Châu Âu và Mỹ có thể sẽ tiếp tục bị chậm trễ và thiếu hụt hàng điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc do lệnh phong tỏa Covid-19 tại trung tâm thương mại Thượng Hải, hãng tin DW trích dẫn cảnh báo của chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW-Kiel).
Ông Vincent Stamer, nhà kinh tế thương mại thuộc Viện Kinh tế Kiel, chia sẻ qua DW rằng xuất khẩu từ cảng container lớn nhất thế giới tại Thượng Hải đã giảm gần một phần ba. Ông cho biết sau khoảng ba tuần từ khi bắt đầu phong tỏa, 30% trên tổng số lượng hàng hóa phải nằm tại cảng Thượng Hải, "nói cách khác là xuất khẩu sang phần còn lại của thế giới đã suy giảm 30%”.
Xuất khẩu từ Thượng Hải mắc kẹt
Ông Stamer đăng trên twitter hình ảnh cho thấy khối lượng hàng hóa xuất khẩu khởi hành từ Thượng Hải đã giảm mạnh, trong khi khối lượng từ các cảng khác của Trung Quốc vẫn ổn định. Dữ liệu cho thấy khối lượng trung bình từ 140.000 container/ngày đã giảm xuống còn 100.000 container/ngày.
Thượng Hải hiện đang ứng phó với đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất kể từ khi vi-rút SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán vào hơn hai năm trước. Kể từ 28/3, thành phố cảng với dân số gần 26 triệu người đã áp đặt lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, một số công nhân thiết yếu thậm chí phải sinh hoạt và ngủ tại trong khuôn viên nhà máy để duy trì sản xuất.
Lĩnh vực điện tử tiêu dùng châm lại
Tại Thượng Hải và các khu vực xung quanh là nơi đặt những nhà máy chuyên xuất khẩu hàng hóa tiêu dùng như máy tính bảng, tivi cũng như các mặt hàng điện tử trung gian và phức tạp được sử dụng cho sản xuất tại những quốc gia phương Tây.
Ông Stamer cho biết: “Hoạt động sản xuất dường như đã chậm lại ở khu vực Thượng Hải và hàng xuất khẩu chưa đến được cảng để đưa lên tàu container”. Việc vận chuyển hàng hóa tiếp tục chậm trễ bất chấp các quan chức Trung Quốc đã lên tiếng trấn an rằng hoạt động tại cảng sẽ bị ảnh hưởng ít nhất bởi các biện pháp hạn chế.
Ông Stamer nhận định sự chậm trễ sẽ xảy ra tại châu Âu trong khoảng hai tháng bởi các tàu container mất từ 5 đến 6 tuần để di chuyển từ Thượng Hải đến cảng Hamburg phía bắc nước Đức và thêm hai tuần nữa để bốc dỡ và giao hàng.
Sự chậm trễ thúc đẩy lạm phát gia tăng
Ông Stamer dự báo hàng hóa tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng giá trong mùa hè này. Ông cho biết thêm rằng nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức có thể nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự giao hàng chậm trễ. Nguyên nhân do gần một phần ba thương mại đường biển giữa Trung Quốc và Đức được gửi qua cảng Thượng Hải. Hiện tại, khoảng 5-8% thương mại giữa hai quốc gia này đang bị trì hoãn.
Ông Maximilian Butek, Trưởng đại diện Phái đoàn Công nghiệp và Thương mại Đức tại Thượng Hải, đã bày tỏ đồng tình với dự báo trên. Ông chia sẻ với hãng tin DPA hôm 22/4 rằng các tuyến hàng thay thế từ các cảng khác là không đủ để giảm bớt tổn thất.
Ông Butek cho rằng bản thân cảng Thượng Hải không phải khu vực đáng lo ngại nhất, sự chậm trễ thực sự là ở khâu vận chuyển hàng hóa từ nhà máy đến cảng này.
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu có thể kéo dài
Sự chậm trễ mới chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, vốn đã đối mặt với nhiều khó khăn kể từ đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào hai năm trước. Theo Bloomberg, hơn 3/4 cảng trên thế giới đã ghi nhận khoảng thời gian quay vòng (turnaround time) để hoàn thành một chu trình chuyển cảng kéo dài bất thường trong hai năm qua.
Vào năm ngoái, việc đóng cửa hai cảng lớn khác của Trung Quốc là cảng Ninh Ba-Chu San phía nam Thượng Hải và cảng Container Quốc tế Yantian (YICT) đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hàng hóa sản xuất và bán lẻ đối với phần còn lại của thế giới. Điều đó khiến nền kinh tế Đức chỉ tăng trưởng 2,7% vào năm 2021 thay vì mức 4,7% dự báo, lạm phát cũng tăng lên mức cao nhất trong gần 30 năm.
Trên phạm vi toàn cầu, ông Stamer chia sẻ với DW rằng khoảng 12% hàng hóa vận chuyển trên khắp thế giới bằng container hiện bị mắc kẹt trên tàu. Tỷ lệ này thông thường ở mức dưới 6%, trong khi tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận là 14% vào cuối mùa hè năm 2021.
Thượng Hải thận trọng nới lỏng các biện pháp phong tỏa
Vào hôm 22/4, các quan chức Thượng Hải thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát vi-rút đối với các tài xế xe tải nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giao hàng. Hãng tin AP trích dẫn tuyên bố của Phó thị trưởng Thượng Hải Zhang Wei cho biết khu vực đang thực hiện "mọi nỗ lực" để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Các tài xế xe tải chở hàng đến Thượng Hải đã phải đối mặt với nhiều trạm kiểm soát và xét nghiệm Covid-19. Điều này khiến một số công ty vận tải và tài xế hạn chế vận chuyển đến khu vực này.
Ông Wu Chungeng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, cho biết việc phong tỏa hiện đang dần được nới lỏng và quy trình xét nghiệm Covid-19 sẽ được đơn giản hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tài xế vận chuyển hàng hóa đến cảng.
Triển vọng cho chuỗi cung ứng
Chuyên gia Stamer cảnh báo: “Sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng có thể trở nên trầm trọng hơn trước khi chúng được cải thiện”. Ông dự báo chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ không thể trở về trạng thái bình thường trong năm nay, bởi việc tháo gỡ những nút thắt trong vận chuyển và các cảng là rất phức tạp.
Ông Stamer nói thêm rằng tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể được cải thiện trong 12 tháng tới chỉ khi Trung Quốc tránh những đợt phong tỏa khác.
Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang lần lượt mở cửa biên giới trở lại và cố gắng sống chung với đại dịch, Trung Quốc vẫn cố gắng theo đuổi chiến lược Zero-Covid với các quy định nghiêm ngặt về phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và cách ly kiểm dịch. Tuy nhiên, cách tiếp cận Zero Covid tại Trung Quốc đã bị thách thức bởi sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao.
Mặc dù tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc dao động khoảng 90%, nhưng vắc-xin sản xuất theo công nghệ bất hoạt vi-rút của nước này có hiệu quả thấp hơn so với vắc-xin mRNA như vắc-xin do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất được sử dụng tại Mỹ và châu Âu. Tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi Trung Quốc cũng thấp hơn nhiều so với dân số nói chung.
Phạm Hà Thanh (theo DW, The Diplomat)