Lấy hạt từ rừng để ươm cây
Núi Cô Tiên thuộc địa phận phường Vĩnh Hòa, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngọn núi này có hình dáng người phụ nữ xõa tóc, ngẩng mặt lên trời với phần đỉnh núi thứ nhất giống phần đầu, đỉnh thứ 2 là phần ngực và đỉnh cuối cùng tựa đôi chân người con gái trong tư thế vắt chéo.
Nơi đây là điểm “check-in” thú vị với người dân và du khách khi đến phố biển Nha Trang, đặc biệt là đối với các bạn yêu thích chinh phục, khám phá.
Một ngày cuối tuần đầu tháng 11/2022, PV Người Đưa Tin theo chân các thành viên trong nhóm STEAM Nha Trang cùng với học sinh các cấp, giáo viên và người dân tại Tp.Nha Trang leo núi Cô Tiên, nhưng không chỉ để khám phá mà để trồng cây.
Hoạt động leo núi trồng cây này đã được nhóm STEAM Nha Trang triển khai trong nhiều tháng qua. Cứ mỗi dịp cuối tuần, mọi người lại rủ nhau lên đây để trồng cây với mong muốn phủ xanh đất trống.
Theo các thành viên của nhóm, núi Cô Tiên là địa điểm được nhiều du khách ghé đến để trải nghiệm leo núi cũng như cắm trại, ngắm thành phố về đêm.
Bên cạnh các đoàn có ý thức bảo vệ cây rừng thì cũng có nhiều người đã bẻ cây làm củi đốt lửa trại, làm cọc dựng lều… khiến môi trường sinh thái trên núi ngày càng xấu đi.
Thấy được điều đó, trong những lần leo núi để khám phá, các thành viên của nhóm STEAM Nha Trang đã lên ý tưởng trồng cây xanh cho khu vực này.
Thầy Phạm Vũ Thanh An, Trưởng nhóm STEAM Nha Trang cho biết, trong một lần tình cờ đi dã ngoại, leo núi Cô Tiên với các thầy cô giáo và học sinh, các thành viên nhìn thấy một cây rất đẹp. Lúc đầu, cả nhóm không biết đó là cây gì nhưng mùa hè, lá của cây vàng như cây lá phong. Do đó, đã chụp ảnh lại và tìm hiểu.
“Khi được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Khánh Hòa tư vấn, chúng tôi biết được cây có tên là Cẩm Liên. Sau đó, chúng tôi bắt đầu tìm hiểu thông tin thì mới hay trên núi Cô Tiên có rất nhiều cây này. Tuy nhiên, cây thường mọc trên những phần núi cao, còn khu vực phía dưới lại rất ít. Rễ của cây đi ngang nên giữ đất và chống xói mòn rất tốt. Từ đó, chúng tôi mới có suy nghĩ rằng phải hái trái của cây về ươm rồi mang lên núi trồng lại”, thầy An cho biết.
Hoạt động này bắt đầu bằng những lần leo núi tìm kiếm và hái trái Cẩm Liên về ươm mầm. Vào những ngày cuối tuần, các bạn học sinh lại thay phiên nhau cùng thầy cô leo núi Cô Tiên, vừa để rèn luyện sức khỏe, vừa hái trái Cẩm Liên.
Sau khi mang trái xuống núi, học sinh đem về gieo trồng và quan sát, ghi chép quá trình sinh trưởng của cây. Nhờ sự hướng dẫn của giáo viên, các học sinh đã tự ươm được rất nhiều cây con và mang lên núi để trồng lại.
Theo thầy An, đây không chỉ là một hoạt động trải nghiệm của các em học sinh mà chương trình còn có một ý nghĩa giáo dục lớn. Đó là, khi các em thấy được trồng một cây xanh khó khăn, vất vả như thế nào thì ý thức về việc giữ gìn, bảo vệ môi trường của bản thân các em sẽ được nâng lên rất nhiều.
Đồng thời, thông qua các bạn học sinh sẽ giúp tuyên truyền đến người thân, gia đình về việc chăm sóc những mầm xanh, chung tay giữ gìn màu xanh của thành phố biển Nha Trang xinh đẹp.
Rủ nhau leo núi trồng cây
Cứ vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần, quán nước dưới chân núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa, Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lại rộn ràng hơn bởi có thêm nhiều người đến đây để leo núi trồng cây.
Trong hành trang leo núi, ngoài nước uống, cây gậy để chống còn có những cây Cẩm Liên xanh tươi đã được ươm mầm trước đó.
Là một trong những người đầu tiên tham gia chương trình trồng cây ở núi Cô Tiên, thầy Ngụy Như Ánh, giáo viên về hưu ở Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: “Mỗi chiều chủ nhật, tôi thường leo núi để rèn sức khỏe là chính. Tôi cũng thường vào rừng cây Cẩm Liên để đọc sách đến 6h chiều mới xuống núi. Khi thấy nhóm STEAM Nha Trang tổ chức chương trình trồng cây Cẩm Liên tôi cũng tham gia ngay từ những ngày đầu lấy hạt ươm mầm. Chúng tôi tham gia hoạt động với mong muốn có thêm thật nhiều cây xanh, tạo bóng mát cho du khách khi đến núi Cô Tiên”.
