Sáng ngày 4/7, một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xác nhận thông tin đơn vị đang điều trị cho 3 bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc sau khi ăn nhộng ve sầu.
Theo thông tin ban đầu, tối 2/7, một nhóm thanh niên 5 người đến nhậu tại một nhà hàng trên đường Cao Thắng, Tp.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk và có ăn món nhộng ve sầu do một người đào trong vườn nhà rồi chế biến mang đến. Sau đó, cả nhóm có triệu chứng nôn ói, chóng mặt, trong đó 3 người bị nặng phải nhập viện.
Qua tham khám Bác sĩ Bùi Hoàng Luân, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, khi nhập viện, cả 3 bệnh nhân C.K.L. (sinh năm 1974, ở phường Tân An, Tp.Buôn Ma Thuột), V.T.S. (sinh năm 1985, ở phường Tân Lợi, Tp.Buôn Ma Thuột), P.V.T. (sinh năm 1976, ở xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) đều ở trong tình trạng lơ mơ, không tỉnh táo, trong đó có 1 bệnh nhân hôn mê và co giật.
Các bác sĩ chẩn đoán các bệnh nhân bị sốc phản vệ nghi do ăn nhộng ve sầu nên tiến hành điều trị theo phác đồ. Hiện tại, sức khỏe của cả 3 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn còn lơ mơ, chưa tỉnh.
Bác sĩ Bùi Hoàng Luân nhấn mạnh ngộ độc ve sầu có nhiều mức độ, nhẹ thì nổi mề đay, mẩn ngứa, nặng hơn thì khó thở, tụt huyết áp. Do đó, sau khi ăn ấu trùng ve sầu nếu có triệu chứng mệt mỏi, tức ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và cấp cứu kịp thời.
Thời điểm này một số người dân thường đi bắt ấu trùng ve sầu hoặc ve sầu vừa lột xác về chế biến thành các món ăn "đặc sản". Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, do sống trong lòng đất nên ấu trùng ve sầu bị rất nhiều nấm ký sinh, người ăn phải có thể bị ngộ độc nặng. Những độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ, không bị mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa, do đó dù đã chiên, xào kỹ, độc tố nấm từ các ấu trùng ve sầu vẫn có khả năng gây ngộ độc. Đặc biệt, nấm gyrommitrin sống ký sinh trên thân ve sầu rất độc.
Trúc Chi (t/h theo Dân Việt,VTV News)