Những ngày mưa gió đầu tháng tám, chúng tôi về thăm lại vùng biển Hậu Lộc, (Thanh Hóa). Xóm chài Hòa Phú, thôn Hòa Hải (xã Hòa Lộc) buồn hiu hắt, bởi chỉ còn bà già và trẻ con ở nhà. Đàn ông ra khơi kiếm miếng cơm manh áo, có người đi biền biệt cả tháng trời chưa về đất liền.
Đón chúng tôi ở xóm chài đìu hiu, tất nhiên không phải là những thanh niên trai tráng, mà là những bà, những bác và lũ trẻ nheo nhóc. Nỗi đau đớn, mất mát của tám năm trước bỗng như ngàn lớp sóng biển ập về, rồi cuộn lên thành từng cơn quặn thắt. Vụ tai nạn kinh hoàng trên biển năm ấy đã khiến con mất cha, mẹ mất con, vợ mất chồng, khiến cửa biển Lạch Trường đỏ máu và nước mắt. Có đứa trẻ không còn nhớ rõ mặt cha, có đứa mồ côi cha khi chưa kịp cất tiếng khóc chào đời.
Từ ngày bố mất, mẹ đi lấy chồng Hải chỉ còn biết bấu víu vào vạt áo của người bà già yếu.
“Tối nào em cũng nghĩ về cha mẹ…”
Em Trần Thị Thúy mồ côi cả cha lẫn mẹ chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm. Mẹ em phải phiêu dạt tận vùng biển Quảng Ninh để kiếm miếng cơm manh áo, nhưng nỗi đau bất ngờ ập đến gia đình em khi mẹ bị nước biển cuốn trôi trong khi đang cào ngao, kiếm ốc ở vùng biển đảo Cô Tô. Hai anh em Thúy và Mạnh sống với bố chưa được bao lâu thì bố (nạn nhân Trần Nghiệp Hùng) bị gặp nạn ngoài biển khơi. Những gì còn lại của bố với Thúy chỉ còn là một nắm tro bụi.
Cô bé tám tuổi năm nào giờ đã là cô học trò của một trường cấp ba tại thành phố Thanh Hóa. “Mọi người ai cũng bảo em lầm lì, ít nói”, Thúy chia sẻ với chúng tôi. Lúc bố mất, hai anh em ở với bà nội, nhưng “bà già rồi, không thể sống mãi được”, nên hai anh em được đưa lên Trung tâm Bảo trợ trẻ em số 2 (Quảng Xương, Thanh Hóa). Khi em 10 tuổi thì được chuyển vào làng trẻ em SOS (phường Lê Lai, TP.Thanh Hóa). Thuý kể về cuộc đời mồ côi của mình mà không kìm được nước mắt.
“Tôi thương nó còn hơn cả thương con tôi. Nhưng giờ vì cuộc sống đành phải chấp nhận. Chồng tôi đi biển bị tai nạn ngoài lạch, xác chết trôi, ba ngày sau mới tìm thấy, để lại cho tôi đàn con. Mình tôi không thể cáng đáng nổi, đành phải cho hai đứa cháu lên đấy, nó mới được ăn học”, bà Trần Thị Chính, bác ruột Thúy rơm rớm nước mắt kể.
Từ ngày bố mất, Thúy khóc suốt, nhưng rồi em chợt nhận ra số phận đã định mình phải như vậy: “Em biết em thiệt thòi, bất hạnh, nhưng em chấp nhận”. Em nhìn mọi người, nhìn cuộc sống bằng ánh mắt vô hồn, vô cảm bởi em quá đau đớn khi cuộc sống đã cướp đi của em tất cả. “Tối nào em cũng nghĩ tới cha mẹ, nhưng mà cha mẹ thì mãi mãi không quay trở về với em nữa rồi”…
Dù nghèo nhưng hai chị em Trang và Chuyên rất chăm chỉ học hành.
Thiếu bàn tay cha…
Hai em Phạm Thị Chuyên và Phạm Thị Trang là con của anh Phạm Văn Dũng, một trong những nạn nhân của vụ tai nạn năm xưa. Từ ngày anh Dũng mất, ba mẹ con sống trong khổ sở, lay lắt. Ngôi nhà thiếu bóng dáng của người đàn ông trở nên lạnh lẽo, vô hồn.
Chồng mất, chị Duyên đau đớn tột cùng, lại thêm hai đứa con còn thơ dại, đứa đầu 3 tuổi, đứa thứ hai mới được tháng rưỡi. Chị ốm đau, bênh tật liên miên, mấy đứa con cũng ốm yếu suốt. Ban đầu, khi biết được hoàn cảnh gia đình chị thông qua báo đài, nhiều người cũng đã đến tỏ lòng thương cảm, muốn được cưu mang hai đứa cháu. Nhưng, “cho người ta thì thương con, không nỡ cho, đành phải gửi con cho bà ngoại, rồi mẹ đi làm nuôi con vậy”, chị Duyên ngậm ngùi kể.
Hai đứa cháu chuyển sang ở cùng bà ngoại, mấy bà cháu rau cháo nuôi nhau. Bà Nguyễn Thị Hiên ngày ngày đi chợ bán con tôm, con cá, bán tốt thì được 20 nghìn đồng, không thì chỉ được 10 nghìn đồng, 7 nghìn đồng. “Có hôm bán cá lãi được 7 nghìn đồng thì tiền quét, tiền đò cũng mất 11 đồng nghìn rồi, vậy là mất công toi, không được gì cả”, bà Hiên chua chát.
Hai đứa trẻ phải sống xa mẹ, lại không được bàn tay chăm sóc của bố trông đến tội nghiệp. Người lạ đến, ánh mắt chúng hoang mang như sắp bị cướp đi một điều gì đó thiêng liêng lắm.
