Thời gian gần đây, báo chí thông tin nhiều vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng có nguyên nhân là lái xe uống rượu, bia, sử dụng ma túy.
Gần đây nhất, như báo Người Đưa Tin đã phản ánh, tài xế Lê Trung Hiếu (SN 1980, trú tại phố Văn Cao, quận Ba Đình, Hà Nội) sau khi uống rượu bia tại buổi họp lớp vào tối 30/4 đã lái xe Mercedes GLA gây tai nạn rạng sáng 1/5 tại hầm đường bộ Kim Liên làm 2 người phụ nữ sinh năm 1976 tử vong.
Cách đây chỉ vài tháng, đêm 21/10/2018, tại vòng xoay Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TP.HCM), chiếc ô tô BMW mang biển số 51F-279.10 do bà Nguyễn Thị Nga điều khiển trong tình trạng say rượu đã vượt đèn đỏ và tông vào 5 xe máy đang dừng đèn đỏ, sau đó tiếp tục lao thẳng vào một chiếc taxi rồi mới dừng lại. Vụ tai nạn làm một phụ nữ chết tại chỗ và 5 người khác bị thương, 5 xe máy và 2 ôtô hư hỏng nặng.
Một vụ việc đau lòng không kém xảy ra đêm 22/4, tài xế Đỗ Xuân Tuyên (SN 1970, trú Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội) đã lái xe trong tình trạng say rượu và gây ra vụ tai nạn liên hoàn trên đường Láng. Hậu quả, một nữ lao công đang quét rác trên đường đã tử vong, để lại mẹ già bệnh tật và 2 cậu con trai đang tuổi ăn học.
Liên quan đến tài xế nghiện ma túy gây tai nạn giao thông, dư luận vẫn chưa quên vụ tai nạn kinh hoàng khiến 4 người tử vong và 20 người bị thương xảy ra tại gã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào chiều 2/1/2019. Theo báo Lao Động, tài xế Phạm Thành Hiếu đã lái xe container đầu kéo đâm vào hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ trên quốc lộ 1 tại vị trí nói trên. Sau khi lực lượng chức năng kiểm tra, kết quả cho hay tài xế Hiếu dương tính với ma túy.
Những vụ việc đau lòng xảy ra liên tiếp nói trên làm các nhà quản lý phải ngồi lại với nhau để nghiên cứu thực trạng lái xe say xỉn gây tai nạn và tìm ra giải pháp khắc phục.
Theo báo VnExpress, tại cuộc tọa đàm về biện pháp ngăn chặn tài xế uống rượu bia gây tai nạn giao thông diễn ra sáng 3/5, ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề cập đến vụ tai nạn giao thông tại hầm Kim Liên đêm 30/4, khiến hai người chết.
"Tài xế là người tốt trước khi uống rượu, song sau khi uống rượu gây tai nạn thì một người tốt đã thành kẻ giết người", ông Hùng nói.
Ngoài ra, ông Hùng cho hay vụ tai nạn ám ảnh nhất với ông là một phụ nữ uống rượu gây tai nạn giao thông ở ngã tư Hàng Xanh (TP HCM) làm chết 2 người và nhiều người bị thương. Vụ việc này gây bất ngờ bởi phụ nữ Việt Nam vốn ít khi say rượu.
Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính như sau: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng với người điều khiển xe ôtô trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở. Người vi phạm còn bị phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ một tháng đến 3 tháng.
Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở, người vi phạm sẽ bị phạt 16-18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 4 đến 6 tháng.
Phó Chủ tịch Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho hay, năm 2015, khi xây dựng Nghị định 171 sửa đổi, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã kiến nghị bổ sung chế tài "nếu tái phạm liên quan đến nồng độ cồn thì có thể tịch thu phương tiện", và cơ quan này đã nhận được rất nhiều "gạch đá" phản đối. Lúc đó cũng có ý kiến đề xuất phải xử lý hình sự hành vi uống rượu bia vẫn lái xe và cũng nhận "gạch đá" không kém.
Tuy nhiên đến giờ, "Ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện, xử lý hình sự với vi phạm nồng độ cồn đã được hoan nghênh, ủng hộ", ông Khuất Việt Hùng nói.
Về xử lý vi phạm nồng độ cồn, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật - Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật (Cục Cảnh sát giao thông) cho biết, năm 2018, lực lượng chức năng xử lý hơn 91.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong 4 tháng đầu năm 2019, đã xử lý gần 50.000 trường hợp. Tuy nhiên, Thượng tá Nhật cho rằng, việc làm của cảnh sát giao thông xét cho cùng "chỉ là phần ngọn". Vấn đề "gốc" là cần kiểm soát bằng pháp luật để khi người tham gia giao thông khi nghĩ đến hình phạt, chế tài, quy định về giấy phép lái xe... sẽ không muốn và không dám vi phạm
Ông Lê Văn Thanh, Vụ An toàn Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) bổ sung thêm, tới đây Bộ sẽ trình Chính phủ nghị định 46 sửa đổi, dự kiến đề xuất tăng mức xử phạt cao nhất lên 20 - 30 triệu và tước giấy phép lái xe 24 tháng.
Ông Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Ủy ban Tư pháp thì cho rằng, các nước trên thế giới xử phạt hành chính rất nghiêm để ngăn chặn, phòng ngừa từ xa việc sử dụng rượu bia, chất kích thích; Việt Nam nên tiếp thu và học tập. "Tước giấy phép lái xe vĩnh viễn, tịch thu phương tiện giao thông là một trong những giải pháp chúng ta có thể áp dụng", ông nói.
Gần đây nhất, báo Thanh Niên đưa tin, chiều 9/5, tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 7 của Quốc hội dự kiến khai mạc vào 20/5 tới, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Quốc hội cần phải ra nghị quyết để xử lý nghiêm hành vi lái xe có uống rượu bia.
“Nếu uống rượu bia dù chưa gây tai nạn thì có thể bị xử phạt tiền ở mức độ cao, cần thiết thì đưa ra quy định bắt lao động công ích, chẳng hạn như nạo vét sông Tô Lịch", ông Hiển nói, và cho rằng, hiện nay mức phạt tiền thậm chí 15-20 triệu nhiều người cũng sẵn sàng trả, nên lao động công ích là việc rất quan trọng.
Còn đối với lái xe nghiện ma túy, ông Hiển đề nghị cần phải tước bằng vĩnh viễn. “Nếu gây tai nạn ở mức độ chưa nghiêm trọng thì xử lý hành chính, tước bằng vĩnh viễn, còn gây tai nạn nghiêm trọng thì phải giải quyết theo bộ luật Hình sự”, ông Hiển bày tỏ, và cho rằng cần có nghị quyết như thế để giải quyết việc uống rượu bia mà vẫn lái xe.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhận định, dư luận xã hội cũng đang theo dõi, xem Quốc hội ứng xử như thế nào đối với vấn đề này, đặc biệt tình trạng sử dụng rượu bia gây ra hậu quả nghiêm nghiêm trọng, nên đề nghị đưa dự án luật ra Quốc hội để cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ đồng tình với việc tăng chế tài xử phạt đối với tài xế say rượu lái xe như Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất. "Đã lái xe mà sử dụng rượu bia thì phải phạt nặng, buộc phải lao động công ích, như thu gom rác ở khu vực nào sinh sống", bà Ngân nói.
H.Y (tổng hợp)