Thậm chí, một số nơi mùn gỗ vẫn chất đống, còn thơm mùi nhựa. Điều này chứng tỏ bọn lâm tặc đã tập kết gỗ lại một chỗ rồi dùng cưa xăng xẻ xong mới chuyển đi.
Đêm trong rừng già
Từ xóm Ké, leo được đến khu rừng Bưa Chùng thì trời đã sâm sẩm tối. Tại đây, chúng tôi bắt gặp nhiều thanh gỗ vứt dọc đường do lâm tặc chưa kịp chuyển đi. Rõ ràng, những súc gỗ này mới được khai thác, chậm thì 2 ngày, nhanh thì vừa buổi sáng.
Sự thật, việc lâm tặc dùng cưa xăng để phá rừng không có gì lạ, khi bản thân ông Xa Văn Chính, chủ tịch UBND xã Hiền Lương cũng thừa nhận: Tính đến ngày 30/12/2012, toàn xã có 28 chiếc cưa xăng. Vậy số cưa xăng này họ mua về làm gì? Câu trả lời chắc chắn là dùng để cưa gỗ, bởi trong rừng vẫn còn nhiều gỗ lắm!
> Rừng ở thượng nguồn sông Đà kêu cứu (1)
Ông Chính cũng thừa nhận rằng, tình trạng chặt phá rừng ở khu Bưa Chùng là có và nó đã diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, theo ông Chính, đó chỉ là những vụ nhỏ lẻ. Còn ông Nguyễn Văn Đinh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đà Bắc cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã thu giữ 2 lần với 3m3 gỗ do lâm tặc bỏ lại.
Có điều lạ là ngay khi chúng tôi vừa vào đến khu rừng Bưa Chùng thì cánh rừng bỗng trở nên vô cùng im ắng. Có lẽ “cú vọ” dọc đường đã báo tin nên lâm tặc đang “nín thở” ngừng hoạt động. Trời càng lúc càng tối, song chúng tôi vẫn nhìn rất rõ trên nhiều đoạn đường mòn còn in hằn dấu vết gỗ đã được kéo trườn qua đây. Nhiều miếng “thịt” gỗ vỡ dập in trên các cạnh đá lởm chởm dọc đường. Đồng nghiệp đi cùng tôi chỉ tay vào đống vụn gỗ trước mặt và khẳng định, tại đây lâm tặc đã gom gỗ lại một chỗ, rồi cắt xẻ thành các súc gỗ vuông vức trong suốt nhiều ngày trời.
Theo quan sát tại hiện trường thì ngoài mùn gỗ từ cưa xăng, đa phần mùn gỗ còn lại là do máy bào mà ra. Các thớ gỗ được bào xoăn tít như những sợi mì tôm, phủ đỏ trên các bãi cỏ. Điều đó cho thấy, lâm tặc đã mang đủ đồ nghề, gồm cưa xăng, máy bào, búa, rừu… vào đây ngang nhiên chặt phá rừng, qua mặt chính quyền địa phương. Sự liều lĩnh ấy, liệu có sự bao che của thế lực nào không thì chỉ những người trong cuộc mới rõ…
Sau khi dừng chân quan sát tại khu vực có nhiều mùn cưa, chúng tôi tiếp tục mò mẫm lên đường khi trời tối hẳn. Để thấy đường, chúng tôi phải dùng đèn điện thoại di động để soi, rồi cứ thế băng rừng mà đi. Trong đêm, con đường mòn từ khu rừng Bưa Chùng hướng lên Thuần Châu trở nên heo hút. Đồng nghiệp của tôi lò dò đi từng bước mà vẫn bị vấp ngã, la oai oái. Dừng lại soi, hóa ra anh bạn đã vấp phải khúc gỗ đường kính khoảng 1,2m, dài 5m, nằm chình ình giữa đường. Cây gỗ to, vết cắt đã cũ, nhưng mới được chuyển ra cạnh đường, có lẽ lâm tặc chuẩn bị cưa xẻ để tiện bề tẩu tán.
Những khúc gỗ được xếp ngay ngắn trong nhà người dân.
Đi được một quãng nữa, chúng tôi tiếp tục phát hiện một cây gỗ nữa dài khoảng chục mét bị đốn hạ từ lâu, cỏ cây xung quanh mọc um tùm, che lên toàn bộ thân cây. Có lẽ lâm tặc hạ xuống, nhưng bị phát giác nên đã bỏ đi.
