Vốn điều lệ “chậm lớn”
Theo giới thiệu trên website, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank - UPCoM: SGB) là Ngân hàng cổ phần Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống Ngân hàng cổ phần tại Việt Nam hiện nay, ra đời ngày 16/10/1987, trước khi có Luật Công ty và Pháp lệnh Ngân hàng với vốn điều lệ ban đầu là 650 triệu đồng.
Sau gần 40 năm thành lập, Saigonbank đã tăng vốn điều lệ từ 650 triệu đồng lên 3.080 tỷ đồng vào năm 2012. Đến tháng 6/2024, sau 12 năm, ngân hàng đã thành công tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên hơn 3.387 tỷ đồng.
Dù được thành lập từ sớm nhưng quy mô vốn điều lệ của bé hạt tiêu Saigonbank hiện nay vẫn chỉ thuộc top thấp nhất trong số 28 ngân hàng thương mại. Đồng thời, việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng này cũng khá chậm chạp.
Năm 2014, theo tài liệu ĐHĐCĐ, Saigonbank đã ấp ủ kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.080 tỷ đồng lên mức 4.000 tỷ đồng (tăng thêm 920 tỷ đồng) theo phương phương thức phát hành riêng lẻ, đồng thời nâng dần hiệu quả sử dụng vốn, duy trì tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu ở mức 15%-16%. Sau đó, ngân hàng tiếp tục dự kiến tăng vốn điều lệ lên 4.080 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ 2014-2016, ngân hàng vẫn chưa thể thực hiện tăng vốn điều lệ và những năm sau đó, Saigonbank cũng bỏ ngỏ phương án trên. Mãi cho đến năm 2023, ĐHĐCĐ Saigonbank mới thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 10%.
Sau khi phát hành xong, số cổ phiếu lưu hành sẽ tăng từ 308 triệu cổ phiếu lên 338,8 triệu cổ phiếu, tương đương mức vốn điều lệ sẽ tăng lên 3.388 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, thông tin về tiến độ chia cổ tức, Chủ tịch HĐQT Saigonbank Vũ Quang Lãm cho biết, ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước việt Nam chấp thuận tăng vốn điều lệ và UBCKNN thông báo nhận đầy đủ tài liệu phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Tháng 5/2024, Saigonbank chính thức hoàn tất phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên hơn 3.387 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, theo báo cáo quản trị năm 2023, Văn phòng Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh đang sở hữu 56 triệu cổ phiếu ngân hàng, tương đương hơn 18% vốn, là cổ đông lớn nhất của Saigonbank.
Tiếp đó là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận với 51,25 triệu cổ phiếu SGB, tỉ lệ 16,640% vốn; Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa có hơn 50,3 triệu cổ phiếu SCB, nắm 16,352% vốn. Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) sở hữu gần 43,4 triệu cổ phiếu SGB, tỉ lệ sở hữu hơn 14%.
Theo Luật các TCTD sửa đổi vừa có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, cổ đông là tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một TCTD. Tỉ lệ sở hữu của các tổ chức trên tại Saigonbank là vấn đề đáng lưu tâm.
Theo TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng, khi tỉ lệ sở hữu giảm tương đương với việc khả năng ảnh hưởng và kiểm soát của cổ đông đối với ngân hàng sẽ giảm theo, giúp hạn chế rủi ro thao túng, lũng đoạn tài chính. Đồng thời góp phần minh bạch hóa hệ thống tài chính bởi nếu cổ đông có tỉ lệ sở hữu lớn sẽ có thể dựa vào đó để đưa ra quyết định tạo ra lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.
Ngoài ra, khi ngăn được tình trạng sở hữu chéo, việc giám sát hoạt động ngân hàng sẽ trở nên rõ ràng và hiệu quả hơn, giúp cho cơ quan quản lý kiểm soát tốt hơn.
Nung nấu ý định chuyển sàn
Tháng 5/2020, 308 triệu cổ phiếu Saigonbank chính thức giao dịch tại sàn UPCoM với mã chứng khoán SGB, giá chào sàn 25.800 đồng/cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ 2024, nói về kế hoạch chuyển sàn, ông Vũ Quang Lãm cho biết, hiện các chỉ số về tài chính của ngân hàng đã đủ điều kiện để chuyển từ UPCoM lên sàn Giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE).
