Báo Vnexpress đưa tin, tại Hà Nội, sáng 30 tháng Chạp, anh Tuấn (Đống Đa, Hà Nội) mang chiếc ô tô bốn chỗ đi rửa. Đến ba tiệm rửa xe, anh nhận được báo giá ba mức lần lượt là 300.000 đồng, 150.000 đồng và 120.000 đồng.
Anh Tuấn giật mình khi nghe thấy mức báo giá cao "ngất" như vậy, anh cho biết: "Cửa hàng đầu tiên cho biết chỉ còn hai người làm nên cũng rửa nốt sáng nay sẽ nghỉ, giá như vậy là gấp 6 lần ngày thường. Giá đắt như vậy nhưng vẫn thấy có vài chiếc xe đang xếp hàng chờ rửa. Ở các cửa hàng khác họ cũng chỉ nhận rửa xe, không dọn nội thất".
Tại một số tiệm rửa xe tại Nguyễn Khánh Toàn, Trung Hoà, Hoàng Cầu,.. không chỉ ô tô, mà hàng chục chiếc xe máy cũng xếp hàng dài.
Giá rửa xe máy từ 30.000 đồng đến 40.000 đồng mỗi chiếc, trong khi đó ô tô từ 120.000 đến 200.000 đồng.
Ngoài những tiệm rửa xe lớn vẫn còn hoạt động, nhiều tiệm rửa tự phát được mở ra hoạt động trong mấy ngày giáp Tết báo giá cao, xe máy thậm chí tới 50.000 đồng mỗi chiếc, ô tô là 300.000 đồng.
Giá tăng, khách hàng nào chấp nhận thì rửa, không thì thôi vì ngày này đâu đâu cũng quá tải.
Dân trí cho biết, tại TP.HCM, thị trường rửa xe nhộn nhịp hơn bình thường mặc dù có mức giá "trên trời".
Tại khu vực đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 3), Sư Vạn Hạnh, Bà Hạt, Hồ Bá Kiện (quận 10), Lũy Bán Bích, Hồng Lạc (quận Tân Phú), Nguyễn Thị Búp (quận 12),…các tiệm rửa xe đều rất đông khách.
Được biết, bắt đầu từ 27 Tết, chủ tiệm bỏ túi khoảng 5 triệu đồng mỗi ngày chỉ nhờ việc rửa xe.
Theo quan niệm của người dân Việt Nam, bắt đầu một năm mới cái gì cũng phải mới mẻ, tươm tất và sạch sẽ. Từ quan niệm đó rất nhiều dịch vụ được dịp "ăn theo" và công việc rửa xe hàng ngày mang lại ít lợi nhuận nhưng lại "bội thu" vào những giáp tết.
Dù công việc vất vả, phải hoạt động với cường độ cao suốt cả ngày trời, nhưng thu nhập đối với những dịch vụ ngày Tết là nguồn động viên những người lao động làm nghề.
Minh Anh (tổng hợp)