Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Hơn 50.000 loài đã được xác định trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển.
Đặc biệt tại môi trường rừng Việt Nam ghi nhận có hơn 11.400 loài thực vật bậc cao, 322 loài thú, 397 loài bò sát, 181 lưỡng cư, trên 900 loài chim, 120.000 loài côn trùng.
Trao đổi tại Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật”, TS. Vương Tiến Mạnh - Phó Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cho biết bên cạnh sự đang dạng sinh học, Việt Nam cũng được biết đến như là một nơi mà có nhiều loài bị đe doạ tuyệt chủng cao.
Cụ thể, hiện có 407 loài động vật vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe doạ tuyệt chủng; 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe doạ nhất trên thế giới.
Việc rất nhiều loài động vật hoang dã tiến gần hơn đến bước đường cùng tuyệt chủng do chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quá trình săn bắt và buôn bán các loài sinh vật này.
Nói kỹ hơn về con số, ông Bùi Đông Phong - người có 17 năm 8 tháng làm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương thông tin, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật ước tính trị giá khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, xếp thứ 4 sau buôn bán ma tuý, vũ khí và buôn người.
Tội phạm buôn bán động vật hoang dã là chủ thể khai thác toàn bộ chuỗi cung ứng, từ săn trộm và vận chuyển tới vận chuyển và buôn bán. Không dừng lại trong phạm vi việc buôn bán động vật hoang dã, những đối tượng này còn liên quan đến một loạt các hoạt động trái pháp luật khác như rửa tiền, tham nhũng và giả mạo giấy tờ.
Nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã như làm thực phẩm, ngâm rượu, thuốc đông y, thú cảnh, trang trí và làm món ăn đặc sản,… thể hiện đẳng cấp nào đó của một số người đã thúc đẩy hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.
"Sự tham gia ngày càng nhiều của các mạng lưới có tổ chức xuyên quốc gia vào tội phạm môi trường có nghĩa là tội phạm có thể điều phối, trốn tránh và chuyển trọng tâm của chúng từ các hoạt động rủi ro cao như ma túy và buôn người sang động vật hoang dã, được coi là tội phạm có lợi nhuận cao, rủi ro thấp", vị chuyên gia chia sẻ.
Bất chấp những nỗ lực phối hợp nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trong hai thập kỷ qua, Việt Nam vẫn là một trung tâm toàn cầu của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã và vừa là một quốc gia cung và cầu chính.
Khi Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, nạn buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã có giá trị cao đã gia tăng. Không chỉ khai thác trong nước, buôn bán nội địa; động vật hoang dã còn bị buôn bán xuyên quốc gia từ quốc gia xuất xứ, trung chuyển và tiêu thụ cuối cùng.
Nói về vai trò của báo chí tại Hội thảo, bà Nguyễn Thuý Quỳnh - Giám đốc Truyền thông và Vận động Chính sách của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chia sẻ, tổ chức đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc giám sát và thúc đẩy sự chuyển đổi của xã hội về nhận thức, hành vi, khung pháp luật,… về việc săn bắn, buôn bán trái phép động vật hoang dã trong suốt thời gian vừa qua.
Bà Quỳnh cho rằng, báo chí giúp người dân cải thiện hiểu biết về pháp luật, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật được tốt hơn.
Đặc biệt, báo chí đã góp phần phản ánh thực trạng, giúp cơ quan chức năng có cơ sở để vào cuộc xử lý các vấn đề bất cập. Ngay sau những bài viết phản ánh các vấn đề nổi cộm, giúp Chính phủ tiếp cận với thông tin để đưa ra các Chỉ thị kịp thời, vận động chính sách.
Thể hiện vai trò của mình, báo chí đã nỗ lực thực hiện chuyền tải những chính sách, thông điệp tốt đẹp để đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm qua.
Nhấn mạnh thêm, đại diện của WWF cho rằng để bảo vệ động vật hoang dã, ngoài những yêu cầu về mặt pháp lý thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng bậc nhất.
Theo đó, bà Quỳnh cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyên giáo; phát huy tốt vai trò, quyền hạn điều tra, tố cáo những việc làm trái pháp luật.
Qua đó, không chỉ giúp phản ánh các vấn đề về bảo vệ thiên nhiên mà thông qua tiếng nói của báo chí để định hướng, làm thay đổi nhận thức của xã hội, đồng thời tác động đến các cơ quan chức năng để có giải pháp, chế tài xử phạt triệt để đối với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã.