Hóa trang để vào nghĩa địa tử tù
Theo bà H, trong gia đình thì đứa con bị tử hình, tên Đ, được bà yêu chiều nhất. Có thể vì bà quá yêu chiều con nên nó mới ngỗ ngược như vậy. Bà nhận hết lỗi về mình nhưng có một điều chắc chắn bà H hiểu là "cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Đ vào tù vì trộm trâu. Ngày đó, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa là một tội nghiêm trọng lắm, nhất là lại trộm trâu - cơ nghiệp của người nông dân. Bà H kể, vào tù, Đ bị người ta kỳ thị với lời nói: "ăn cả công cụ của nông dân"... Cứ thế, Đ càng lỳ lợm hơn và liên tục gây chuyện trong trại.
Hôm đó là ngày rằm, một trại viên trong phòng nhận được quà của gia đình gửi vào. Trại viên này đã chia cho tất cả trại viên trong phòng, trừ Đ và tuyên bố: "Tao là con nhà nông dân, tao quý trâu bò lắm, những đứa trộm trâu bò để ăn thịt ấy là kẻ thù của tao". Vừa nói, trại viên này vừa ăn và cổ vũ các trại viên trong phòng ăn. Đ đã túm cổ áo trại viên này. Hai bên cãi cọ, bị quản giáo phát hiện, cả 2 bị phạt. Đêm đó, người trại viên ấy không để cho Đ yên, anh ta liên tục nhục mạ Đ bằng những lời lẽ rất khó nghe, dù cùng cảnh tù tội. Đ đã túm tóc anh ta, đập đầu vào tường. Người này được đưa ra bệnh xá của trại, rồi đi cấp cứu ở bệnh viện công an nhưng đã chết vì chấn thương sọ não. Đ bị xử tử hình.
Bà H kể, ngày con bị xử tử hình, tôi ngất lên ngất xuống. Cũng xin tha tội chết nhưng không được chấp nhận. Từ đó, tôi bảo các con, bằng mọi cách để biết ngày thi hành án của nó mà đến xin xác mang về. Âu cũng là một kiếp người.
Tôi hỏi: "Ngày đó, theo qui định, sau 3 năm thi hành án, gia đình có nhu cầu xin về an táng, chôn cất, phải làm nhiều thủ tục lắm cơ mà". Bà H cho biết: "Đúng là như thế, nhưng thằng Đ mới được chôn lúc tờ mờ sáng, thì đêm đó, gia đình đã "xin" được xác con mang về rồi." Tôi bảo: "Bà có biết thế là vi phạm pháp luật không?" Bà H khẽ khàng: "Vi phạm thật nhưng cái tình trong đó lớn lắm, không bỏ được".
Bà H nhớ lại: Hôm Đ bị tử hình, bà và các con phải coi như không biết. Bà cử một người con nuôi lặng lẽ theo dõi xem Đ được chôn ở khu vực nào của nghĩa địa trong khu thi hành án riêng biệt ấy. Thế rồi gia đình cũng biết được vị trí. Đêm khuya hôm đó, các con tôi hóa trang rồi trườn, bò vào nghĩa địa đầy may rủi đó để đào bới... Tôi không sợ các con tôi không mang được xác anh, em nó về mà sợ chúng bị rắn cắn, gặp phải rủi ro như đinh găm vào chân, kim tiêm của bọn nghiện đâm vào người. Khu trường bắn ấy, cổng vào canh rất nghiêm ngặt nhưng do rất rộng, nhiều chỗ (ngày ấy) chỉ quây bằng dây thép gai. Thi hành án xong, chỉ có người quản trang ở lại với những nấm mồ tử tù thôi. Đêm đến, họ ngủ, mình mới vào".
"Sao bà không làm đơn xin trực tiếp mà lại làm như thế?" - Tôi hỏi. Bà H thành thật: "Tôi cũng đã nhờ nhiều người hỏi giúp nhưng quy định của pháp luật không cho phép nên họ từ chối. Họ im lặng khi tôi xin... Tôi hiểu, trong cái lý vẫn có cái tình. Chỉ cần họ làm ngơ, coi như không biết thì tôi mang được xác con về. Tất nhiên, tôi hiểu, làm việc đó là phải lặng lẽ, kín kẽ. Đem xác con về mà lẳng lặng như thể mình phạm tội. Không dám cúng, không dám khai tử tại địa phương... nghĩ mà rất tội".
Bà H kể tiếp: "Quả thật, rất nhiều người ngày ấy tò mò chuyện đó. Thực ra gia đình tôi chỉ mang xác con tôi về, khi đào xong lấy xác, quan tài lại đậy lắp lại như cũ rồi lấp đất như một cái mồ bình thường nhằm tránh sự chú ý của người khác. Khi mang xác về thì quan tài ở nhà chuẩn bị sẵn. Lúc trước, tôi nghe người ta nói, tử tù bị chôn qua loa lắm. Thực ra không phải vậy. Cũng được khâm niệm, mặc đồ tử tế chu đáo lắm".
