...Nhưng người ta tự hỏi, liệu họ còn phụ thuộc vào “ông lão 36 tuổi” ấy đến bay giờ?
Tiếp nối thành công sau trận đấu với Tottenham, Ole Gunnar Solskjær tiếp tục giữ nguyên công thức chiến thắng của mình khi ra sân với sơ đồ có ba trung vệ. Song, khi mà Edinson Cavani không thể ra sân ngay từ đầu vì vấn đề thể lực, Solsa đã chuyển qua biến thể 3-4-2-1, với Marcus Rashford và Bruno Fernandes thi đấu ở ngay sau lưng trọng pháo Cristiano Ronaldo.
Về căn bản, cách toan tính này của Solsa là hợp lí bởi nó mang lại cho Quỷ đỏ cách tấn công trực diện hơn, thay vì trông chờ những pha lật bóng không mấy chất lượng của các biên thủ (wing-back). Và sự thật là hai bàn thắng của họ trong rạng sáng nay đều xuất phát ở trung lộ. Có điều, chúng không thể nào che lấp đi những nhược điểm cố hữu của Man Utd.
Bởi dù chơi 3-5-2, 3-4-3 hay 4-2-3-1, thì vai trò của những tiền vệ trung tâm là vô cùng quan trọng. Theo đó Paul Pogba là niềm kì vọng của Solsa. Anh đã nghỉ ở trận gặp Tottenham (bị treo giò) và hoàn toàn sung sức trước Atalanta. Có điều thực tế trên sân chứng minh cầu thủ này không phù hợp với Scott McTominay.
Cả hai tiền vệ này đều có xu hướng lao lên trên. McTominay vốn đang chơi như một tiền vệ con thoi điển hình. Còn Pogba thậm chí đá rộng hơn và đảm nhiệm luôn trọng trách luân chuyển bóng. Để rồi Solsa nhận lại được gì? Một cầu thủ được trang Whoscored chấm 6.0 điểm, tệ nhất ở trên sân (chỉ đứng sau thủ thành De Gea người mắc sai lầm dẫn đến bàn thua đầu tiên của đội khách).
Đêm qua, Man Utd vận hành với cả hai sơ đồ 3-4-2-1 và 4-2-3-1 (sau khi Varane chấn thương). Và ở sơ đồ nào, người ta cũng không thấy được vai trò của Pogba. Đó là một thực tế mà Solsa cần phải đối mặt và có lẽ đã đến lúc BLĐ Man Utd tính đến chuyện ngưng gia hạn với cầu thủ người Pháp.
Từ việc thiếu một máy quét đích thực ở giữa sân, Man Utd rất dễ bị tổn thương từ những tình huống phản công của Atalanta. Hai bàn thua mà họ đã nhận vô tình tạo ra một núi áp lực lên hàng công. May mắn thay Quỷ đỏ vẫn còn đó một Cristiano Ronaldo lừng lững.
Công bằng mà nói Atalanta đã chơi tốt, nhất là trong hiệp hai. Khả năng phòng ngự của họ tốt dần lên sau mỗi 45 phút. Thống kê cho thấy trong hiệp hai, tỉ lệ bàn thắng kì vọng mà Man Utd tạo ra chỉ là 0.33, ít hơn gấp đôi so với hiệp một (0.74).
Đáng tiếc, đội khách có một siêu sao trong đội hình. Chỉ cần một cú sút, thứ mà máy tính phán đoán chỉ có 3% cơ hội bóng đi vào lưới, thì Man Utd đã có bàn thắng gỡ hòa ở những phút bù giờ. Cú volley ấy phá tan mọi toan tính chiến thuật mà HLV Gian Piero Gasperini vẽ ra trên sa bàn.
Người ta còn thống kê được rằng, nếu loại bỏ những bàn thắng mà Ronaldo ghi được ở Champions League mùa này, Man Utd chỉ đang có được 2 điểm sau 4 trận đấu (dĩ nhiên đứng bét bảng). Trong khi đó, thực tế là họ đang chia sẻ ngôi đầu với Villarreal với 7 điểm và tràn trề hi vọng đi tiếp nếu thắng ở lượt đấu tới.
Câu chuyện sống dựa trên hơi thở của Ronaldo đã được giới chuyên môn nhắc đến từ vài tuần trước, khi mà siêu sao người Bồ Đào Nha đưa Man Utd về từ cõi chết với pha làm bàn ở phút bù giờ trước Villarreal. Giờ thì kịch bản cũ lặp lại. Tất nhiên, khi mà Ronaldo ghi bàn, những chỉ trích hướng về anh như “ích kỷ”, “không chịu pressing” chỉ như gió thoảng qua tai Solsa. Ông vẫn cần cậu học trò để giữ lại chiếc ghế cho mình.
Nhưng điều đó không che mờ một thực tại rằng hệ thống của Man Utd đang gặp vấn đề: từ hàng thủ cho đến hàng công. Họ chỉ thắng đối phương bằng sự tỏa sáng của các cá nhân. Và khi Ronaldo không tỏa sáng, chuyện gì sẽ xảy ra đây? Một trận thua tan nát 0-5 vào cuối tuàn này nữa chăng, khi mà đội bóng họ chạm mặt là ĐKVĐ Premier League Man City? Đâu ai chiến thắng bằng “bùa lợi” tinh thần mãi được!