Đi trong đêm tối giữa rừng già, tôi lại nhớ đến lời một gã ở xóm Mái (đã từng là lâm tặc) tiết lộ, ở đây bà con đi rừng có hai kiểu. Thứ nhất là đi chặt gỗ rồi để đó có ai mua thì bán. Thứ hai là mang cưa máy vào rừng để cưa gỗ theo đơn đặt hàng, tức là giới buôn gỗ thích mua loại gỗ gì thì lâm tặc vào rừng hạ loại cây đó. Thậm chí, chúng tôi còn ghi lại được đoạn video về những súc gỗ đã được xẻ thành ván để trong nhà của một số gia đình ở xóm Ngù, xóm Mái.
Suốt đêm, chúng tôi chỉ có mỗi một việc là mò mẫm đi dọc theo vết kéo gỗ mà lâm tặc để lại trên con đường mòn lên Thuần Châu. Nhiều đoạn, dấu vết gỗ trượt trên mặt đường để lại vết nhẵn thín trên mặt đất. Tuy nhiên, cứ lần mò đến được các gốc cây bị lâm tặc chặt hạ thì lại mất dấu vết. Điều này càng chứng tỏ sự chuyên nghiệp của lâm tặc trong việc phá rừng khi chúng vừa biết xóa dấu vết, vừa phá rừng một cách có chọn lọc chứ không chặt phá ồ ạt.
Gỗ rừng “chảy” đi đâu?
Mờ sáng ngày hôm sau, chúng tôi đã kịp thời ra khỏi khu rừng Bưa Chùng. Tuy nhiên, để hiểu rõ được gỗ rừng bị khai thác đã “chảy” đi đâu, chúng tôi quyết định đóng vai là dân từ bên Lạc Sơn sang để hỏi mua gỗ về làm cửa nhà.
Một vài người đàn ông đang làm cỏ bên nương ngô dọc đường nói: “Các anh muốn mua gỗ thì chỉ có vào xóm Ngù, xóm Mái. Bởi hai xóm ấy có người đi rừng”. Sau khi xác định được địa điểm, chúng tôi quyết định lên xóm Ngù trước.
Xóm Ngù phần lớn là người Dao sinh sống. Từ đầu xóm chạy xe máy dọc theo con đường đất lên núi, quan sát thấy hầu như bên hông nhà nào cũng có vài súc gỗ đã được cắt vuông vức xếp chồng lên nhau. Nhà ít thì 1 – 2m3, nhà nhiều lên tới 3 - 4m3.
Hầu như các súc gỗ này đã được cắt xẻ từ lâu, nhưng không hiểu bà con để gỗ phô ra bên ngoài là nhằm mục đích gì? Anh đồng nghiệp của tôi phân tích: Có thể là để quảng cáo cho khách lạ. Nếu động thái của người dân rõ ràng như vậy thì chứng tỏ, việc buôn bán gỗ ở đây có sự bao che, hoặc làm ngơ, buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
Sau khi chụp được vài bức ảnh về những hộ chứa gỗ, chúng tôi quyết định di chuyển ra xóm Mái. Dù không có nhiều hộ xếp gỗ phô ra bên ngoài như xóm Ngù, nhưng ở xóm Mái, việc người dân cất giữ nhiều súc gỗ là có thật. Tạt vào một quán sửa xe bên đường thuộc xóm Mái để thay dây phanh đứt, chúng tôi bất ngờ phát hiện ra nơi đây chứa khá nhiều gỗ. Bên ngoài sân trước là hai khúc gỗ to như hai cột đình đã được đẽo rất vuông vức, xếp ngay ngắn ở một góc. Người đàn ông trong quán nói, đó là cây gỗ do chính gã hạ được trong rừng rồi dùng trâu kéo về. Đặc biệt là bên hông nhà và trong nhà, chúng tôi cũng thấy nhiều thanh gỗ vuông vức, được chất cao thành đống.
Một câu hỏi đặt ra là sau khi khai thác gỗ, lâm tặc ở đây sẽ tẩu tán bằng những chiêu trò gì?
Theo Kinh tế Nông thôn