Những ngày sau đó, sự kiện "Running Man" đã phủ sóng khắp các mặt báo từ trong nước đến quốc tế, gây sốt trên các diễn đàn mạng xã hội, len lỏi vào các câu chuyện phiếm vỉa hè. Đã có nhiều ý kiến khen ngợi Arsenal nhanh nhạy với một tình huống bất ngờ để tận dụng cơ hội quảng bá cho mình. Điều này không sai. Tuy nhiên, với một thương hiệu lớn như Arsenal, việc quảng bá thêm cho mình thì hiệu quả cũng khó có thể đo đếm được.
Bài viết này xin tập trung vào một chi tiết ít người chú ý đến, đó chính là cách làm của anh chàng Running Man, như một bài học về cách tạo sự khác biệt để đạt được thành công.
Nhân vật chính trong sự kiện này là chàng trai Vũ Xuân Tiến (20 tuổi, sinh viên, đến từ Hải Dương) là một fan hâm mộ câu lạc bộ Arsenal ở Việt Nam. Cách làm của Xuân Tiến là: chạy bộ theo xe chở đội Arsenal hơn 8 km (5 dặm) để bày tỏ tình yêu và lòng ngưỡng mộ với đội bóng này. Đây là việc không phải ai cũng làm được và đủ kiên trì để thực hiện. Rồi anh chàng được mời lên xe và những gì diễn ra sau đó thì ai cũng đã biết.
Nếu coi Arsenal là một khách hàng VIP và anh chàng Running Man là một người bán hàng đang cố gắng marketing sản phẩm (là bản thân anh ta), thì chắc chắn trong tình huống này, Running Man đã thành công nhờ biết làm theo cách khác biệt.
Về lý thuyết, marketing tạo sự khác biệt sẽ thành công khi sản phẩm hội tụ đủ 3 yếu tố “Cool”, “Wow”, và “Twist”. Các yếu tố này giúp sản phẩm được chấp nhận và phổ biến nhanh chóng hay nói cách khác, các yếu tố này giúp cho người mua truyền đạt lại cho những khách hàng tiềm năng khác những lý do tốt nhất khiến họ chọn mua sản phẩm. Và "Running Man" của Việt Nam đã vô tình làm tốt cả 3 việc của một chuyên gia marketing khéo léo và tài tình.
COOL có nghĩa là ‘đúng’, hợp thời trang, đúng thời điểm và thậm chí có một chút sắc sảo. Rõ ràng, yếu tố đúng thời điểm và địa điểm đã mở đầu cho câu chuyện thành công của Running Man.
Chàng Running Man 20 tuổi đã cho biết: “Mình không hề chuẩn bị gì cả, chỉ cố gắng mặc áo Arsenal và mang theo 1 chiếc bút dạ để nếu có cơ hội sẽ xin chữ ký các cầu thủ… Khi biết các cầu thủ Arsenal sẽ đến Hồ Gươm, mình đã tới đó từ trước và đứng đợi ở Tháp Bút”. Nghĩa là mặc dù không có sự chuẩn bị cho việc ‘chạy marathon’ kiểu Running Man, nhưng anh chàng này có chuẩn bị rất tốt về thời gian, địa điểm và ‘đạo cụ’ cho kế hoạch gặp mặt ‘khách hàng’ của mình.
WOW có nghĩa là khuấy động nỗi sợ hãi và vì thế bị cuốn hút vào những thiết kế lạ hay những buổi trình diễn đáng chú ý hơn cả mong đợi. Có thể thấy trong đoạn Video, các tuyển thủ Arsenal đã rất phấn khích khi ban đầu có đến 1 nhóm các fan trẻ đuổi theo đoàn xe của họ, thậm chí có người còn bị vấp ngã khi rượt đuổi. Họ bị cuốn hút, cả người hâm mộ (những người bán hàng) và thần tượng (khách hàng VIP) đều bị kích thích, cuốn hút vào hiện tượng ‘lạ’ này. Đó là một ‘buổi trình diễn’ trên phố phường Hà Nội chiều hôm ấy. Tất nhiên, tham gia trong đoàn người này, Running Man trong tư thế dẫn đầu (theo video quay lại). Và nghiễm nhiên, người bán hàng này đã khiến các khách hàng của mình tò mò, chú ý và có phần thích thú.