Trong buổi leo núi trồng cây mà PV Người Đưa Tin tham gia không chỉ có người lớn mà còn có rất nhiều các em học sinh từ tiểu học, trung học cơ sở đến cả giáo viên, phụ huynh.
Vượt chặng đường núi theo con đường mòn đầy đất và đá, qua những con dốc cao thấp khác nhau, cả đoàn cũng đến được khu vực đang trồng cây Cẩm Liên trên núi Cô Tiên.
Tại đây, cả đoàn được nhóm STEAM Nha Trang giới thiệu về cây Cẩm Liên và chương trình.
Sau đó, thầy Ngụy Như Ánh còn hướng dẫn tận tình cách để trồng cây đúng cách. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các học sinh chọn khu vực đào hố và vun thêm đất trồng cây với khoảng cách tốt nhất là 2m.
Với chiếc xẻng nhỏ trong tay, em Nguyễn Đức Thọ, học sinh Trường tiểu học Lộc Thọ (Tp.Nha Trang), đã tự tay đào đất để trồng cây.
Tận dụng từng chút những khoảng trống xen kẽ giữa đất và đá trên núi, em đã đào được một hố trống đủ để bầu đất cùng cây xuống trồng, rồi cẩn thận vun thêm đất, tưới nước cho cây.
Chia sẻ sau buổi trồng cây, Đức Thọ cho biết: “Em rất thích những hoạt động trồng cây để phủ xanh đồi trọc như thế này. Em thấy thời gian sinh trưởng của cây rất lâu, chăm sóc khó khăn nên em rất yêu quý những cây xanh.
Vì vậy, khi về trường em sẽ kể lại cho các bạn nghe để các bạn không phá hoại cây cối và cùng bảo vệ môi trường cho trái đất thêm xanh. Ước mơ sau này của em là sẽ trở thành kỹ sư nông nghiệp”.
Còn em Trần Nhã Kỳ, học sinh Trường THCS Võ Văn Ký, chia sẻ: “Em rất vui khi tham gia hoạt động này vì giúp núi Cô Tiên thêm xanh tươi hơn bởi nhiều cây xanh được trồng. Theo như em được biết, cây Cẩm Liên giữ đất rất tốt nên em mong sau này rừng sẽ xanh tốt hơn.
Ngày nhỏ, em cùng các bạn cũng từng bẻ, phá cây nhưng bây giờ em biết rằng để trồng được một cây xanh rất vất vả và tốn rất nhiều thời gian, công sức nên em sẽ tuyên truyền cho các bạn cùng trồng cây để bảo vệ cho thành phố thêm xanh, sạch, đẹp”.
Tự tay hái quả, ươm mầm rồi đào đất, trồng cây nên em Trương Cao Phong, học sinh Trường THCS Thái Nguyên, hiểu và cảm nhận được sự vất vả khi chăm sóc một cây xanh trên núi. “Em đã leo núi Cô Tiên rất nhiều lần nên hiểu được sự khó khăn khi leo lên núi cao để hái trái và ươm cây. Thời gian ươm cây cũng rất lâu, đòi hỏi sự kiên nhẫn. Sau khi ươm xong còn phải leo lên núi lần nữa để trồng cây. Vì vậy, em rất vui khi được tham gia để cùng làm xanh lại ngọn núi, để đi đâu cũng thấy cây xanh và có thật nhiều bóng mát”, Cao Phong cho biết.
Tham gia hoạt động này cùng với học sinh, cô Võ Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THCS Võ Văn Ký (Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) nhận xét, đây là một hoạt động hay và ý nghĩa. Không chỉ kết hợp leo núi dã ngoại cuối tuần để rèn luyện sức khỏe, khám phá thiên nhiên mà các em học sinh còn có thể trồng cây, phủ xanh đất trống đồi núi trọc để bảo vệ rừng. Qua đó, giúp các em có thêm ý thức về bảo vệ môi trường, yêu quý và gần gũi hơn với thiên nhiên.
Theo nhóm STEAM Nha Trang, đến nay, chương trình đã thực hiện trồng hơn 200 cây Cẩm Liên với hi vọng trên 70% cây sẽ sống, góp phần phục hồi hệ sinh thái trên núi Cô Tiên. Vào mùa hè vừa qua, sau khi cây được trồng, các em học sinh cũng tự chế các bình tưới tự động từ chai nhựa dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Những bình nước với nắp chai đục lỗ để luồn một sợi dây dẫn sẽ tự động đưa nước chảy nhỏ giọt cung cấp đủ độ ẩm cho cây con. Và sau đó, theo định kỳ, các thành viên trong nhóm lại leo núi, thay bình nước cho cây.
Thầy Phạm Vũ Thanh An cho biết thêm, hiện tại còn hơn 100 cây mới đang ươm và chương trình sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Nhóm sẽ đặt cây con dưới chân núi để du khách, người dân khi leo núi tham quan sẽ mang theo cây lên núi để trồng. Thông qua cách làm này, sẽ giúp lan tỏa tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến với cộng đồng, góp phần tô thêm màu xanh cho thành phố biển Nha Trang.
Clip: Leo núi Cô Tiên để trồng cây.
Châu Tường