Theo thông tin ban đầu trên báo Lao Đông, tối 17/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn tiếp nhận 5 ca bệnh nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi cùng ăn uống ở một quán vỉa hè.
Các bệnh nhân nhập viện (3 nam, 2 nữ) gồm: anh Tr.V.Ch (SN 1987, trú xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn), chị L.T.N (SN 2002, trú huyện Bảo Lâm, Cao Bằng), anh L.V.L (SN 1994, trú xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn), anh H.M.Đ (SN 1995, trú xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn) và chị Ch.T.V (SN 1999 tại huyện Bảo Lạc, Cao Bằng).
Cả 5 bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nôn, choáng váng, mệt mỏi. Khoảng thời gian các bệnh nhân nhập viện từ 20 - 21h ngày 17/10.
Bác sĩ Trần Văn Tuyến - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn thông tin, khi tiếp nhận các bệnh nhân, bệnh viện đã tập trung đội ngũ y bác sĩ, trang thiết bị khẩn trương tiến hành các biện pháp cấp cứu, giải độc.
Đến 22h, các bệnh nhân nặng cũng dần hồi tỉnh, tình hình sức khỏe của 5 người cơ bản được kiểm soát.
Theo chia sẻ của một số bệnh nhân và người nhà, vào khoảng 19h ngày 17/10, nhóm 5 người có đến ăn uống tại một quán vỉa hè bên bờ đê sông Cầu, thuộc phường Sông Cầu, Tp.Bắc Kạn.
Ngay khi họ vừa ăn xong thì xuất hiện các biểu hiện ngộ độc và được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Sau khi vụ việc xảy ra, Sở Y tế Bắc Kạn cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành mẫu thực phẩm tại quán ăn để kiểm tra, xác định nguyên nhân vụ việc.
Được biết, trên địa bàn thành phố mới đây cũng xảy ra một sự cố nghi ngộ độc thực phẩm khiến một cháu bé 7 tuổi không qua khỏi.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Sau khi ăn hay uống một thực phẩm bị nhiễm độc (sau vài phút, vài giờ, thậm chí có thể sau một ngày), người bệnh đột ngột có những triệu chứng: buồn nôn và nôn ngay, có khi nôn cả ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38oC.
Để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, cần chú ý:
- Rửa tay kỹ bằng nước xà phòng ấm trước và sau khi xử lý hoặc chuẩn bị thức ăn.
- Dùng nước xà phòng nóng để rửa thớt, đồ dùng nhà bếp và các bề mặt khác mà bạn sử dụng.
- Giữ thực phẩm sống tách biệt với thực phẩm ăn liền.
- Khi đi mua sắm, chuẩn bị thực phẩm hoặc bảo quản thực phẩm, hãy để thịt sống, thịt gia cầm, cá và động vật có vỏ cách xa các thực phẩm khác để ngăn ngừa lây nhiễm chéo.
- Nấu thức ăn đến nhiệt độ an toàn. Chúng ta có thể tiêu diệt các sinh vật gây hại trong hầu hết các loại thực phẩm bằng cách nấu chín chúng ở nhiệt độ thích hợp.
- Loại bỏ thực phẩm khi nghi ngờ đã bị hư hỏng.
- Nếu không chắc thực phẩm đã được bảo quản an toàn hay chưa thì nên loại bỏ thực phẩm đó. Thực phẩm để ở nhiệt độ phòng quá lâu có thể chứa vi khuẩn hoặc chất độc không thể bị tiêu diệt bằng cách nấu chín, ngay cả khi nó trông thấy tươi ngon và có mùi thơm, theo báo Tiền Phong.
Trúc Chi (t/h)