"Ngôi nhà chung" 50 người
Ẩn mình dưới chân những tòa nhà cao tầng, đằng sau nhiều khu đô thị sang trọng với ánh đèn màu rực rỡ là những căn nhà không thể gọi là nhà. Nơi đó là chốn cư ngụ của hàng trăm cảnh đời khác nhau, mỗi người một số phận, nhưng họ đều chung cảnh tha hương cầu thực, bị gánh nặng cơm áo đeo bám.
Dưới cái lạnh căm căm, theo chân người phụ nữ bán hàng rong, tôi đến với khu trọ của chị nằm sâu trong ngõ Cống Trắng trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội). Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng khi đến nơi tôi không khỏi xót xa về cảnh sống của người lao động nơi đây. Khu nhà trọ gồm hai tầng, thực chất là căn nhà hoang do chủ nhà tận dụng để cho thuê, trở thành nơi sinh hoạt của gần 50 người. Không khí ngột ngạt bốc lên từ những đống phế thải được thu gom về đây khiến tôi không khỏi rùng mình.
Bước sâu vào thế giới của những người lao động, tôi mới thấm thía cái gọi là "nhà ổ chuột". Những chiếc lều nhỏ được dựng lên tạm bợ biến ngôi nhà hoang thành khu trọ 5 phòng. Mỗi phòng rộng không quá 10m2, được ngăn cách với nhau bởi những tấm tôn rách nát, ố vàng, cột lại bằng dây thép, mái lợp phờ rô nham nhở miếng vá. Mỗi phòng có 8 đến mười người chen chúc... mùi xú khí luôn xộc lên nồng nặc.
Tôi vào thăm phòng của chị Nguyễn Thị Út (34 tuổi), quê Thái Bình. Đang là giờ nghỉ nên mọi người đều có mặt ở nhà. Căn phòng có bề ngang chưa đến 1,5m, dài khoảng 6m được ghép bằng những mảnh gỗ mục và tôn cũ. Dưới đất bày la liệt các vật dụng như bếp than tổ ong, xoong chảo hoen ố, chiếc ấm nhôm méo mó, vài bộ quần áo nhàu nát, chiếc xe đạp cũ... Khoảng trống bên cạnh với manh chiếu rách và vài mảnh gối đã xỉn màu cuộn tròn lại, trên đầu chằng chịt dây rợ treo đủ thứ lỉnh kỉnh. Thế nhưng nó lại là "biệt thự" cho chị Út và gần chục người giữa chốn Hà thành đắt đỏ. Chị cho biết có một nơi trú thân như thế cho cả gia đình là may mắn lắm rồi.
Người lao động vất vả gánh hàng thuê
Chồng chị Út làm nghề xe ôm, thường ngủ ngoài đường, đôi khi về nhà không có chỗ ngủ thì anh dựng xe dưới con hẻm nhỏ đánh một giấc tới sáng. Khi được hỏi sinh hoạt, ăn uống ra sao giữa không gian chật hẹp và ẩm mốc như thế, chị Út cười nói: "Mọi người thay nhau ngủ, người này ngủ thì người kia đi làm. Nấu ăn bằng bếp than nên cũng dễ. Đến bữa, tôi bê bếp ra trước hẻm, nấu xong lại bưng cất vào trong góc. Ăn cơm thì mỗi người cầm một tô, tìm chỗ nào rộng rãi mà ăn. Thế là xong bữa".
Tăm tối, bẩn thỉu và chật hẹp là điểm chung của 5 phòng trong khu trọ này. Những mảnh tôn cũ, vài tấm bìa carton rách nát được gia cố, thỉnh thoảng lại trở mình phát ra tiếng kêu lạch cạch trước cơn gió cuối đông bất chợt ùa về...
"Tết này chỉ mong con không đói..."
"Ngôi nhà chung" 50 người thì có đến 47 người là phụ nữ, người trẻ nhất mới 15 tuổi. Họ đến từ những miền quê khác nhau: Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên... lên Hà Nội kiếm sống. Đa phần phụ nữ làm nghề buôn đồng nát, nhặt rác, một số đàn ông chạy xe ôm và bốc vác. Mỗi người một số phận, một cảnh đời.
Trong lời kể đứt quãng, anh Nguyễn Văn Họa cho biết quê mình ở Nam Định, tha hương ra Hà Nội kiếm sống, nay đã được ngót chục năm. Hàng ngày chạy xe ôm, anh cũng kiếm được vài chục ngàn đủ trang trải cho cuộc sống.
"Ở lâu trong cái khó mọi người cũng quen dần. Nhà ở chật một chút nhưng bớt được phần nào tiền trọ là hay rồi. Mình cũng chỉ cần cái chỗ để ngả lưng thôi. Cả năm làm việc cứ nghĩ đến Tết là sợ. Cũng sắp Tết rồi, phải cố giành dụm, kiếm thêm ít tiền về quê, ít nhiều có đồng quà tấm bánh biếu ông bà. Còn lũ trẻ nữa, chúng đang tuổi ăn tuổi lớn, cả năm mới có cái Tết, cũng phải sắm cho chúng bộ quần áo mới để bằng bạn bằng bè chứ", anh Họa tâm sự.
