Nơi này ở địa bàn xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh), thuộc lâm phần do Công ty TNHH một thành viên Lâm Nghiệp Trầm Hương quản lý.
Từ bìa rừng thuộc thôn Sông Chò (Cư San, M”Đrắk, Đắk Lắk), sau hơn 2 giờ đi bộ leo dốc, lội suối dưới những tán rừng rậm, chúng tôi đến khu rừng Đông Ha, thuộc địa bàn xã Khánh Bình. Qua một con dốc đứng, cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là những vạt cây rừng bị chặt ngã ngổn ngang, đốt cháy đen.
Trên một khu vực trải rộng ba triền núi, mọi cây lớn, cây nhỏ đều bị cưa hoặc chặt ngã. Rừng xanh đã thành rừng đen.
Người dẫn đường cho chúng tôi là anh Triệu Văn Phúc, dân tộc Dao, công an viên xã Cư San bàng hoàng, không ngờ mức độ tàn phá rừng lại khủng khiếp đến vậy.
Có nhiều cây cao đến 20 m, đường kính gốc một người ôm. Khi Công ty Lâm Nghiệp Trầm Hương phát hiện việc chặt phá rừng ở tiểu khu 105, đã có hơn 25,3 ha rừng giàu và rừng non tái sinh ở đây bị chặt phá trắng, làm thiệt hại khoảng 6.300 m3 gỗ.
Theo ông Thanh, có thể người dân xã Cư San phá rừng ở tiểu khu 105 để làm rẫy. Để ngăn chặn việc này, Kiểm lâm đã gắn nhiều bảng cấm đốt phá rừng, làm nương rẫy. Dù được gắn ở độ cao gần 3 m, bảng cấm này vẫn bị xóa mất chữ C và bắn đạn ria (đạn súng tự chế) vào.
Tiếp giáp với khu vực 25 ha rừng vừa bị phá là khu nương ngô của đồng bào dân tộc Mông, xã Cư San.
Những dấu vết còn lại ở nương ngô cho thấy, cách đây ít lâu nơi này còn là rừng già. Xã Cư San có 99% dân số là người dân tộc phía Bắc di cư vào, năm 2007 có 4.500 dân, hiện nay đã có 7.000 dân. Với tình trạng tăng dân số rất nhanh do di dân tự do, không ai dám chắc, nạn phá rừng làm rẫy ở đây sẽ chấm dứt.
Theo Tiền Phong