Không còn thấy "rùa hại"
Thông tin trên được ông Võ Tiến Hùng – TGĐ Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đưa ra. Theo ông Hùng, khi khảo sát môi trường đơn vị đã tiến hành giăng lưới nhưng không phát hiện cá thể rùa tai đỏ nào dù trước kia loài này từng thấy có ở hồ Gươm.
“Hồ Gươm trước đây có rùa tai đỏ, nhưng cơ quan chức năng xử lý, giờ khảo sát không phát hiện”, ông Hùng nói thêm.
Rùa tai đỏ là loài ăn tạp khi ăn gần như tất cả mọi thứ vì thế rất nguy hại cho môi trường tự nhiên. Rùa tai đỏ có tuổi thọ cao, có thể lên tới 40 năm,.
Trước đây PGS-TS sinh học Hà Đình Đức từng đặt giả thuyết rằng, những vết cắn nham nhở trên mai rùa Hồ Gươm có thể do rùa tai đỏ gây ra.
Do ô nhiễm?
Trước đó, theo thông tin được Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội công bố, qua khảo sát tại hồ Gươm hiện có 59 loài vi tảo, chiếm ưu thế là vi khuẩn lam với 23 loài, không gặp loài vi thảo đặc hữu hay quý hiếm, không gặp sinh vật đặc hữu trong thời gian khảo sát. Chỉ số đa dạng sinh học của hồ Gươm thuộc loại nghèo, chất lượng môi trường hồ thuộc loại ô nhiễm. Hầu hết các loại động vật đáy sông tập trung ở chân kè đền Ngọc Sơn.
Các loại cá có nguồn gốc từ sông Hồng, các loại cá tự nhiên không còn tồn tại trên hồ nữa, chủ yếu là các loại cá nhỏ, cá cảnh được người dân thả phóng sinh, các loại cá nuôi nhập nội được thả bổ sung vào hồ ngày càng chiếm ưu thế. Qua quây lưới cũng không phát hiện cụ rùa nào.
Ông Võ Tiến Hùng cũng khẳng định, đối với hệ vi tảo, bên cạnh việc xác định theo hình thái lựa chọn, cần xác định ADN một số tỏa lục đặc hữu và tiến hành lưu trữ nguồn gen. Sau khi cải tạo sẽ thiết lập môi trường thủy hóa phù hợp với loại tảo đơn bào sẽ giúp loài tảo này phát triển, trả lại màu xanh vốn có của nước hồ.
Rùa tai đỏ mới sinh chỉ dài chừng 2cm, khi trưởng thành đạt tới chiều dài khoảng 15cm, tối đa 25cm. Loài này có ngoại hình khá sặc sỡ với các đường vân bắt mắt. Đặc biệt, hai bên đầu của rùa có hai sọc đỏ rất đặc trưng và lớp mai cứng. Rùa tai đỏ được nuôi tại nhiều nước trên thế giới. Với khả năng thích nghi cao, có thể sống tại nhiều loại môi trường, rùa tai đỏ bị xem là "kẻ thù" của nhiều loài sinh vật. |