Hành vi tàn độc
Cậu bé tên Quách Bân Bân đã bị một người phụ nữ lạ mặt bắt cóc và khoét mắt khi đang chơi trước nhà của mình tại Fenxi, phía bắc tỉnh Sơn Tây. Báo chí đưa tin, cậu bé đang chơi trước nhà ở Phần Tây, tỉnh phía bắc Sơn Tây thì bỗng dưng mất tích. Gia đình cậu bé lo lắng, chia nhau đi tìm con. Vài giờ sau, họ phát hiện bé trai trong tình trạng mặt dính đầy máu và đôi mắt của em đã biến mất. Ngay sau khi tìm thấy cậu bé, gia đình đã đưa cậu bé tới một bệnh viện địa phương sau đó chuyển tới bệnh viện Mắt Sơn Tây hôm 27/8.
Nạn buôn bán nội tạng tại Trung Quốc khá phổ biến
"Mặt thằng bé bê bết máu. Mi mắt bị lật ngược ra ngoài, còn bên trong, nhãn cầu đã không còn nữa", bố của em kể trên kênh truyền hình Sơn Tây. Đôi mắt của bé trai được tìm thấy gần đó, nhưng giác mạc đã bị gỡ bỏ. Điều này dẫn đến suy đoán rằng, kẻ tấn công em là một kẻ buôn nội tạng người.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết trên tài khoản Weibo rằng, kẻ cướp nội tạng đã cho cậu bé uống thuốc mê trước khi ra tay. Cảnh sát cho biết, cậu bé đang hồi phục trong bệnh viện. Tuy nhiên, cậu bé đã bị mù vĩnh viễn sau vụ việc tàn bạo này. Cơ quan y tế tỉnh đã đề nghị miễn giảm chi phí chữa trị cho cậu bé.
Cục cảnh sát quận Fenxi đã thông báo một giải thưởng tương đương hơn 16.000 USD sẽ được trao cho người tìm ra tội phạm đang bị truy nã. Cậu bé này kể lại rằng trước khi đưa cậu ra cánh đồng, người phụ nữ đó có hỏi cậu rằng có ai trong nhà cậu chơi mạt chược hay không. Tuy nhiên cô Wang Wenli, mẹ của cậu bé cho biết họ không có mâu thuẫn với bất kỳ ai vì cả hai vợ chồng đều là nông dân, và họ không thể nào hiểu nổi động cơ nào khiến người phụ nữ đó phạm tội ác ghê tởm như vậy.
Trung Quốc là một trong những quốc gia có nạn đánh cắp nội tạng người khá phổ biến do có quá ít người hiến tặng nội tạng trong khi nhu cầu từ những người bệnh ngày càng gia tăng. Do số người thiện nguyện hiến nội tạng quá ít so với nhu cầu, cho nên các hoạt động mua bán nội tạng trái phép phát triển mạnh. Trong năm 2008, chỉ có 36 người hiến tặng nội tạng trong khi thống kê chính thức của Trung Quốc cho biết, mỗi năm có khoảng 1,5 triệu bệnh nhân có nhu cầu ghép nội tạng. Thứ trưởng Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu nhìn nhận thực tế phũ phàng này, khi ông tuyên bố "khoảng cách giữa cung và cầu lớn đến mức mà không ai có thể bài trừ được các hoạt động chợ đen".
Từ năm 2007, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm các hoạt động buôn bán nội tạng. Các tử tù bị hành quyết là nguồn cung cấp chính. Trên thực tế, hàng năm, tại Trung Quốc, có khoảng 10.000 vụ ghép nội tạng, trong khi đó tại quốc gia này có tới một triệu rưỡi bệnh nhân cần được giải phẫu. Các con số trên do chính Tân Hoa Xã cung cấp.
Hiệp hội các y sĩ Trung Quốc năm 2007 chủ trương nội tạng của các tử tù bị hành quyết phải được ưu tiên cho thân nhân họ, nếu cần. 65% nội tạng được cấy ghép cho bệnh nhân tại Trung Quốc được lấy từ các tử tù. Thời điểm đó, các bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc không chỉ lo chuyện mổ xẻ chăm sóc người bệnh mà họ còn phải liên hệ với bên tư pháp để có được nguồn nội tạng từ các tử tội bị hành hình. Tình trạng này đã dẫn đến việc xuất hiện môi giới làm ăn trên xác những người tử tội.
