Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi ghé thăm lại Truông Bồn - nơi lưu giữ bản hùng ca bất tử trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mặc dù, đã nhiều lần ghé nơi đây, nhưng mỗi lần nghe nữ thuyết minh kể lại những câu chuyện xúc động về Truông Bồn chúng tôi lại có cảm xúc khó tả. Với giọng nói đậm chất Nghệ, truyền cảm, chị Phạm Thanh Hảo - thuyết minh viên Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn đã đưa chúng tôi ngược dòng thời gian, về quá khứ, để cảm nhận và hiểu hơn về địa danh lịch sử.
Năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Bị thất bại lớn ở các chiến trường, địch chuyển sang ném bom, đánh phá ác liệt. Phát hiện tuyến đường 15A, trong đó có huyết mạch Truông Bồn là tuyến đường vận tải mặt đất quan trọng, Mỹ tập trung bom đạn hòng hủy diệt cung đường này. Cung đường Truông Bồn trở thành “cửa tử”, là “túi bom, hứng chịu sự phá hoại ác liệt của không quân Mỹ.
Chỉ riêng trong vòng bốn năm, từ năm 1964 đến năm 1968, tuyến đường này đã phải hứng chịu 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa. Dẫu vậy, hàng vạn chiến sĩ, bộ đội, công nhân giao thông, TNXP và nhân dân vẫn bám trụ ngoan cường, đội mưa bom để đánh địch, nối đường, bảo đảm thông đường cho những chuyến xe chở hàng ra tiền tuyến. 1.240 người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại mảnh đất thiêng liêng này với con đường 15A huyền thoại.
4 giờ sáng ngày 31/10/1968, khi chỉ còn ít giờ nữa Mỹ phải ngừng ném bom trên toàn miền Bắc, một tốp 4 chiếc máy bay Mỹ đã trút xuống Truông Bồn 2 loạt với 238 quả bom. 13 trên tổng số 14 chiến sĩ “Tiểu đội cảm tử”, “Tiểu đội cọc tiêu sống” anh hùng thuộc Đại đội TNXP 317 đã dũng cảm hy sinh.
Sau trận bom tàn khốc, đồng đội lao ra tìm kiếm, tìm mãi, gọi mãi nhưng không một ai trả lời, từng lớp đất, hòn đá được lật tung. Trong nỗ lực đó, đồng đội tìm thấy chị Trần Thị Thông bị vùi sâu bên cạnh hố bom và vẫn còn cơ hội sống sót, còn lại 13 chiến sĩ thân thể đã hòa lẫn vào đất đá, cỏ cây. Tất cả những gì tìm được chỉ là những phần thi thể không còn nguyên vẹn hình hài. Nén nỗi đau, đồng đội gom về những mẫu xương thịt trộn lẫn bùn đất, không biết được của ai, đành ngậm ngùi đắp cho các chị, các anh một ngôi mộ chung… Ngôi mộ được đặt tên là ngôi mộ của 13 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 317.
“Họ ngã xuống ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Chị Nguyễn Thị Hoài vừa tròn 17 tuổi, chị Nguyễn Thị Tâm nhiều nhất cũng chỉ mới 22 tuổi. 13 chiến sỹ hy sinh có 8 người đã được xuất ngũ nhưng vẫn tình nguyện ở lại làm việc với đơn vị 1 ngày cuối cùng. Trong đó có 5 chị chuẩn bị bước vào giảng đường, giấy báo nhập học vẫn đang còn gói trong chiếc khăn mùi soa. Đau đớn, xót xa nghĩ về câu chuyện tình yêu của anh Cao Ngọc Hoà và chị Nguyễn Thị Tâm, hai anh chị đã bí mật yêu nhau suốt 3 năm ròng, hẹn ngày hoà bình, về quê làm đám cưới. Ngày anh chị hy sinh ở quê nhà không ai biết nên vẫn tổ chức lễ ăn hỏi. Lễ ăn hỏi vừa hoàn thành xong, khoảng 10h cả hai gia đình nhận được tin hai con của mình hy sinh ở Truông Bồn. Tâm ơi, con nỏ về quê mẹ vắng cô dâu, anh Hoà ơi lời hẹn với chị Tâm nơi suối vàng có hạnh phúc? Đau xé ruột gan nhìn mẹ cha khóc, xót thương con không nguyên vẹn hình hài”, nhiều du khách rưng rưng trước lời kể của chị Hảo.
Có những nỗi đau không thể nói thành lời, có những hy sinh không sử sách nào ghi hết. Họ đã gạt qua bao nhiêu nước mắt, nỗi nhớ niềm thương để sống và chiến đấu vì lý tưởng chung của cả dân tộc. Họ đã lấy máu xương, tuổi thanh xuân cao quý của mình để hiến dâng cho tổ quốc và làm nên một huyền thoại Truông Bồn.
“Năm nào vào dịp tháng 10, chúng tôi cũng ghé Truông Bồn thắp nén nhang kính dâng lên các anh hùng liệt sĩ. Nhiều lần nghe các thuyết minh kể chuyện về những anh hùng liệt sỹ Truông Bồn nhưng lần nào cũng xúc động, rưng rưng nước mắt, cảm xúc khó tả. Xin kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ và biết ơn các chị, các anh đã ngã xuống trên mảnh đất này”, ông Hà Ngọc Hùng, 67 tuổi, trú tại Quảng Trị cho biết.
Truông Bồn đã trở thành vùng đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của lực lượng thanh niên xung phong, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Địa danh Truông Bồn đã đi vào lịch sử, trở thành một dấu son, là niềm tự hào của các thế hệ người dân Việt Nam. Các anh, các chị đã mãi mãi dừng lại ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. Họ đã mãi nằm lại trong lòng đất mẹ sau khi hiến dâng trọn vẹn tình yêu cho Tổ quốc, viết lên một huyền thoại cho mảnh đất Truông Bồn.
Ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn cho biết, những ngày qua có rất đông du khách trên mọi miền tổ quốc về Khu di tích. Trung bình mỗi ngày đón khoảng hàng nghìn du khách. Những ngày này, ban quản lý tập trung tối đa nhân lực đón tiếp các đoàn khách về một cách chu đáo, trang trọng nhất. Truông Bồn đã trở thành một "địa chỉ đỏ" thu hút một lượng lớn du khách đến dâng hương mỗi năm.