Ngày ấy, có nhiều chàng trai cùng bản để ý và ngỏ lời đưa Đấu về làm vợ, nhưng Đấu đã chọn Sùng Hảng Páo, hơn mình 4 tuổi để trao thân, gửi phận. Khi về nhà chồng làm dâu, Đấu mới chỉ bước qua tuổi 14. Những tưởng hạnh phúc sẽ đến với bông hoa rừng chớm nở thế nhưng, Đấu đâu có ngờ rằng, chồng mình là một gã đàn ông nát rượu, hễ có chút hơi men trong người là Páo lại gây sự với vợ, với các chị gái của mình. Thậm chí, nhiều lúc chẳng có lý do gì nhưng Páo cũng vô cớ tát vào mặt Đấu.
Đời mẹ như... hạt mưa sa
Đã thế, cứ đến ngày mùa, vài hôm Páo lại vác ngô, vác lúa ra chợ bán lấy tiền mua rượu uống. Khi hết ngô để bán thì Páo lại mua nợ của người ta, bao giờ nhà có ngô, có lúa thì người ta đến nhà đòi. "Mình rất thương con, nhiều đêm mình cứ nghĩ, thôi thì mình là phụ nữ, lấy được người chồng ra sao thì cũng phải chịu, Páo có như thế nào thì cũng là chồng mình, Páo bảo sao thì mình nghe vậy, không dám cãi lại anh ta. Páo có thói quen thích tát vào mặt vợ.
Nhiều lần, mình đang cho con bú, Páo đi uống rượu về đánh tới tấp vào đầu mình, tát cả vào mặt đứa nhỏ làm hai mẹ con ngã dúi dụi xuống đất. Páo đánh mình xong là khoá cửa lại, ngồi canh không cho vợ đi ra ngoài vì sợ các chị gái biết sẽ mắng Páo. Thậm chí, có lần chị gái Páo vì bênh mình mà bị Páo đánh cho gẫy hết cả mấy chiếc răng cửa. Tại sao người ta cũng lấy chồng, mình cũng lấy chồng mà số mình lại khổ đến như vậy?", Đấu ngân ngấn nước mắt kể.
Cho đến một ngày cuối tháng 2/2008, nỗi ấm ức bị dồn nén bấy lâu trong lòng Đấu đã lên tới đỉnh điểm, chị ta quyết định phải giải thoát cho mình bằng một tội ác tày trời là giết chồng. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 2h ngày 20/2/2008, Páo đi uống rượu về lại chửi mắng, kéo Đấu ngã từ trên giường xuống đất. Vì tối hôm đó nhà có một người khách nữ đến chơi nên Đấu bảo Páo sang giường bên cạnh ngủ cùng các con nhưng Páo đã quát vợ rằng: "Không có gì phải xấu hổ! Mày không cho tao ngủ cùng, tao đạp chết mày!".
Vì bực tức, Đấu đứng dậy túm tóc Páo, còn Páo vặn tay Đấu ra phía sau. Bị đau, Đấu kêu to nên mọi người trong gia đình đều thức giấc, chị gái của Páo ở gần nhà cũng chạy sang khuyên can em trai và em dâu. Tuy nhiên, vì quá ấm ức, Đấu đợi Páo lên giường ngủ say liền tháo dây yếm ra, cuốn một vòng quanh cổ chồng và cầm hai đầu dây siết chặt khoảng 5 phút, rồi tháo dây yếm ra, cất ở đầu giường. Lúc này, Đấu sờ vào mũi Páo thì thấy chồng không còn thở nữa. Sau đó, Đấu tiếp tục nằm ngủ đến khoảng 4h30' thì gọi người nhà dậy và phát hiện Páo đã chết. Với tội lỗi của mình gây ra, Đấu đã phải trả giá bằng bản án 8 năm tù.
Niềm hạnh phúc sau tận cùng đau khổ
Gặp lại Đấu ở trại giam Quyết Tiến, người đàn bà có đôi mắt lúng liếng này kể rằng, sau khi bị toà tuyên án 8 năm tù nhưng vì lý do đang nuôi con nhỏ nên Đấu được cho tại ngoại đến năm 2010 mới phải thi hành án. Trong khoảng thời gian đó, Đấu nảy sinh tình cảm và qua lại với một người đàn ông đã có gia đình.
Giàng Thị Đấu hạnh phúc bên cô con gái bé nhỏ Đỗ Quên đón Tết trong trại giam.
Bằng giọng lơ lớ tiếng phổ thông, Đấu kể: "Sau khi mình bị bắt để thi hành án được mấy ngày, thấy không ăn được cơm thì mình mới biết là đã mang thai”. Ngừng một lát, Giàng Thị Đấu nở nụ cười rất tươi và bảo rằng: "Mình sinh con dễ lắm nhà báo ạ! Khoảng 2h sáng mình đau bụng, gọi cán bộ quản giáo đưa ra trạm xá của trại giam thì đến 3h là mình sinh em bé. Vì nhà mình nghèo, chẳng có đồ gửi vào thăm nom nên tã lót, quần áo của con toàn do các cán bộ trong trại và các chị cùng buồng giam cho mình. Vậy mà, ông trời thương mình, phù hộ cho con mình bụ bẫm, hồng hào lắm nhà báo ạ! Các chị cùng buồng giam cứ bảo, nó bụ thế thì cứ gọi là "Mỡ" cho dễ nuôi, vậy là mọi người quen gọi cháu là bé Mỡ".
