Mặt đau rát, phồng rộp
Mới đây, T. 23 tuổi, sống tại TP.HCM tốn gần 2 triệu đồng để lột tẩy da tại một spa. Tuy nhiên, sau khi liệu trình kết thúc, cô gái trẻ cảm thấy mặt đau nhức, phồng rộp.
Chia sẻ với báo chí, ThS. BS. Da liễu Phạm Thị Bích Na cho hay, đây là một trong những trường hợp tổn thương da nặng nề nhất mà chị từng tiếp nhận điều trị. Acid đã vượt qua lớp thượng bì gây bỏng sâu vùng da mặt, nếu không điều trị tốt sẽ có nguy cơ sẹo lõm, mất sắc tố trên da.
Trong 3 tuần đầu, bác sĩ không tác động bôi đắp mà chỉ tiêm chất tăng trưởng để tái tạo da, làm lành vết bỏng.
Khi da bắt đầu hồi phục, không còn đau rát, rỉ dịch, bác sĩ bắt đầu phối hợp thuốc uống, các vitamin hỗ trợ, bôi chế phẩm dưỡng ẩm bề mặt da, tiêm chất ly giải sắc tố kết hợp chiếu ánh sáng.
Sau quá trình điều trị gian nan kéo dài 3 tháng, nền da cô gái hồi phục khoảng 90%. Dự kiến mất thêm vài tháng bôi thuốc để da có thể trở lại bình thường.
Da sạm đen, bong tróc
Trước đó không lâu, P.L. (23 tuổi) cũng rơi vào cảnh làn da bị tổn thương nặng khi áp dụng phương pháp lột da Đông y.
Theo chia sẻ, P.L. là cô gái có ngoại hình xinh xắn, ưa nhìn và có một công việc ổn định. Cô gái cũng đang có mối tình đẹp với chàng trai mình yêu thương.
Tuy nhiên, chỉ vì nghe lời một người bạn đi lột da Đông y với giá 2 triệu đồng, P.L đã gặp phải sự cố đáng tiếc. Cụ thể, sau lần đầu tiên đi lột da, về nhà cô cảm thấy da mặt có gì đó “sai sai”.
Cô kiểm tra hai, ba lần trước gương và phát hiện da mình đang lột thật, nhưng từng mảng da bong tróc để lộ làn da sạm. Kèm theo đó là cảm giác bỏng rát, đau đớn.
P.L cảm thấy rất hoang mang, cô thấy hối hận và sợ khi nghĩ đến việc làm đẹp bằng phương pháp lột da. Qua đây, cô cũng muốn chia sẻ với các chị em, hãy cẩn thận khi tham gia làm đẹp. Trước khi nghĩ đến thay đổi ngoại hình, hãy cân nhắc thật kỹ và tìm hiểu rõ mức độ an toàn trước khi thực hiện.
Nhập viện vì viêm da nặng
Chị H.D.L. (22 tuổi, Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cũng từng phải chịu đau đớn vì phương pháp làm đẹp này.
Theo lời chị L., vì không muốn mất thời gian ra ngoài chị đã mua 2 hũ kem gồm 1 kem lột ủ trắng da, 1 kem tắm trắng, có nguồn gốc từ Thái Lan về để lột ở vùng mặt, tay và tắm trắng.
Sau lần sử dụng đầu tiên, da chị L. được cải thiện rất nhiều. Phần da tay, mặt, cổ có sử dụng kem lột trắng và nhẵn nhụi hơn hẳn so với trước.
Đến lần thứ 3 thì trắng lên rõ rệt nên sau đó chị L. tiếp tục sử dụng nhưng đến ngày thứ 6 bắt đầu xảy ra chuyện.
Chị L. kể: "Khi da bong đi, tôi có cảm giác bị châm chích như kiến cắn, bị ngứa rát và nổi những nốt đỏ li ti. Ở cổ và chỗ gập của cánh tay bị rộp lên và đọng nước ở trong như vết bỏng”.
Ngay sau đó, chị L. đã phải nhập viện, kết quả bị viêm da do tiếp xúc với hóa chất có hại.
Chị phải điều trị hơn nửa tháng trời, đến khi ra da mới thì được xuất viện. Tuy nhiên, da mới của chị không còn đẹp như ban đầu nữa.
Nói về phương pháp làm đẹp mạo hiểm này, PGS.TS Y học Nguyễn Duy Hưng, bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Những loại kem lột làm trắng da không chỉ vô tác dụng mà còn rất nguy hiểm vì người dùng không biết được trong đó chứa những thành phần gì”.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dùng cần có sự tỉnh táo khi sử dụng các phương pháp làm đẹp “siêu tốc?” này.
Hiện nay kem trộn, hoá chất lột tẩy xuất hiện dưới nhiều hình thức như mỹ phẩm gia truyền, đông y, kem sâm... với các mức giá từ rẻ đến đắt tiền. Người dùng cần có sự tỉnh táo, hiểu biết để lựa chọn phương pháp làm đẹp phù hợp, an toàn.
Cũng theo bác sĩ Na, nếu chẳng may bôi lên da có cảm giác châm chích, rát bỏng, đau nhức, khó chịu thì phải ngay lập tức dừng lại và đi khám bác sĩ, không nên hoảng loạn làm tổn thương da thêm bằng những phương pháp xử trí thiếu khoa học.
Xem thêm:
>> Thảm họa từ thẩm mỹ giá rẻ: Lời cảnh tỉnh cho chị em mê làm đẹp
Phương Vy (t/h)