Ngân hàng cũng đã ký hợp đồng với công ty chứng khoán để làm thủ tục tư vấn chuyển sàn, nhưng đây là quá trình dài và phức tạp, kỳ vọng có thể hoàn tất thủ tục để chuyển sàn trong thời gian sớm nhất.
Theo quy định để niêm yết trên HoSE, giá trị ROE (tỉ lệ lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) năm gần nhất tối thiểu là 5%. Những năm trước, ngân hàng chưa thể niêm yết cổ phiếu do chưa đáp ứng quy định trên. Năm 2023, ROE của Saigonbank đạt mức 6,7%, đã đáp ứng tiêu chuẩn niêm yết trên HoSE.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc quý I/2024, nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần của Saigonbank đạt gần 184 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.
Tất cả mảng thu ngoài lãi của ngân hàng đều cho thấy sự thụt lùi trong khi chi phí hoạt động lại tăng 9,4% so với cùng kỳ lên 149 tỷ đồng dẫn đến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm 45% xuống còn gần 75 tỷ đồng.
Kết quả, dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng giảm 4,7 lần so với cùng kỳ xuống gần 6,8 tỷ đồng, Saigonbank vẫn báo lãi trước thuế giảm 35% so với cùng kỳ xuống gần 68 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm 36,7% xuống còn 63 tỷ đồng.
Năm 2023 là năm ngân hàng báo lãi cao nhất kể từ khi lên sàn. Nhờ khoản lãi kết thúc quý IV đạt 66,9 tỷ đồng, tăng gần gấp 80 lần so với cùng kỳ năm trước kéo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cả năm của ngân hàng tăng mạnh từ 91 tỷ đồng trong năm trước lên gần 200 tỷ đồng.
Trong khi chi phí hoạt động không thay đổi nhiều giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của SaigonBank tăng 23,3% lên 601 tỷ đồng. Chi phí dự phòng của nhà băng trong năm nhích nhẹ 7,4% lên 268,9 tỷ đồng. Ngân hàng báo lãi trước thuế năm 2023 đạt 332 tỷ đồng, tăng 40%; lợi nhuận sau thuế đạt 266,8 tỷ đồng, tăng 40,4% so với năm 2022.
Từ thời điểm lên sàn UPCoM đến nay, dù tổng tài sản của Saigonbank tịnh tiến dần lên nhưng mức tăng trưởng không nhiều Theo đó, tổng tài sản của ngân hàng tăng từ 23.943 tỷ đồng năm 2020 lên 24.609 tỷ đồng năm 2021, năm 2022 là 27.698 tỷ đồng và năm 2023 là 31.501 tỷ đồng.
Như vậy, đến quý I/2024, tổng tài sản chỉ nhích nhẹ 1% lên 31.863 tỷ đồng vào quý I/2024. So sánh với các ngân hàng khác trong quý I, tổng tài sản của ngân hàng đang nằm cuối bảng xếp hạng.
Tiền gửi tại NHNN của Saigonbank sau 3 tháng đầu năm là gần 675 tỷ đồng, đã giảm mạnh 82% so với năm 2023. Tiền gửi tại các TCTD khác của ngân hàng là 5.088 tỷ đồng, tăng 31% so với quý I/2023. Cho vay khách hàng là 19.739 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với thời điểm cuối năm 2023. Tiền gửi của khách hàng tại Saigonbank là 23.512 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thời điểm cuối năm ngoái.
Về chất lượng nợ vay, tại thời điểm cuối tháng 3/2024, tổng nợ xấu của Saigonbank là hơn 469 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 2,03% năm trước lên 2,38%.
Năm 2024, Saigonbank đề ra mục tiêu hoàn thiện phê duyệt Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Saigonbank đề ra mục tiêu đến cuối năm 2024 đạt tổng tài sản 32.300 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm.
Vốn huy động và dư nợ cho vay đạt lần lượt 27.300 tỷ đồng và 23.000 tỷ đồng, tăng 3% và 12,87% so với đầu năm. Nợ xấu kiểm soát theo quy định dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế năm 2024 đề ra là 368 tỷ đồng, tăng gần 11% so với kết quả 2023. Như vậy, kết thúc quý I/2024, Saigonbank mới hoàn thành 18% mục tiêu lợi nhuận đề ra.