Cậu bé bị móc mắt liên tục hỏi người thân: “Sao trời tối mãi thế?”
"Cầu" gấp nghìn lần "cung"
Tuy nhiên, tháng 8/2013, Trung Quốc tuyên bố ngưng lấy nội tạng của tử tù. Quan chức cao cấp của Trung Quốc nói, nước này sẽ dần dần ngưng việc lấy nội tạng của tử tù đã bị hành hình, bắt đầu từ tháng 11 tới. Ông Hoàng Khiết Phu, người đứng đầu cơ quan cấy ghép nội tạng thuộc bộ Y tế Trung Quốc nói, từ nay Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng nội tạng được tự nguyện hiến thông qua chương trình quốc gia mới được đưa ra.
Trước đó, ông nói nội tạng từ tù nhân không mấy thích hợp cho việc cấy ghép vì độ nhiễm trùng cao, ảnh hưởng tới sức khỏe của những người được cấy ghép.
Chính vì khan hiếm nguồn cung nên việc buôn bán các nội tạng con người còn diễn ra cả với những người đang sống, phát triển thành những đường dây lan rộng sang những nước lân cận. Vào cuối năm, sinh viên Tô Công Luân ở thành phố Hồ Chí Minh bị một đường dây buôn bán nội tạng dụ sang Trung Quốc bán thận với cái giá khoảng 4.000 đô la Mỹ. Cuối cùng, anh phải trở về trong tình trạng hôn mê sống thực vật và sau đó đã chết tại quê nhà.
Các "chợ đen" buôn bán nội tạng, chủ yếu là thận hoạt động khá công khai tại Trung Quốc mặc dù chính phủ nước này đã nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân buôn bán nội tạng dưới mọi hình thức. Các rao vặt kiểu như: "Bán quả thận để mua iPad!" xuất hiện nhan nhản trên các trang web, những kẻ đăng tin hứa hẹn sẽ trả khoảng 4.000 USD cho một quả thận và việc cắt lấy thận diễn ra trong vòng 10 ngày.
Các tổ chức mua bán nội tạng đã tuyển chọn người bán trên mạng và những người bán được phẫu thuật lấy nội tạng một cách bí mật. Chiến dịch truy quét của công an Trung Quốc được phát động sau vụ việc một nam sinh 17 tuổi bán thận để kiếm 3.500 euro mua iPhone và iPad. Hiện tính mạng nam sinh này đang trong tình trạng nguy kịch do hậu quả của lần phẫu thuật vừa rồi.
Năm 2012, chính quyền Trung Quốc thông báo đã bắt giữ 137 người, trong đó có 18 bác sĩ, bị tình nghi liên quan đến việc mua nội tạng của những người khỏe mạnh để bán lại cho các bệnh nhân cần cấy ghép. Vụ bắt giữ nằm trong một chiến dịch được công an Trung Quốc tiến hành ở 18 tỉnh thành, đã kịp thời giải cứu được 127 người sắp bán nội tạng.
Năm 2012, còn có một vụ án kinh hoàng hơn. Tân Hoa xã vào ngày 27/5/2012 lần đầu tiên xác nhận vụ bắt giữ Zhang Yongming 56 tuổi, nghi can giết người hàng loạt ở tỉnh Vân Nam rồi đem nội tạng ra chợ bán. Kết quả điều tra cho biết trong 4 năm, Zhang đã giết 11 thanh thiếu niên trong tổng số 17 người được thông báo mất tích tại làng Nanmen, nơi y sinh sống.
Phần lớn bệnh nhân tìm đến Trung Quốc để tìm nội tạng cho cuộc phẫu thuật phải trả tới 200.000 USD cho một quả thận mua ở "chợ đen", trong khi những người bán tạng chỉ được trả chưa tới 5.000 USD.
Theo truyền thống Trung Quốc, người chết phải được chôn cất toàn vẹn thân thể. Bởi vậy, rất hiếm có người chấp nhận cho lấy nội tạng trong tử thi của người thân mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vụ buôn bán nội tạng ở Trung Quốc vẫn bị báo chí phát giác.
Thanh Xuân (theo BBC, RFI, Sina)