Bài 1: Loài ma chỉ hiện thân trong bóng tối đại ngàn
Ở một số xã của huyện Chiêm Hóa, người ta kể cho nhau nghe về loài ma đáng sợ này mọi lúc, mọi nơi. Thế nhưng câu chuyện chỉ thực sự trở nên ly kỳ và dựng tóc gáy khi mặt trời khuất núi, khi rừng già vang vọng những âm thanh hoang hoải của đại ngàn.
Với bản tính tò mò của những gã trai phố thị, chúng tôi vượt qua mấy con đường rải đá tối tăm để gõ cửa nhà bà Hoàng Thị Nhạc. Bà Nhạc là người dân tộc Tày, đã gần 80 tuổi và biết rất nhiều chuyện người xưa truyền lại về loài ma cà rồng từng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân vùng cao này nhiều đời qua.
Những câu chuyện “dựng tóc gáy”
Dõi đôi mắt xa xăm vào màn đêm đặc quánh, bà Nhạc bắt đầu câu chuyện: “Không chỉ các cụ đời xưa mà ngày nay người dân tộc Tày chúng tôi vẫn nói với nhau rằng ma cà rồng thường hóa thân vào các cô gái đẹp, rất đẹp. Những cô gái này da trắng như trứng gà bóc, môi đỏ như máu, tóc đen chảy dài xuống lưng. Ban ngày, họ vẫn sống giữa chúng ta như những người bình thường. Thế nhưng khi màn đêm buông xuống, chúng chui xuống gầm sàn ăn phân lợn, uống nước gạo, lưỡi thè ra đỏ lòm dài ngang ngực.
Theo lời đồn đại, ma cà rồng khi hiện nguyên hình thì lăn như con nhím. Để lăn được như thế thì chúng thu nhỏ 2 chân và đút vào lỗ mũi. Chính vì thế lỗ mũi của ma cà rồng to và thính hơn mũi người nhiều lần”.
Ảnh minh họa
Cũng theo lời bà Nhạc, ma cà rồng chẳng bao giờ chết. Mỗi lần người “bị ma nhập” chết đi là một lần ma cà rồng lột xác. Lột xác bảy lần thì ma cà rồng có thêm một chiếc sừng (nhiều vùng ma lột xác chín lần). Có thêm một chiếc sừng thì ma thoát xác 63 lần (trên đầu có 9 cái sừng) thì ma thành tinh, biến hóa muôn hình vạn trạng. Lúc ấy chỉ cần ma nhìn ai thì người đó sẽ phải chết.
Chính vì vậy mà người nào bị dân bản nghi là ma cà rồng sẽ bị cả bản xa lánh, cô lập. Chẳng ai muốn giao tiếp với ma và đặc biệt rất sợ ma… đến nhà mình chơi. Ma đến thăm nhà nào thì dứt khoát vài ngày sau lợn, gà của nhà đó tự dưng sẽ lăn đùng ra chết.
Ma cà rồng không trú chân ở hẳn một nhà mà cứ lang thang khắp nơi theo chu trình của một đời người. Vì thế người nào bị dân bản nghi là ma thì trọn đời, trọn kiếp phải chịu muôn vàn tiếng xấu. Cô gái bị ma cà rồng nhập xác, nếu lấy chồng, ma theo cô gái ấy về nhà chồng. Cô gái sinh con, hồn ma sẽ nhập sang con gái. Nếu cô gái ấy không có con gái, hồn ma sẽ nhập sang cháu gái. Nếu không có cháu gái thì sẽ núp tạm sang cháu dâu.
…. Lời đồn tai ác ấy đã khiến cho nhiều cô gái cùng thế hệ với bà Nhạc bị người trong làng bản ghê sợ, cách ly. Người ta cứ bảo nhau không lấy, không chơi khiến cho những cô gái đó nếu muốn lấy chồng thì phải bỏ quê hương đi lập gia đình ở tít tận những miền xa.
Có mặt ở nhà bà Nhạc, một giáo viên tên Tùng kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện về ma cà rồng mà anh nghe được từ những người bạn cùng lứa tuổi. Theo lời anh, có một đôi yêu nhau, một tối mùa hè dắt nhau lên đồi tâm sự. Trời nóng nực nên cô gái bảo chàng trai ngồi chờ để về lấy cam ra ăn. Khi cô gái ra, chàng trai nhìn kỹ lại thì thấy trên tay người yêu đang cầm một… cục phân lợn. Lúc đó chàng trai mới biết người mà mình vẫn thương yêu chính là ma cà rồng và sợ hãi bỏ chạy một mạch về nhà.
