>> Rừng Điện Biên bị “cạo trọc”: Những cánh rừng “chảy máu”
Một trong những huyện có diện tích rừng lớn nhất với trên 72.000 ha, huyện Mường Nhé cũng là “điểm nóng” nhất về thực trạng phá rừng hiện nay của tỉnh Điện Biên.
Những cây gỗ lớn trên 20 năm tuổi ở bản Nà Pán, xã Mường Nhé đã không còn, rừng đã biến thành nương trọc. Ở các xã Chung Chải, Len Su Sìn và Mường Nhé… việc bảo vệ rừng cũng trở nên tê liệt.
Người dân ở bản Nà Pán cho biết, nhiều lần họ cũng đã vào rừng để giữ cây, nhưng không được.
Ở đây, người dân di cư khá đông. Những người này khá manh động. Người dân và những người di cư nhiều lần đã xảy ra xô xát. Bà con Nà Pán trước đó đã dựng lán, thay phiên nhau đi kiểm tra, bảo vệ rừng cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không thể giữ rừng.
Khi bị phát hiện, những kẻ phá rừng sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ và gây thương tích cho lực lượng tuần tra.
Tình trạng di dân tự do của người dân là nguyên nhân chủ yếu khiến rừng ở nơi này bị "cạo trọc".
Theo ông Lò Văn Thành, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mường Nhé cho hay: “Hiện nay lực lượng kiểm lâm địa bàn quá mỏng so với diện tích rừng. Tổng số công chức kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm trạm quản lý bảo vệ rừng đặc dụng hiện chỉ có 23 công chức/72.080 ha rừng”.
“Như vậy, trung bình, mỗi kiểm lâm viên đang quản lý trên 5.000 ha rừng. Trong khi đó, tại Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì với địa bàn nhiều rừng như huyện Mường Nhé, mỗi kiểm lâm viên chỉ quản lý từ 500 - 1.000 ha rừng.
Một khó khăn nữa là, các đối tượng di cư tự do khi bị bắt rất khó xử lý, do họ không khai báo tên tuổi, địa chỉ và hành vi phá rừng của họ cũng chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Thành thông tin thêm.