Tuyệt đối không rung lắc trẻ dưới 2 tuổi
Các chuyên gia khuyến cáo người lớn cần loại bỏ thói quen tung hứng, nựng lắc khi bế và đùa nựng với trẻ. Bởi vì mọi động tác rung lắc đều gây hại và có thể để lại những hậu quả khôn lường cho sức khỏe và trí tuệ của bé.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh dịch bệnh ở Mỹ, tần suất tử vong do “Hội chứng trẻ bị lắc” (Shaken baby syndrome) lên tới khoảng 2.000 trẻ mỗi năm.
Đây là một hội chứng thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, nhiều nhất là từ sơ sinh đến 8 tháng, có thể gây tử vong nếu bị tổn thương não nặng. Cụ thể, tổn thương nhẹ từ việc rung lắc có thể làm cho trẻ mất khả năng nói năng lưu loát, không tiếp thu được bài vở khi học tập. Còn tổn thương nặng có thể gây ra xuất huyết võng mạc mắt, liệt thần kinh, co giật… thậm chí gây tử vong.
Tuy nhiên, báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin điều đáng lo nhất là bố mẹ thường không biết trẻ bị tổn thương vì rung lắc mạnh do người lớn gây nên, vì vậy nhiều trường hợp trẻ đã bị tổn thương nhưng vẫn tiếp tục bị “tra tấn” bởi các lần rung lắc mạnh tiếp theo do người lớn vô tình gây ra khiến trẻ bị tổn thương ngày càng nặng.
Bác sĩ Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương khuyến cáo, tuyệt đối không được đung đưa mạnh đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 0-6 tháng. Bởi những tổn thương không chỉ xảy ra trong thời điểm hiện tại mà có thể ảnh hưởng về lâu dài. Lưu ý:
- Không nên có những động tác thay đổi tư thế đột ngột như: Bế thốc dậy khi trẻ đang nằm, nhấc bổng trẻ lên cao, xốc nách nhấc trẻ lên cao rồi hạ xuống.
- Khi trẻ quấy khóc hoặc làm một việc gì đó không vừa lòng, người lớn không nên tát, đánh vào đầu trẻ.
- Không ôm giữ trẻ khi cãi cọ.
- Khi di chuyển trẻ, hãy giữ cổ ở tư thế tương đối cố định
- Khi trẻ khóc kéo dài không dỗ được cần phải kiểm tra kỹ nguyên nhân.
Đồng thời, người thân trong gia đình không nên tạo áp lực cho cha mẹ của trẻ khi trẻ khóc nhiều.
Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị tổn thương
Theo các bác sĩ, triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn với một số tình trạng khác như rối loạn tiêu hóa, nhiễm siêu vi... Đôi khi trẻ không có biểu hiện gì dù đã bị tổn thương thật sự nên rất khó phát hiện, nhất là những trường hợp nhẹ, thường bị bỏ qua.
Theo thông tin trên tờ Dân trí, bố mẹ cần để ý đến các biểu hiện ở trẻ như: Quấy khóc nhiều, bỏ ăn hay bỏ bú, ói, ngủ lịm, gương mặt không cảm xúc, không chịu cười đùa, trương lực cơ kém (cơ nhẽo), da xanh tái, nhìn thấy rõ nhất vùng trán. Ở thể nhẹ này, ít cha mẹ nào nghĩ rằng con mình bệnh mà đưa đến bác sĩ khám. Và điều nguy hiểm cũng chính ở điểm này, vì không biết nên càng rung lắc khiến trẻ tổn thương nặng hơn.
Nặng hơn là khó thở, ngừng thở hoặc co giật. Những dấu hiệu cho thấy chấn thương cổ, sưng nề, cứng cổ, nghẹo về một bên, khó quay. Do đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu này và có kèm theo tình trạng hay lắc trẻ, bạn hãy nghĩ đến ngay đến hội chứng kể trên và lập tức đưa đến bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời.
N.H (tổng hợp)