Anh Họa cho biết, trời lạnh căm căm vẫn phải đứng gió đội sương ngoài đường tìm việc, lạnh nhưng vẫn phải gồng mình để kiếm tiền. "Cuối năm khó khăn, có khách đi là còn may, chứ có khi cả ngày chẳng được cuốc nào", anh tâm sự. Ngày ngày rong ruổi trên những con phố, khiến người anh Họa nhỏ thó, nước da đen sạm, tím tái trông đến khổ sở.
Chị Phạm Thị Yến (34 tuổi) lại có một cảnh đời khác. Quê ở Thanh Hóa, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng mất sớm, ba đứa con thơ dại, nên gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai chị. Không còn cách nào khác để thay đổi cuộc sống, chị đành ra Hà Nội kiếm ăn bằng nghề nhặt rác. Thời gian làm việc của chị trái với những người khác, thường bắt đầu từ 4h chiều và kết thúc lúc 3h đêm.
Với chiếc xe đạp cũ kỹ, chị Yến rong ruổi trên những con phố thân quen quanh Hà Nội lượm nhặt những thứ có thể bán được, từ vỏ lon bia, chai nhựa, sắt vụn cho đến những thanh củi tận dụng để nấu ăn. Nhọc nhằn suốt đêm nhưng kiếm được chẳng bao nhiêu.
Chị tâm sự: "Tưởng ra thành phố đông dân cư và sầm uất thì cơ hội việc làm dễ, nhưng ra đến đây rồi mới hiểu kiếm được miếng ăn khó vô cùng. Tôi đã thử đi làm nhiều nghề từ phụ bán hàng, phu hồ, đổ bê tông đến giúp việc gia đình nhưng ở đâu cũng không trụ được lâu vì người thuê họ chỉ muốn vắt kiệt sức lao động của mình. Chán cảnh làm thuê, làm mướn tôi chuyển sang nhặt đồng nát".
Chị kể tiếp: "Mấy năm trước làm ăn còn tạm, năm nay cái gì cũng khó, có khi đồ đáng vứt đi nhưng họ cũng không cho. Tết này chỉ mong các con tôi không đói... Buôn bán khó khăn đã đành, có những hôm phải tranh giành mới mua được cân báo cũ. Với những người hay kỳ kèo, đanh đá, vừa bán vừa chửi mà mình vẫn phải tươi cười. Lặn lội ngày đêm cực khổ là thế nhưng cứ nghĩ đến con, đến ngày Tết đang cận kề mà trong nhà đến gạo cũng phải "ăn trước trả sau" nên tôi phải nín nhịn".
Những người lao động đang tranh thủ ăn cơm trong ngôi nhà chung
Phải rời gia đình, ra Hà Nội lang thang kiếm sống, xa làng quê, xa cha mẹ, xa chồng con và người thân, các chị luôn thiếu thốn về mặt tình cảm. Điều giúp họ trụ vững nơi đây là kiếm được đồng ra đồng vào gửi về cho gia đình trang trải. Vậy mà đồng tiền họ kiếm được chỉ bằng một phần mười công sức bỏ ra.
Chị Hồng (36 tuổi), quê Thái Bình, gần chục năm gánh hoa quả thuê ở chợ Thái Hà tâm sự: "Gánh từ 2h đến tận 7h sáng mới được nghỉ ngơi. Về xóm trọ ăn tạm bát cơm rồi ngả lưng xuống nghỉ, đến gần trưa lại lang thang khắp các con đường để nhặt rác, thu gom phế liệu, buôn đồng nát. Gánh hoa quả nặng bốn năm chục cân cũng chỉ được trả công 5 nghìn đồng. Cơ cực thế mà có được vài ngàn đồng tiền lẻ cũng đâu có dễ gì".
Chị Hương (28 tuổi), quê Hưng Yên tiếp lời: "Kiếm được đồng tiền vất vả là thế, nhưng nếu như gặp phải bọn nghiện "xin đểu" coi như trắng tay. Nhiều lúc mắt mờ đi vì đói, đôi chân rệu rã quỵ, nhưng nghĩ thương các con ở nhà tôi vẫn phải bước tiếp". Chị ngâm ngùi: "Ở xóm trọ này mỗi người một hoàn cảnh. Cũng vì gánh nặng áo cơm, chúng tôi mới phải ra đây làm ăn. Nhiều khi đi bới rác bị chửi là con nhà quê, tủi hổ vô cùng. Mình cũng chỉ biết quay đầu bước đi mà khóc thầm trong lòng".
Giữa chốn thị thành náo nhiệt đầy bon chen, những người lao động ngoại tỉnh đang phải oằn mình kiếm từng đồng ít ỏi những mong có được cái Tết no ấm. Tết đang đến gần, mong ước giản đơn về một cái Tết ấm cúng với vài chiếc bánh chưng, bộ quần áo mới cho con, đồng quà tấm bánh mừng tuổi cha mẹ... liệu có quá xa vời?...
Anh Đức