Rớt nước mắt với giấc mơ đồng phục ở trường làng

Rớt nước mắt với giấc mơ đồng phục ở trường làng

Thứ 4, 28/08/2013 10:22

Mỗi lần về quê, tôi lại ái ngại khi thấy các ông bố bà mẹ phân vân giữa việc cho con cái đi học tiếp hay nghỉ ở nhà vì... đồng phục.

Dư luận đang bàn nhiều về bộ đồng phục học sinh có giá đến cả tạ thóc của trường tiểu học Văn Bình (xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) và cho rằng đó là sự lãng phí. Vậy tại sao tôi lại nghĩ đến giấc mơ đồng phục? Bởi, đó là giấc mơ của rất nhiều học sinh ở những vùng nông thôn nghèo trên cả nước.

Ngày nhỏ, tôi còn nhớ, học đến cấp II, trường tôi vẫn không lớp nào có đồng phục. Đó là một trường cấp II nghèo nàn của xã Thành Công, xã miền núi của huyện Phổ Yên (Thái Nguyên). Mỗi lần xem trên ti vi, thấy các bạn học sinh thành phố có đồng phục, nào áo, váy, comple, lại có cả nơ, cà vạt… mấy đứa học trò nghèo cũng thầm ao ước. Có đứa, học đến lớp 9 mà có mỗi hai cái quần thay nhau, hôm trời mưa, quần chưa kịp khô thì đem hơ lửa đến mức sun cả phần gối. Chúng tôi chẳng biết đồng phục ngày ấy có tác dụng gì, chỉ nghĩ nếu mình có thì sẽ oai với những đứa bạn không được đi học, sẽ ra dáng học sinh hơn. Mãi đến năm học lớp 12 ở trường cấp III của huyện, lũ chúng tôi mới may được một cái áo gió đồng phục mỏng tang. Khỏi phải nói, đứa nào cũng hớn hở ra mặt.

Xã hội - Rớt nước mắt với giấc mơ đồng phục ở trường làng

Lo cho con cái đi học với nhiều gia đình ở quê đã rất khó khăn

Giấc mơ là một chuyện. Với lũ nhóc học trò ở lứa tuổi còn nhiều mơ mộng thì có gì là không thể ước mơ. Thế nhưng, với cha mẹ chúng, để cho con đi học đã là cả một sự mạo hiểm, khổ cực trăm bề. Đừng nói là đồng phục tiền trăm, đến tiền chục cũng đã khó khăn. Năm kia, đứa em thế hệ 9X của tôi bỏ thi đại học. Chỉ sau đó vài tháng, tôi đã nhận được tin nó làm đám cưới. Chồng nó nghe đâu cũng thuộc lứa 9X. Cả hai không nghề nghiệp, chưa đủ trải nghiệm trong cuộc sống. Tất cả cũng chỉ vì không có điều kiện học lên cao. Cưới nhau xong chúng lại khăn gói xuống khu công nghiệp Nam Thăng Long làm công nhân trong nhà máy Canon. Lại sống cuộc sống nhà thuê, tằn tiện, khổ cực.

Lại có đứa khác, dù 12 năm đạt học sinh giỏi nhưng nó không thi đại học mà cầm tấm bằng cấp III rồi vào khu công nghiệp làm. Hỏi chuyện cha mẹ chúng, tôi chỉ thấy họ lắc đầu ngao ngán: "Tiền đâu mà cho đi học. Vào khu công nghiệp làm mỗi tháng cũng được hơn 2 triệu đồng, tăng ca đêm thì được 3 triệu đồng". Năm 2006, cả xã tôi có 4 người học đại học, cao đẳng. Phần đông khác đành gác giấc mơ sách bút để đi làm kiếm tiền.

Ở quê tôi, những nhà buôn bán chạy chợ ngày cũng kiếm vài chục nghìn. Đa phần, người chồng đi làm thuê nơi khác, có khi phụ hồ, bốc vác, nhặt rác... Người vợ ở nhà chăm lo vài ba sào lúa, hoa màu. Tôi nhớ mãi, bà cụ Lâm trong xóm đã mắng cô con dâu vì tội bón phân lân muộn, không trúng kỳ trổ bông của đám lúa. Đến khi gặt thì năng suất không cao. Có ai hiểu, cô con dâu ấy đã phải dành hết số tiền mua phân để đóng học cho đứa con. Ngày nào đi học về, người mẹ trẻ này cũng ngậm ngùi khi đứa con khóc lóc: "Mai con không đến lớp nữa, mẹ không đóng học phí, cô giáo nêu tên con hoài…".

Mỗi khi bán được đàn heo con, bà cụ Lâm lấy mẩu than, vạch xuống nền sân gạch tính toán các khoản, trừ tiền cám, tiền thức ăn khô cho heo, bà cụ lại nhăn mặt với khoản tiền học của hai đứa cháu. Nhiều gia đình năm nào cũng phải đi ăn đong chừng hai, ba tháng. Mỗi khi trong làng có cưới xin, ma chay, giỗ chạp, họ lại toát mồ hôi đi vay một, hai trăm ngàn để đi đám. Thậm chí, có gia đình, cả tháng chỉ thu nhập hơn 100.000 đồng. Tiền đâu cho con cái đi học? Tình trạng này, hiện vẫn phổ biến ở nhiều vùng nông thôn.

Thế mà, ở trường tiểu học Văn Bình nói trên, họ thay đổi đồng phục cho học sinh với mức giá cho bộ quần áo mùa hè, váy áo với nữ và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm 2012. Cụ thể, lớp 1 - 2 giá 629.000 đồng, lớp 3 có giá 661.000 đồng và lớp 4 - 5 giá 693.000 đồng. Mỗi bộ đồng phục này học sinh mặc nhiều lắm được hơn hai năm. Với những xã có thu nhập khá, các gia đình có nghề phụ, việc may đồng phục này là lẽ thường.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, người dân ở thôn Bình Vọng, Văn Giáp, Văn Hội (huyện Thường Tín, Hà Nội) có đến 60 - 70% gia đình làm nông. Cuộc sống cũng chật vật. Để trả tiền cho bộ đồng phục đến gần bạc triệu là chuyện không dễ. Những gia đình có hai, ba đứa con nữa thì quả thực bất lực trước khoản chi này. Thực sự, phải ở trong hoàn cảnh của họ mới hiểu hết nỗi éo le.

Không ai phản đối chuyện đồng phục, thế nhưng, đồng phục loại nào, giá tiền nào cần xem xét tình hình từng khu vực và linh động với mỗi gia đình. Mỗi lần về quê, tôi lại ái ngại khi thấy các ông bố bà mẹ phân vân giữa việc cho con cái đi học tiếp hay nghỉ ở nhà. Bọn trẻ có kiến thức, được học lên cao để thoát nghèo là điều quý giá, nhưng, với những gia đình ở quê còn khó khăn, không biết tấm lưng của họ còn oằn mình cho con đi học được đến bao giờ? Đừng làm nặng gánh người nông dân thêm nữa!  

Yến Dương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.