Mấy năm gần đây, những "mùa trăng phố thị" với cách đón Trung thu hiện đại đã lấn át dần những giá trị truyền thống của cha ông. Người ta ít thấy chiếc đèn ông sao được làm thủ công, những đèn kéo quân bằng giấy màu đỏ thắm, làm thủ công mà thay vào đó là những đồ chơi hiện đại như: Mặt nạ hoạt hình, sừng nhựa xanh, đỏ hay ô tô, xe lửa có xuất xứ từ Trung Quốc. Trung thu này, bạn đến phố cổ Hà thành với cách trở về cội nguồn độc đáo của các bạn trẻ.
Trên con phố cổ Hàng Đào với những cửa hàng thời trang danh tiếng, ngôi đình Đồng Lạc được chọn làm địa điểm tổ chức đón Trung thu truyền thống. Ngoài những hoạt động văn hóa tôn vinh đêm phá cỗ trông trăng truyền thống, nơi đây còn trưng bày những sản phẩm đồ chơi của trẻ em thời xưa như: Tiến sĩ giấy, đèn xếp, đèn con giống, trống ếch làm nhiều bạn trẻ thích thú. Đặc biệt là tại đây, các bạn nhỏ có thể tự tay làm đồ chơi Trung thu truyền thống theo sự hướng dẫn của người lớn.
Khi tôi đến, có rất nhiều nghệ nhân và các em học sinh đang chăm chú để làm đèn ông sao như: Vót tre, tạo khung hình ngôi sao, đến cắt, dán giấy màu, uốn khung… Trần Hà Linh (lớp 8, THCS Trưng Vương, Hà Nội) cho biết: "Từ trước đến nay, mỗi dịp Trung thu mẹ em hay ra Hàng Mã để mua đồ chơi bằng nhựa hay mặt nạ công chúa. Năm nay, biết ở chùa có các nghệ nhân dạy cách làm đèn ông sao, tiến sĩ giấy nên em đến tham dự. Lớp em cũng có nhiều bạn đến đây để được tự tay làm đồ chơi Trung thu. Đây cũng là cợ hội tốt để chúng em làm quen với các giá trị truyền thống của dân tộc. Nhìn đèn ông sao thủ công, thành phẩm do chính tay mình tạo ra dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, em xúc động vô cùng. Nó mỏng manh nhưng đáng yêu như chính chúng em vậy".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, lễ hội Trung thu ở phố cổ năm nay đề cao nghệ thuật truyền thống, dạy trẻ em cách làm các sản phẩm Trung thu và trình diễn nghệ thuật truyền thống như múa rối cạn; giới thiệu tranh xé giấy thủ công; biểu diễn ca trù ... Tại đình Đồng Lạc, ban tổ chức lễ hội Trung thu còn mời các nghệ nhân năn tò he, làm tiến sĩ giấy về trình diễn cho các em nhỏ tham quan. Chính sự khác lạ này đã làm cho nhiều em nhỏ cảm thấy thích thú. Thực tế tìm hiểu, chúng tôi được biết không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng đến đây, để giao lưu với các nghệ nhân và cùng làm các sản phẩm trung thu để tìm về "cảm xúc ngày thơ bé". Bác Huy Nam (phố Đinh Tiên Hoàng) cho biết: "Lâu lắm rồi tôi mới thấy các sản phẩm truyền thống như thế này. Bởi chính những đèn ông sao, tò he, tiến sĩ giấy... là tuổi thơ của chúng tôi”.
Lạc Thành