"Vẽ" chân dung bằng kéo và giấy
Điều khiến tôi ấn tượng nhất khi gặp những họa sỹ cắt hình bóng là họ không cần giá vẽ, không cọ, không màu... Đó là điều hoàn toàn trái ngược với bất cứ một họa sỹ nào mà tôi từng gặp. "Đồ nghề" của những họa sỹ đường phố này chỉ đơn giản với một cây kéo và tập giấy. Nhưng, chính sự đơn giản ấy đã "hút" bạn trẻ đến thử cắt hình bóng chính mình ngày càng đông.
Giữa những xô bồ của dòng người qua lại tấp nấp chợ đêm ở phố cổ Hà Nội, chiếc bàn nhỏ và một tấm biển đề giá rất bình dân của những bức chân dung hình bóng, khiến tôi chú ý đến những tác phẩm của họa sỹ Tô Hoàn. Nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt với chiếc kéo nhỏ, một tờ giấy đen trên tay chưa đầy một phút, người họa sỹ đã tạo ra một bức hình lột tả được thần thái của "người mẫu" đang đứng trước mặt, khiến không ít vị khách thán phục.
Những bức chân dung đặc biệt của họa sỹ Tô Hoàn khiến cho du khách dạo phố cổ giữa những ngày đông thêm ấm áp. Anh là một trong số ít người theo đuổi nghệ thuật độc đáo này. Họa sỹ Tô Hoàn tâm sự: "Học nghệ thuật cắt hình bóng cần phải có chút năng khiếu và hiểu biết cơ bản về hình khối cơ thể nhưng quan trọng nhất vẫn là sự đam mê. Bởi nó đòi hỏi người hoạ sỹ phải kiên trì và khổ luyện. Những ngày mới tìm hiểu và theo nghệ thuật này, ngày nào tôi cũng phải luyện đôi bàn tay. Đi đâu, bất kể việc gì, tôi cũng mang theo kéo và giấy để tranh thủ làm. Nếu chỉ muốn học đường cắt căn bản, hay để có thể cắt một ảnh cho vui thì thời gian học rất ít. Còn để cắt đẹp, cắt nhanh thì người theo đuổi nghệ thuật này chắc chắn không thể thiếu sự luyện tập và đam mê thật sự".
Họa sỹ Tô Hoàn đang cắt hình bóng cho một vị khách.
Với đa số những người yêu thích nghệ thuật, họ vẫn chỉ quen với các bức tranh khắc họa chân dung thông thường. Giữa thời máy chụp hình kỹ thuật số thời thượng, nghệ thuật cắt hình bóng tưởng chừng đã không còn, lại bất ngờ tái ngộ lại với tất cả mọi người nhờ vào sự đam mê và tài nghệ của những họa sỹ yêu thích môn nghệ thuật này. Họ chỉ dùng kéo để cắt chân dung hay phong cảnh hoặc bất cứ một chủ đề nào đó. Chính sự đơn giản đã thu hút giới trẻ tìm và học theo nghệ thuật cắt hình bóng này.
Thực tế, nghệ thuật cắt hình bóng đã xuất hiện khá lâu trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam rất ít người biết đến bộ môn nghệ thuật bình dân này. Thay vì vẽ những đường xung quanh của cái bóng ấy rồi tô đen lên, người ta dùng kéo cắt trên giấy đen tạo thành mặt nghiêng của người cho thành cái bóng. Theo chia sẻ của người họa sỹ đặc biệt này thì "điều khó nhất là thể hiện được sự cảm thụ của người cắt về đường nét nhân vật".
Khổ luyện để "vẽ" chân dung qua trí nhớ
Quan trọng nhất với mỗi người họa sỹ khắc họa chân dung một con người là lấy được cái thần thái của họ vào tranh. Với những người họa sỹ vẽ tranh, nhiếp ảnh gia thì họ có nhiều cách như sử dụng màu để tạo mảng khối, dùng ánh sáng...để "giữ" lại nét riêng từng người. Tuy nhiên, với những họa sỹ cắt hình bóng, họ chỉ có thể "nắm", tả thần thái qua đường cắt mà thôi. Họa sỹ Tô Hoàn tâm sự: "Để lấy được cái "thần thái" tạo nên điểm nhấn cho mỗi bức hình cắt là điều khó nhất đối với người họa sỹ. Làm sao để người ngắm thấy được "thần thái" của bức hoạ mới là thành công của hoạ sỹ". Nó có thể rất đơn giản với người hoạ sỹ này nhưng khó với người khác. Đó cũng chính là điều thu hút để họa sỹ Tô Hoàn gắn bó dài lâu với nghệ thuật này. Tùy mỗi đặc điểm nổi bật của nhân vật, từ góc nghiêng mà người họa sỹ có cách nhìn và cách cắt riêng.
Những năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật này cũng giúp hoạ sỹ có thể vừa nhìn "người mẫu" vừa cắt hình và cũng có thể nhìn mẫu qua một lần rồi cắt theo trí nhớ mà vẫn giống. Ngồi lặng lẽ giữa những cửa hàng, cửa tiệm đầy màu sắc, đôi mắt chăm chú nhìn "người mẫu" đang ngồi nghiêng so với mình, đôi bàn tay khéo léo, uốn lượn như múa, chỉ chưa đầy 1 phút họa sỹ Tô Hoàn đã hoàn thành xong phần cắt.
Với hai miếng giấy màu trắng và đen chồng lên nhau, chỉ cần vài đường kéo, anh đã hoàn thành tác phẩm hình bóng nhân vật. Công đoạn còn lại là dán chồng so le hai màu vừa cắt lên một tờ giấy A4. Thù lao cho một tấm hình cắt là 10.000 đồng.
Những nhân vật qua từng nét cắt của anh trở nên độc đáo, khác lạ nhưng những đặc điểm, "thần thái" trên gương mặt của nhân vật thì vẫn không có gì thay đổi. Chiếc bàn nhỏ ở một góc chợ đêm không chỉ thu hút các vị khách trẻ người Việt mà còn lôi cuốn cả du khách nước ngoài. Với nhiều người, đến chợ đêm phố cổ, không chỉ với mục đích mua sắm, đi tham quan, đi dạo mà họ còn muốn tìm và sở hữu một bức chân dung đặc biệt bằng nghệ thuật cắt hình cắt bóng.
Vào những đêm cuối tuần, hình ảnh nghệ sỹ Tô Hoàn với bộ môn nghệ thuật cắt hình bóng dưới ánh đèn chợ đêm đã tạo nên những góc riêng, thú vị của chợ đêm phố.
Chị Trần Thị Huyền, sinh viên đại học Hà Nội cho biết: "Thật khó tưởng tượng về nghệ thuật này. Tuy nhiên, khi được chứng kiến người họa sỹ, chỉ cần nhìn và sau chưa đầy một phút đã có thể "vẽ" chân dung của bất cứ vị khách nào với tất cả "thần thái" của riêng mỗi người thì quả thực điều đó không dễ chút nào. Tôi đã từng gặp một người họa sỹ cũng thường hay cắt hình bóng ở chùa Thiên Mụ (Huế) và ở Đầm Sen (TP.Hồ Chí Minh).
Tôi nghĩ ở Việt Nam không nhiều người giữ được đam mê với bộ môn nghệ thuật bình dân với thu nhập cũng bình dân này. Họ khiến cá nhân tôi thấy gần gũi hơn với hội họa, thực sự họ là những nghệ sỹ rất tuyệt vời".
Hoàng Mai - Ngân Hà