6 anh em đi trong đêm mưa "trộm" xác em
Theo Luật Thi hành án hiện hành khi thi hành án tử hình không bắn mà thực hiện bằng tiêm thuốc độc. Thân nhân của tử tù được nhận xác về ngay sau khi thi hành án xong. Vì thế, sẽ không còn chuyện, "trộm", “cướp” xác tử tù nữa. Câu chuyện của người mẹ và người anh tử tù đi "trộm" xác con về cho thấy, quan niệm nghĩa tử là nghĩa tận của người Việt Nam chưa bao giờ mất đi. Trong trường hợp này, hãy ở vào hoàn cảnh của họ mà sẻ chia, cảm thông với nỗi đau của người còn sống. Lời phân trần của T: "Tôi hiểu rằng, nhiều người biết chuyện anh em tôi "trộm" xác em về nhưng đều tha thứ cho chúng tôi. Đó là chút tình còn lại đối với người đã chết, dù lúc sống, nó phạm tội, tội của nó không thể không đền mạng. Và, nó đã phải trả giá cho những việc làm của mình bằng chính mạng sống của mình rồi".
Anh T cho biết: "Em trai tôi từng là một tên cướp nguy hiểm gây ra nhiều tội ác, bị pháp luật xử án tử hình. Với xã hội, nó là một thằng bỏ đi, đáng bị lên án nhưng với gia đình, dù sao nó cũng là ruột rà, máu mủ. Từ lúc bị bắt cho đến khi xét xử, chờ thi hành án, nó đều ở trong phòng biệt giam. Những lần được gặp em ngắn ngủi trong giờ thăm nuôi theo quy định của pháp luật, nó đều bảo: "Khi nào em đi (tức bị thi hành án tử hình) hãy cho em về cùng bố mẹ nhé".
Chẳng là, bố mẹ tôi mất từ khi nó còn nhỏ. Vì thế, tôi càng xót em hơn. Một mình tôi vừa làm, vừa phải nuôi dạy các em nên không được chu đáo, em thành tử tù, tôi đau lòng lắm. Biết nguyện vọng của em, tôi cũng cậy cục, nhờ vả nhiều nơi, song pháp luật đã quy định là sau 3 năm, gia đình đến cải táng rồi đưa cốt về. Thôi đành vì em một lần cuối vậy. Thế là cả nhà ngồi bàn tính chuyện đi ăn trộm xác của em sau ngày thi hành án ở nghĩa địa trong pháp trường".
Theo anh T, kế hoạch trộm xác được bàn tính rất tỉ mỉ, cụ thể đến từng chi tiết nhỏ. Đặc biệt là không làm ảnh hưởng tới ai, nhất là những người đang thi hành nhiệm vụ. "Đêm đó, trời mưa rất to, như thể chiều lòng anh em tôi, giúp em tôi được về "ở" cùng cha mẹ vậy. Lần dò được vào tới mộ, ai cũng ướt như chuột lột, đầu thu nên cái lạnh của gió heo may, của nước mưa làm cho anh em tôi không thể quên được cái cảm giác rùng mình lúc đó. Hai hàm răng va vào nhau tạo thành âm thanh. Như đã phân công từ trước, 6 anh em tôi hì hục đào, bới, rồi cạy lắp quan tài... ôm được xác em ra, tôi khóc bằng lần cha và mẹ chết cộng lại. Nước mắt mặn chát, cay xè hai mắt. Vác em trên vai chạy cùng với 3 đứa em khác mà chẳng dám nấc thành tiếng.
Đưa em ra khỏi hàng rào, để em nằm trên một chiếc xe bò, vừa kéo, vừa chạy thật nhanh qua khu dễ bị phát hiện rồi mới đưa em lên chiếc công nông về nhà. Ngày đó, nhà tôi nghèo, không đủ tiền thuê ô tô đi đón em. Mọi thứ tiếp theo cho đứa em tử tù cũng lặng lẽ như thế. Tôi hỏi: "6 người đi, sao chỉ có 4 người đưa xác về?" Anh T nói tiếp: "2 người ở lại, đóng ván vào, đắp lại mộ y nguyên như cũ. Làm như thế, để tránh bị nghi ngờ. Hàng năm, hàng tháng, cứ ngày sinh, ngày chết của nó, anh em tôi vẫn thay phiên nhau đến ngôi mộ không xác đó thắp hương đến hết 3 năm thì mới thôi đấy".
Nguyên Hằng