Chỉ còn ít ngày nữa là bé Đỗ Quên sẽ tròn 3 tuổi. Bé rất thích hát. Theo lời của Giàng Thị Đấu thì Đỗ Quên biết tiếng phổ thông nhiều hơn mẹ, vì thế, có lúc nghe con hát mà Đấu không hiểu hết được lời của bài hát, đành phải nhờ các bạn tù dịch cho sang tiếng Mông thì Đấu mới hiểu. Chỉ tay về phía cô con gái bụ bẫm, đáng yêu, đôi mắt Đấu ánh lên niềm hạnh phúc của một người được làm mẹ.
Đấu chia sẻ: "Thỉnh thoảng mình có nghe các chị cùng buồng giam hát bài "Nhật ký của Mẹ", mình thấy hạnh phúc lắm! Vì mình không biết nhiều tiếng phổ thông nên cũng không nhớ hết được nội dung bài hát, nhưng mình có thuộc và thích nhất đoạn "Bao ngày mẹ ngóng/ Bao ngày mẹ trông/ Bao ngày mẹ mong con chào đời/ Ấp trong đáy lòng/ Có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần?".
Bé Mỡ chính là niềm vui giúp mình quên đi tất cả quá khứ đau buồn. Tuy nhà mình nghèo, không có quà thăm nuôi gửi vào nhưng các cán bộ ở trại giam cũng quý Mỡ lắm, cứ có bánh kẹo, hoa quả là cán bộ lại cầm vào cho. Mình và Mỡ đã đón 3 cái tết Nguyên đán ở trong trại giam, tuy không được đủ đầy như ở bên ngoài nhưng Ban Giám thị và các cán bộ của trại cũng đã cố gắng hết sức để phạm nhân chúng tôi và đặc biệt là các cháu nhỏ ở cùng với mẹ có thể cảm nhận được không khí ấm cúng của ngày tết.
Tết năm 2013 vừa rồi, bé Mỡ được các bác cán bộ và các cô, các bác cùng buồng giam với mẹ mừng tuổi cho rất nhiều quà bánh, quần áo mới, đồ chơi... Nhìn con nói cười đón nhận những món quà đó mà lòng mình vui lắm. Hy vọng rằng, đợt đặc xá 2/9 tới đây, mẹ con mình sẽ được trở về...!".
Nhìn ánh mắt mơ màng của Đấu, chúng tôi Hiểu, người đàn bà ấy đang mơ về những gì tươi đẹp ở phía trước và đang tìm cách quên đi quá khứ buồn đau...
Mình không biết nhiều tiếng Kinh, nhưng đã hiểu nghĩa của từ “quên” Bỗng giọng Đấu trùng xuống: "Còn tên thật của cháu, mình đặt là Đỗ Quên. Mình không hiểu nhiều lắm về tiếng phổ thông vì khi vào trại giam mình mới được học tiếng Kinh, còn ở quê thì toàn nói chuyện với nhau bằng tiếng của người Mông, nhưng mình có thể hiểu được nghĩa của từ "quên". Mình đặt tên con như vậy vì muốn quên đi quá khứ đau buồn trước đây và nó cũng sẽ giúp con quên đi những ngày tháng phải sống cảnh thiếu thốn, thiệt thòi ở chốn trại giam. Sau này ra trại, mình sẽ chăm chỉ làm nương rẫy, mẹ con có gì nuôi nhau chứ mình chẳng lấy chồng nữa đâu, sợ chồng lắm rồi!". Khốn quẫn vì hơn10 năm sinh 7 đứa con Nói ra thì Đấu sợ xấu hổ nhưng chị kể rằng: "Không hiểu Páo học ở đâu cách đối xử với vợ như vậy? Cứ rượu vào là Páo lại bắt vợ phải… đẻ! Cứ như thế, đứa lớn còn đang bế ngửa thì đứa bé lại chào đời. Khoảng hơn chục năm sống với Páo, hai vợ chồng Đấu sinh liền 7 đứa con. Nhà chỉ có ít nương, rẫy, trong khi Đấu suốt ngày bận bịu với con nhỏ thì Páo lại tối ngày đi mua rượu về nhà uống. Mấy đứa con lớn thấy mẹ vất vả nên cũng chịu khó cùng mẹ làm nương, rẫy nhưng cũng chẳng đủ ăn. Nhiều bữa, nhà chẳng có nổi một bát ngô mà nấu cháo. |
Chí Công - Đỗ Huệ
Kỳ 4: “Mẹ phải ngoan thì Gia Luân sẽ ngoan!”