Dạo một vòng quanh chợ Đồng Xuân dễ dàng tìm thấy hàng ngàn mặt hàng khăn có nguồn gốc không rõ ràng chiếm tỷ lệ rất cao đến 70 – 75% thị trường khăn hiện nay, còn lại là khăn có xuất xứ Việt Nam và các nước khác. Trong đó, khăn Việt Nam đa phần đến từ các doanh nghiệp lớn như Phong Phú, Quảng Phú, Bochang, Athena,…ngoài ra còn đến từ các làng nghề, cơ sở thủ công cũng góp một phần không nhỏ vào thị trường khăn Việt Nam này.
Khăn mặt "100% cotton" siêu rẻ
Phố Lãn Ông (Hà Nội) được gọi là "phố khăn mặt". Tại đây, bên cạnh các loại khăn mặt có uy tín, người ta còn bày bán đủ các loại khăn mặt, khăn tắm, khăn ướt của các cơ sở sản xuất thủ công hoặc nhập từ Trung Quốc, phần lớn không có nhãn mác.
Theo những tiểu thương ở đây thì , hiện nay những người bán lẻ thường nhập loại khăn mặt của Trung Quốc, hoặc khăn sản xuất thủ công không nguồn gốc vì loại này có giá thành thấp, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nên bán rất chạy. Còn khăn “xịn” chủ yếu để bán lẻ cho khách du lịch, và có mức tiêu thụ rất chậm.
Cùng với số khăn Trung Quốc, khăn được gia công bởi các xưởng sản xuất kém uy tín của Việt Nam cũng chiếm một thị phần khá lớn trên thị trường.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tất cả những khăn này đều được nhập qua đường tiểu ngạch. Trên từng chiếc khăn ngoài thông tin "100% cotton" không có thông tin về hoá chất tẩy, hoá chất nhuộm.
Tất cả các loại khăn Trung Quốc đều rẻ hơn nhiều so với khăn mặt Việt Nam sản xuất (Giá khăn Trung Quốc bán buôn chỉ từ 3000 - 4.500 đồng/chiếc, khăn gia công Việt Nam từ 4000- 5.500 đồng/chiếc ). Khi được hỏi về các loại phẩm màu mà khăn Trung Quốc có thể sử dụng, 100% các chủ hàng đều lắc đầu " ai mà biết được".
Khăn mặt không nguồn gốc bán nhiều ở chợ Đồng Xuân.
Có thể gây các bệnh về da
Về mẫu mã thì những chiếc khăn ngoài chợ không thua kém gì khăn cao cấp được bày bán trong siêu thị, tuy nhiên chất lượng thì khó đảm bảo bởi chất liệu làm khăn kém chất lượng và giá rẻ.
Hầu hết các loại khăn không rõ nguồn gốc, xuất xứ thường có đặc điểm chung là sợi bông mềm mịn, thiết kế đa dạng, màu sắc sặc sỡ, giá rẻ. Nhưng song song đó là các nhược điểm như sợi không thấm nước, ra bụi bông nhiều, sử dụng các phẩm màu nhuộm không rõ nguồn gốc, xuất xứ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Nhưng phần lớn người tiêu dùng vẫn có thói quen mua khăn tắm mà không quan tâm đến nhãn mác sản phẩm vì đa phần chưa hiểu hết được những tác hại khôn lường mà các sản phẩm khăn nhiễm các loại hóa chất độc hại độc gây ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Theo các bác sĩ tại bênh viện da liễu Trung ương cho biết, trong hai năm trở lại đây số bệnh nhân bị dị ứng da, nhiễm các bệnh về da do sử dụng khăn bông nhiễm các loại hóa chất độc hại, tạp chất đã tăng cao đột biến. khăn thường xuyên tiếp xúc với da, nếu sử dụng khăn kém chất lượng thì các khả năng gây bệnh về da sẽ dễ dàng lây lan gây tổn hại đến sức khỏe của người dùng.
Vì đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên sức khoẻ người tiêu dùng nên người sản xuất không ngần ngại sử dụng các nguyên vật liệu quá hạn sử dụng, màu sắc được nhuộm từ những hóa chất vô cùng độc hại. Có những trường hợp chỉ sau một tuần sử dụng khăn tắm kém chất lượng đã nổi mụn và gây dị ứng toàn thân.
Theo Chất Lượng Việt Nam