TWIST có nghĩa là một điều gì đó đáng ngạc nhiên, hấp dẫn, gây tò mò và thường ở trạng thái kinh ngạc. Sẽ không có chuyện gì xảy ra ngoài video Arsenal quay lại cảnh người hâm mộ Việt Nam đuổi theo xe của họ, nếu Running Man dừng lại như tất cả các fan hâm mộ khác trước đó (những người bán hàng kém duyên – bị ngã và thiếu kiên nhẫn). Mà việc đội bóng xứ sở sương mù ghi lại các khoảnh khắc trong bất cứ chuyến du đấu nào, chỉ là thói quen. Chúng sẽ chỉ là mớ tư liệu bình thường, thậm chí có phần hài hước.
Vấn đề nằm ở chỗ, Running Man vẫn kiên trì và nỗ lực, liên tục đập cửa xin chữ kí và ứng biến linh hoạt khi đi nhờ xe máy để đuổi kịp đoàn, với vẻ mặt hào hứng và nụ cười tươi rói trên môi suốt quãng đường 8km (5 dặm).
Cách đây 2 năm, Kangaroo cũng trở thành một case study điển hình về cách thức marketing khác biệt bằng cách dội bom quảng cáo xuất hiện liên tục 54 lần trong suốt giờ nghỉ giữa hiệp một trận bóng đá (chưa đầy 15 phút) với một khẩu hiệu duy nhất: máy lọc nước hàng đầu Việt Nam. Hay Masan tung ra sản phẩm Omachi tấn công thành công phân khúc mì ăn liền cao cấp với khẩu hiện định vị đơn giản “Không sợ nóng”, đánh trúng tâm lý sợ bị nóng khi ăn mì bấy lâu nay.
Quay lại câu chuyện của Running Man
Anh chàng này đã làm tốt 3 nhân tố cho một chiến lược marketing tạo sự khác biệt. Điều quan trọng hơn là sau khi marketing, Arsenal đã nhận ra đó còn là một ‘sản phẩm’ rất tốt - một nam thanh niên trẻ trung (20 tuổi), có gương mặt điển hình của người Việt, bảnh bao, thân thiện, có thể hình đẹp của một người yêu thể thao. Tất cả đã khiến các khách hàng của Running Man không thể làm ngơ được nữa.
Những Pháo thủ thành London đã dựng hẳn thành một câu chuyện về "The Running man" và đem hình ảnh của cậu đi quảng bá khắp thế giới. "Nếu bạn thực sự muốn theo đuổi giấc mơ của mình, điều đó có thể xảy ra. Hôm nay điều đó đã xảy ra với anh ấy" là thông điệp mang đầy tính nhân văn của họ. Và khi đó, hiệu ứng đã đảo ngược, các tuyển thủ Arsenal hồ hởi chào đón Running Man của mình như một người hùng.
Thành công của chàng trai Việt Nam đã tiến xa hơn rất nhiều dự tính ban đầu chỉ là marketing ‘bản thân’ nhằm tiếp cận khách hàng của cậu. Kết quả là, Running Man đã khiến chính khách hàng VIP nhất phải quay lại marketing hình ảnh của mình đến mọi người. Còn vị khách hàng VIP này ‘mạnh vì gạo, bạo vì tiền’ và nổi tiếng ra sao thì ai cũng biết.
Chiều qua 17/7/2013, chỉ vài giờ trước trận đấu giao hữu với đội tuyển Việt Nam, Giám đốc điều hành, Giám đốc marketing Arsenal và ông Wenger đã làm việc trực tiếp với “running man” Vũ Xuân Tiến tại khách sạn.
Ông Wenger đã đề nghị chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức hỗ trợ để đưa Xuân Tiến sang sân Emirates nước Anh xem Arsenal thi đấu một trận ở mùa giải tới. Thời gian có thể vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay.
Theo Infonet