dựng trại bên ngoài. Họ sẽ vào trong thị trấn mua đồ ăn, thức uống và các vật dụng cần thiết. Tuy nhiên, cứ mỗi khi cộng đồng người Vadi vào thị trấn thì lại bị người dân ở đây xua đuổi.
5. Tất cả những trở ngại đó vẫn không thể xóa bỏ tập tục thôi miên rắn có một không hai của người Vadi, bởi đó không chỉ là đời sống tinh thần của họ mà còn là một cách thức sống để thích nghi với môi trường du mục liên tục. Mọi trẻ em trong bộ lạc Vadi đều được giải thích về tầm quan trọng của việc thôi miên rắn. Những đứa trẻ hiểu rằng chỉ có học cách thôi miên rắn, mọi người mới có thể thích ứng được với môi trường tự nhiên.
Chính bởi thế, trên những sa mạc rộng lớn thuộc đất nước Ấn Độ, người ta vẫn có thể thấy cảnh, vào ban đêm, một nhóm người ngồi quây quần bên nhau, kể cho nhau những truyền thuyết về tổ tiên và loài rắn.
Trong cuộc nói chuyện ấy, người lớn giải thích cho lũ trẻ về tầm quan trọng của việc thôi miên rắn và cả việc giúp lũ rắn có một cuộc sống đoàn kết hơn trong tự nhiên. Đó chính là bộ tộc Vadi – bộ tộc mê rắn bậc nhất thế giới.
Đại Hùng
*Bài đăng trên chuyên đề báo ĐS&PL.