Anh bảo, cũng có lúc ma cà rồng quên chúng đang biến hóa thành hình người nên bộc lộ đúng bản chất của chúng là thích ăn đồ uế tạp và bị con người phát hiện.
Đi tìm ma cà rồng
Chính vì những câu chuyện được kể nhiều đến nỗi tưởng như đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày ấy đã khiến cho bà Nhạc cũng theo người ta xa lánh những người bị cho là ma cà rồng trong làng bản. Dẫu chưa có một lần nhìn thấy những con ma kinh dị hiện hình như lời đồn thổi nhưng bà Nhạc cũng chẳng đủ can đảm để đi ra đường vào những lúc trời tối.
Dù những gì liên quan đến ma cà rồng chỉ là những lời kể truyền tai, nhưng bà cụ người Tày này khẳng định hiện nay vẫn còn những gia đình trong dân tộc mình bị coi là ma cà rồng nhập xác. Thuyết phục mãi bà Nhạc mới dám chỉ cho chúng tôi một gia đình bên xã Ngọc Hội bị đồn là có ma cà rồng trong dòng họ.
Từ nhà bà Nhạc ra về, dù không tin những chuyện hoang đường như vậy nhưng những cơn gió núi cọ mình vào vách đá tạo nên những tiếng rít giữa đại ngàn hoang vu cũng đủ để chúng tôi sởn gai, dựng tóc trên suốt quãng đường về.
Bị kích thích trí tò mò bởi những câu chuyện về loài ma cà rồng nơi rừng xanh núi đỏ, chúng tôi đã quyết định tìm tới thôn Bản Cải, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa để được mục sở thị những con người bị coi là ma nhập theo lời đồn thổi của người dân. Mới bước vào thôn, hỏi thăm nhà ông T., người dân ở đây ai cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt rất khó diễn tả, vừa ngạc nghiên, vừa xa lánh lại vừa tò mò, dò xét.
Chỉ đường cho chúng tôi xong, những ánh mắt đó cứ dõi theo mãi cho đến khi chúng tôi leo hết con dốc và bước hẳn vào ngôi nhà gạch khang trang của gia đình ông T. Không may cho chúng tôi, cả 2 vợ chồng ông đều không có nhà. Ra đón khách là người con trai cả của ông. Biết ông là người am hiểu văn hóa cổ truyền, chúng tôi vào vai những người đang đi sưu tầm và nghiên cứu những nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của dân tộc Tày.
Cạn một tuần trà, chúng tôi xin phép ra về thì gặp người đàn bà tuổi độ ngũ tuần mặc chiếc áo xanh tình nguyện xác trên vai chiếc cuốc trở về nhà bằng đôi chân bùn đất lấm lem. Bà cười rất tươi khiến những nếp nhăn của thời gian bị xóa nhòa đi, nhường chỗ cho những dấu tích của một nhan sắc mặn mà mấy mươi năm về trước.
Thấy người con trai gọi mẹ và ra đỡ chiếc cuốc trên vai bà, chúng tôi biết bà chính là người bị dân làng đồn thổi là thuộc dòng họ bị ma cà rồng nhập xác. Dừng chân trò chuyện hỏi thăm mùa màng, chúng tôi nhận thấy người đàn bà thân thiện, hiếu khách này chẳng khác gì những người phụ nữ Tày chân chất, thật thà mà chúng tôi từng gặp trước đó.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Quang Vịnh – chủ tịch mặt trận tổ quốc xã Ngọc Hội – cho biết: "Từ 1994 trở về trước, có nhiều tin đồn về ma cà rồng trên địa bàn xã tôi. Nghe người xưa truyền lại thì dòng họ Hà nhà vợ ông T. ở thôn Bản Cải có ma cà rồng. Điều đáng chú ý là con gái trong dòng họ Hà đều xinh đẹp tuyệt trần và nổi tiếng khắp gần xa về nhan sắc. Họ là những cô gái da trắng, môi hồng, tóc đen mượt chảy dài như suối. Thế nhưng, chỉ vì lời đồn đại tai ác trên mà con gái trong cả dòng họ Hà ở khu vực Xuân Quang đó không lấy được chồng.
Từ thời phong kiến cho đến tận cách đây mấy năm, vẫn không có ai dám lấy những người con gái đẹp đó cả. Những người con gái họ Hà đều phải bỏ đi nơi xa không ai biết đến để lấy chồng và mưu sinh. Bà Hà Thị B. (vợ ông T.) và người chị gái Hà Thị T nhan sắc hơn người cũng đều chịu chung số phận.
