Lưu giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc
Tỉnh Bình Phước có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển, trong đó có gần 10% là đồng bào Khmer.
Hằng năm, cứ đến giữa tháng Tư, đồng bào dân tộc Khmer lại rộn ràng vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Khmer. Nét đẹp văn hóa truyền thống này của người Khmer được duy trì, gìn giữ và tiếp tục lan tỏa, giao thoa với văn hóa các dân tộc tại tỉnh Bình Phước trong nhịp sống hiện đại.

Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025 của đồng bào dân tộc Khmer sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 14/4/2025 đến hết ngày 16/4/2025. Đây là một dịp lễ Tết văn hóa quan trọng, mang ý nghĩa sâu sắc trong việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer.
Vào những ngày lễ, hội, nhất là Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, ghé thăm một phum, sóc bất kỳ nơi đồng bào Khmer sinh sống đều dễ dàng bắt gặp hình ảnh nam thanh, nữ tú, già trẻ... say sưa trong điệu múa lâm thôn.
Đặc biệt, vào ngày chính thức của tết, đồng bào Khmer tập trung múa lân thành vòng tròn, quanh mâm quả đón Tết.
Khi tiếng nhạc cất lên, mọi người cùng uyển chuyển bước chân theo nhịp điệu, di chuyển từng vòng. Họ say sưa với điệu múa từ bài hát này qua làn điệu khác. Nữ lượn 2 tay lên trước ngực thể hiện sự e lệ, nam dang rộng 2 tay về phía bên hông thể hiện sự mạnh mẽ, chở che cho bạn múa. Những điệu múa như vậy chỉ khi một tập thể cùng nhau hát múa mới tạo nên vẻ đẹp đặc sắc.
Trao đổi với Người Đưa Tin, anh Lâm Tích (ngụ Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh) chia sẻ: Vào dịp năm mới, người Khmer chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp đẽ, sạch sẽ nhất, trẻ em được may sắm những bộ quần áo mới.
Nhà cửa được sửa sang, quét dọn, trang trí lại. Đồ ăn, thức uống được chuẩn bị đầy đủ cho những ngày Tết.
Trước đây người Khmer giã gạo, chà gạo sẵn, làm bánh. Ngày nay họ chuẩn bị gạo đầy đủ, cùng các đồ ăn như bánh trái, hoa quả, cá, thịt, rau... tất cả đều sẵn sàng. Mọi công việc thường ngày đều dừng lại, người lao động chốn thành thị trở về quê hương, mọi người nghỉ ngơi, trâu bò thả tự do. Người người hào hứng chăm lo cho ngày Tết.

Các nghi lễ của Tết Chôl Chnăm Thmây diễn ra tại ngôi chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh của đồng bào Khmer.
Trong ngày Tết Chôl Chnăm Thmây không thể thiếu diễu hành dâng bông bạc lên đức phật cầu mong gieo nhiều phúc đức và người nhận bông bạc sẽ viên mãn trong quá trình tu hành. Do đó, trước ngày Tết, mỗi gia đình có kinh tế khá sẽ tự kết cây bông bạc với các mệnh giá tiền khác nhau.
Bà Thị Be (65 tuổi, ngụ xã Lộc Khánh) chia sẻ: "Gia đình tôi không có điều kiện làm cây bông bạc riêng. Tôi đến nhà văn hóa, cùng các hộ dân khác góp tiền kết cây bông bạc chung của sóc để dâng lên phật. Tôi gửi gắm vào đó lời cầu nguyện may mắn, sức khỏe và bình an, một năm mới mùa màng bội thu. Tôi rất vui khi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình vẫn được gìn giữ vẹn nguyên".
Ông Lâm Đay, Trưởng ấp, người có uy tín ở ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh cho biết: Với truyền thống bao đời, cứ đến ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, đồng bào trong sóc lại vui mừng gói bánh tét đón tết, để báo công một năm no ấm, thuận hòa.
Đặc biệt, phần hội với nhiều trò chơi dân gian luôn được đồng bào trong sóc hưởng ứng nhiệt tình cả ngày lẫn đêm. Ngày đầu năm mới đối với người Khmer là Lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran). Mọi người tắm gội, mặc quần áo đẹp, đội cỗ lên chùa. Lễ rước diễn ra vào giờ tốt đã được chọn sẵn, bất kể sáng hay chiều.
"Tại gia đình tôi, những ngày gần Tết hàng năm, con cháu đều tập trung lại cùng gói bánh tét, dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa. Vào các ngày Tết chính sẽ chuẩn bị mâm cơm mang lên Chùa cúng và nhờ sư tụng kinh, đón các nàng tiên và thực hiện nghi thức chịu tuổi, cầu mong mọi điều tốt đẹp trong năm mới”, ông Lâm Đay cho biết thêm
"Cánh sen" hội tụ nên một "bông sen Việt Nam" rực rỡ, ngát hương
Mới đây, trong thư chúc Tết Chôl Chnăm Thmây đồng bào Khmer, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã viết: "Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, tôi thân ái gửi tới đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer những tình cảm thân thiết, chân thành và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Đàng và Nhả nước luôn xác định công tác dân tộc, tôn giáo là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đàng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị và phải luôn được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao theo một đường lối nhất quán là "các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát trển".

Các thanh niên đồng bào Khmer đang làm nghi thức lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng sự chung sức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, vùng đồng bào dân tộc Khmer đã có nhiều đổi thay tích cực. Đời sống được nâng cao, văn hóa được bảo tồn và phát huy, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố.
Với hơn 1,3 triệu người, đồng bào Khmer là một phần không thể tách rời trong khối đại đoàn kết, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa Khmer đặc sắc, giàu bản sắc, làm phong phú thêm bản sắc dân tộc Việt Nam.
Đồng bào Khmer luôn tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn truyền thống yêu nước. Hướng tới năm 2025 với nhiều sự kiện trọng đại, Thủ tướng kêu gọi đồng bào tiếp tục đoàn kết, thi đua lao động, cùng xây dựng đất nước giàu mạnh.

Tết Chol ChnămThmây thu hút đông đảo Phật tử tham dự.
Trao đổi với PV, ông Đoàn Quốc Ngữ, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết: trên địa bàn xã có 11 dân tộc anh em sinh sống, trong đó 45% số dân là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Dịp lễ, tết truyền thống Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer là dịp để mọi người được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó, góp phần tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nhằm thắt chặt tình đoàn kết.
Những hoạt động của ngày hội cũng nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch sinh thái của xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh) và tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Khmer. Từ đó, tạo sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế, xã hội và du lịch của huyện Lộc Ninh
Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Lộc Khánh luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer. Xã thành lập đoàn đến thăm, chúc Tết chư tăng, phật tử ở chùa Sóc Lớn và 3 ấp đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Đến nay, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vẫn được đồng bào Khmer gìn giữ nguyên vẹn giá trị. Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer đang được gìn giữ, lưu truyền, phục dựng để thế hệ sau kế tục.
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi nhận tại Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây:








