Nếu miền Nam là vùng đất của nghĩa tình, được lưu chảy trong máu và hơi thở của những lưu dân mở cõi và tiếp tục hòa kết, sinh sôi, làm nên phẩm chất của con người Nam Bộ chân chất, thì nay vùng đất này lại đón nhận sự nghĩa tình, yêu thương từ mọi miền đất nước, trong đó có những người dân miền Trung. Chúng tôi chỉ nghĩ đến thôi mà sao ướt đôi khoé mắt, sống mũi thấy cay cay.
Không cay mắt sao được bởi TP.HCM và các tỉnh miền Nam vốn dĩ từ bao đời đã được ví như người “anh cả” luôn sẵn sàng rộng lòng bao dung, cưu mang, che chở, vỗ về cho muôn người tứ xứ tìm về nơi đây mưu sinh, nuôi sống gia đình... TP.HCM và các tỉnh miền Nam cũng là nơi “chủ công” hàng đầu không biết bao nhiêu lần chung tay góp sức chia sẻ cùng bà con miền Trung đi qua những ngày thiên tai, bão lũ.
Giờ đây, nghe tin TP.HCM và các tỉnh phía Nam “đổ bệnh", nỗi buồn này không của riêng ai… Với tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, người dân trên mọi miền đất nước đã nêu cao tinh thần chung tay góp sức, chia sẻ khó khăn cùng TP.HCM và các tỉnh phía Nam ruột thịt trong những ngày dịch bệnh.
Những ngày này, cả khuôn viên của khối mặt trận tại huyện miền núi Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh chất đầy những bao gạo, rau củ quả.. Từ cơ quan đoàn thể, chính quyền đến địa phương, công an, quân đội, giáo viên, đoàn viên... đã nhiệt tình quyên góp mua nhu yếu phẩm, cho đến những cụ già lom khom tay cầm quả mít, bó rau,... cũng mang đến quyên góp. Đó đều là những món quà người dân huyện Hương Sơn gửi đến người dân miền Nam.
Nghe thông tin ở TP.HCM đang thực hiện giãn cách để phòng dịch Covid-19, bà con thôn Quyết Tâm, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cũng hưởng ứng nhiệt tình lời kêu gọi ủng hộ mong mọi người vượt qua khó khăn.
Ông Võ Quang Hiệu, 59 tuổi, trưởng thôn Quyết Tâm trải lòng, mỗi lần quê hương hương gặp hoạn nạn hay lũ lụt đều nhận được sự ủng hộ của mọi người trong miền Nam. Nay, mọi người gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 nên ông kêu gọi quyên góp thực phẩm, rau củ để gửi tặng bà con ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam.
“Tình thương yêu, chia sẻ bớt khó khăn trong mùa dịch Covid-19 là lý do để chúng tôi kêu gọi bà con trong thôn và các địa phương lân cận quyên góp. Đó cũng là tấm lòng mà thôn chúng tôi muốn dành tặng mọi người đang bị ảnh hưởng bởi Covid-19”, ông Hiệu trải lòng.
Tại Quảng Bình, bà con phường Phú Hải, TP.Đồng Hới bịt khẩu trang kín mít, hạn chế giao tiếp và tự tay rang lạc, phi hành… rồi làm nên những mẻ cá khô chất lượng. Không chỉ cá khô, chà bông mà những ngày qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng góp gạo, nông sản… gửi vào cho người dân các tỉnh phía Nam vượt qua những ngày giãn cách khó khăn.
Đặc biệt, nhiều nông dân tại các xã miền núi ở tỉnh Quảng Bình vào rừng hái măng về chế biến măng chua gửi đến các điểm quyên góp.
Miền Trung là thế, ấm lòng, vị tha và luôn trăn trở với khó khăn của người khác. Bởi, hơn ai hết, dải đất hẹp, eo thắt đến tận cùng với "chiếc đòn gánh trĩu oẳn" thấu hiểu những khó khăn của nghèo khó, thiếu thốn lương thực, thực phẩm.
Những món quà này không chỉ góp phần chia sẻ những bữa ăn cho người dân trong thời điểm dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp ở miền Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, mà còn là sự tri ân, cái nắm tay động viên nhau vượt qua dịch bệnh.
Có lẽ chưa bao giờ, cả nước lại hướng về miền Nam nhiều như lúc này. Trong đó, có tấm lòng, nghĩa cử của bà con miền Trung… Chia sẻ với người viết, bà Nguyễn Thị An (68 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) trải lòng: “Những chuyến xe của bà con miền Trung gửi miền Nam không chỉ là lương thực, thực phẩm, mà còn là sự sẻ chia, cái nắm tay với lời nhắn: Chúng tôi vẫn ở đây, vẫn luôn hướng về các bạn. Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau...".
Những hối hả, nhiệt thành, tận tâm của chị em phụ nữ, các cô cậu thanh niên trẻ trung, cả các mệ, cụ ông lớn tuổi và nhiều bạn nhỏ đã gửi đến miền Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là thứ tình yêu nhiệm màu. Nhiều người dân miền Nam, trong đó có chúng tôi gọi đó là trầm tích tình yêu...
Chắc chắn rằng, giá trị tốt đẹp mà người miền Trung đang hướng về TP.HCM, về miền Nam là sự đền đáp tiếp nối. Đó là những giá trị đẹp của tình ruột thịt, nghĩa đồng bào luôn thường trực trên mảnh đất dải chữ S này. Tấm lòng của người dân cả nước hướng về TP.HCM, các tỉnh phía Nam là động lực lớn tiếp thêm sức mạnh để người dân yên tâm chống dịch.
Những chuyến xe chở lương thực đong đầy nghĩa tình vẫn tiếp nối chạy vào miền Nam. Hẹn một ngày gần nhất, chúng ta sẽ lại gặp nhau nơi thành phố mang tên Bác, cùng ngồi nhâm nhi ly cafe vỉa hè, ngắm thành phố khỏe, năng động, hối hả… cùng lắng nghe tiếng rao đêm qua những con phố dài quên ngủ!
Phi Long - Đào Tân