Theo lời mách của các cụ cao niên, bố mẹ bà B gả 2 chị em bà cho 2 người đàn ông đều làm bụt (thầy cúng) trong bản làng. Tương truyền, chỉ có những ông tạo, ông bụt thì mới đủ quyền phép để chế ngự và giải trừ loại ma này trong thân xác những người đàn bà nhan sắc. Sau khi lấy nhau, vợ chồng ông bụt T. sinh được hai người con gái cũng sắc nước, hương trời. Tuy nhiên lời đồn đầy ám ảnh đó vẫn đẩy các cô phải đi lấy chồng xa và chồng các cô đều là những người có trí thức, hiểu biết, đang công tác tại các cơ quan nhà nước".
Ông Vịnh còn cho biết thêm, vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước, với vai trò là cán bộ văn hóa của xã, ông đã đi sâu vào đời sống của bà con dân tộc Tày tại địa phương để tìm hiểu những lời đồn đại về loại ma cà rồng gây ra không ít những sóng gió trong cuộc đời của những người con gái đẹp.
Theo những gì ông Vịnh thu thập được thì những người phụ nữ bị cho là ma nhập ban ngày vẫn sinh hoạt bình thường như những người khác, chỉ đêm xuống họ mới đi lang thang ngoài bờ sông, bờ suối, nhặt những thứ xú uế để ăn. Ông Vịnh nhớ lại: "Thời gian đó tôi vừa ở quân đội về, nghe người ta đồn đại vậy thì tìm hỏi thử những người hay đi chơi đêm. Họ chỉ biết thường bắt gặp ma cà rồng đi dọc bờ suối vào buổi đêm, lưỡi thè ra đỏ lòm, tóc rũ rượi phủ ngang lưng. Thế nhưng cứ thấy bóng người là chúng lặn mất".
Theo lời ông Vịnh thì có một sự trùng lặp là cứ mỗi lần những người bị cho là ma cà rồng nhập chuẩn bị đến chơi nhà ai thì đêm trước đó, gà lợn trong nhà người được đến thăm bỗng dưng vài con lăn ra chết. Những nhà có trẻ sơ sinh bỗng nhiên khóc ngằn ngặt lúc nửa đêm. Chính những sự trùng hợp này đã làm những hoang tin về loài ma kinh dị này ngày càng loang ra khắp chốn cùng nơi, đi từ bếp lửa bập bùng trong những ngôi nhà sàn ấm cúng đến những khu rừng vắng vẻ thưa thớt dấu chân người.
Ngoài loài ma cà rồng đáng sợ trên ra, ông Vịnh cho biết người Tày trong xã ông còn sợ hãi loài ma gà cũng được tổ tiên truyền lại. Trong xã Ngọc Hội cũng có một người đàn bà quê ở Chợ Đồn (Bắc Cạn) xuống làm dâu ở đây bị cho rằng thuộc dòng họ có ma gà.
Người ta đồn rằng người đàn bà này cứ đến nhà ai thì nhà đó khó nuôi gà hoặc đàn gà đang sống khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra chết cả. Có một vài lần trùng hợp, chị này đến nhà người ta chơi và gà nhà đó bỗng dưng lăn ra chết. Mổ con gà chết ra thì thấy gan bị sưng lên. Thế nhưng người dần không tin vào những giải thích khoa học của ngành thú y mà chỉ đổ riệt tội lỗi lên đầu người đàn bà khốn khổ.
Từ đó, người dân trong xã Ngọc Hội đồn rằng, nguồn gốc của loài ma gà bắt nguồn từ Chợ Đồn (Bắc Cạn). Vì vậy, đàn ông lấy vợ trên đó thì phải cẩn trọng và xem xét kỹ càng. Nếu yêu cô nào mà được một thời gian gà quê trong nhà tự dưng lăn ra chết thì chắc chắn là ma gà.
Tinh ý hơn thì vào nhà cô gái, để ý trên bàn thờ tổ, nếu thấy có treo túm lông gà thì đích thị là dòng họ có ma gà. Những dòng họ này vì lời tổ tiên truyền lại nên muốn tránh tai họa thì buộc phải thờ lông gà và cứ mỗi mùng 1, ngày rằm hàng tháng phải cắt tiết một con gà rồi đem chôn sống cúng ma.
Chính vì sự mê muội đó mà không ít đôi uyên ương bỏ nhau, không ít gia đình tan vỡ hạnh phúc chỉ bởi một đợt… cúm gà hoặc một túm bụi lủng lẳng nơi bàn thờ dễ gây nhầm lẫn.
Theo Dòng đời