Ở với bà ngoại, nhưng thỉnh thoảng hai đứa nhỏ vẫn về nhà thăm bố. Ngôi nhà hai gian lụp xụp thờ bố hai đứa trẻ sau trận bão vừa rồi trông lại càng lạnh lẽo hơn. Bụi phủ đầy chiếc bàn gỗ vì lâu lâu không được quét dọn, vả lại có quét dọn thì chỉ cần cơn gió thoảng qua là bụi trên mái ngói rơi xuống, đâu lại vào đấy. Cánh cửa gỗ bị gió bão giật tan tành, đành phải cắt mảnh bạt che tạm bợ. Chị Duyên chua xót: “Sợ bão lắm, bão mà đến, nhà sập, đang thờ anh, biết còn chỗ nào mà thờ”. Khi được hỏi: “Cháu có nhớ mặt bố cháu không?”, Chuyên, đứa con gái đầu của chị Duyên bẽn lẽn: “Không, cháu chỉ nhìn thấy bố cháu trên tấm ảnh ở nhà thôi”. Đó là bức di ảnh của bố nó trên bàn thờ, những gì còn lại của người cha đối với hai đứa trẻ chỉ có thế.
Mồ côi từ trong bụng mẹ
Gia đình thứ ba mà chúng tôi tìm đến là gia đình bà Xuân, mẹ của anh Nguyễn Văn Đông, một trong những nạn nhân trong vụ tai nạn năm nào. Sinh linh nhỏ bé mà anh Đông để lại cho cuộc đời đó là cháu Nguyễn Thị Hải. Ngày anh Đông mất, Hải vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Nỗi đau mất cha, số phận bất hạnh vô tình ập xuống đầu đứa trẻ chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Ba tháng sau ngày bố mất, Hải được sinh ra, chưa kịp cai sữa thì mẹ bỏ đi lấy chồng khác.
“Mẹ nó giao nó cho tôi khi nó mới 11 tháng tuổi. Lúc mẹ nó bỏ đi, nó thiếu sữa mẹ nên khóc suốt”, bà Xuân chua xót kể lại, “Mẹ nó bỏ đi, con bé khóc từ chiều cho tới tận sáng hôm sau. Thấy nó khóc nhiều, dỗ mãi cũng không nín, tôi phải thắp nén hương cho thằng Đông: “Con ơi! Con sống khôn chết thiêng phù hộ độ trì cho con nó ngủ”. Thật lạ là một lúc sau, con bé nín khóc. Từ đấy, nó cũng không ốm đau gì, mỗi tội hơi còi vì thiếu sữa mẹ”.
Hải giờ đã được 8 tuổi, đang là học sinh lớp hai, trường Tiểu học Hòa Lộc. Cô bé nhỏ nhắn, hơi gầy, da ngăm ngăm màu da của những đứa trẻ vùng biển, đẹp nhất là đôi mắt to, đen láy, mà bà Xuân bảo là “giống mắt bố nó”.
Nhiều lúc, Hải hỏi về bố, bà Xuân chỉ đùa “Bố đi Hàn Quốc rồi”. Nó bảo “Không phải, bố cháu mất rồi, bố đang ngồi trên bàn thờ chứ đâu”, nói rồi hai bà cháu ôm nhau khóc. Có lần nó hỏi bà: “Sao bà không lấy ảnh cưới của bố mẹ cháu ra cho cháu nhìn”, bà Xuân chỉ biết chua xót ôm cháu vào lòng, “mà lấy ảnh hai vợ chồng nó ra, tôi đắng ruột lắm”, bà nói trong nghẹn ngào.
180 nghìn đồng trợ cấp không đủ cho cháu ăn sáng, bà Xuân phải bươn chải ngoài cửa lạch. Bà đi bốc cá thuê, đi cả ngày được dăm ba chục nghìn, nhưng vẫn không đủ ăn vì bà còn hai đứa con nhỏ nữa, đứa 15, đứa 13. Ngư phủ nhà nào cũng đông con, bởi nghề biển lắm rủi ro, nói dại mồm, nhỡ mất đứa này thì vẫn còn đứa khác. “Dù đói dù khát, làm thuê cuốc mướn cũng phải cho cháu ăn học”, bà chép miệng, “Tôi phải đi vay nợ lãi cho cháu nó học. Có hôm chưa nộp đủ tiền học phí, cháu bị nhà trường gọi tên lên cột cờ đứng, nó về mách với bà đó”.
Mấy năm trước, bước đường cùng, bà Xuân phải xa cháu ra Hà Nội đi làm giúp việc cho người ta, tháng được 2 triệu đồng, nhưng “chăm cháu họ lại thương cháu mình”. Con bé 8 tuổi đã biết thương bà, không cho bà đi làm xa: “Bà đừng đi, mẹ cháu không nhìn cháu rồi, bà phải ở nhà để cháu dựa bà”.
Bố mất, mẹ bỏ đi, bé Hải chỉ biết níu vạt áo bà nó, bởi nó biết chỉ có bà nó mới mang lại tình thương yêu cho nó giữa lúc này.
Chiều, cửa biển Lạch Trường một vài con thuyền đã cập bến. Ngư dân bắt đầu cho cá vào các sọt lớn… Nhìn cảnh biển yên bình, chúng tôi chợt thấy đắng lòng nhớ lại 8 năm về trước, cũng tại cửa biển này, máu và nước mắt đã hòa trộn trong nỗi đau đớn tột cùng, chợt thấy xót xa cho số phận của những đứa trẻ mồ côi. Biển mặn chát…
Trang Phạm