Rước họa vì tin dịch vụ chống tắc tia sữa tại nhà

Rước họa vì tin dịch vụ chống tắc tia sữa tại nhà

Thứ 5, 27/12/2012 23:40

Thời gian gần đây, dịch vụ chống tắc tia sữa tại nhà được nhiều bà mẹ lựa chọn. Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng, chỉ vì tin vào những chiêu quảng cáo của các nhân viên y tế "rởm", nhiều sản phụ đã gặp biến chứng nguy hiểm.

Dịch vụ " chống tắc sữa" đắt khách

Theo tìm hiểu của PV, tại các bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Phụ sản Trung ương..., nhiều bà mẹ vừa sinh con đã bị hiện tượng tắc sữa, khiến trẻ không thể bú được, trong khi bầu ngực của mẹ thì căng tức, rất khó chịu. Các bác sỹ khuyến cáo, nếu tình trạng tắc sữa không được chữa trị kịp thời thì sẽ dẫn đến áp-xe vú, trẻ mất cơ hội được đón nhận dòng sữa từ người mẹ.

Tại khoa Mổ đẻ dịch vụ (D4) - bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Minh Phương (Đội Cấn, Hà Nội) đang được bác sỹ điều trị chống tắc tia sữa. Theo lời kể của chị Phương, sau khi sinh xong, hai mẹ con chị Phương có sức khỏe tương đối tốt. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm, chị Phương nghĩ rằng những giọt sữa đầu có màu vàng nhạt, không đảm bảo vệ sinh, sợ con bú vào dễ bị đau bụng nên chị đã vắt bớt đi. Lại thêm, bé Tuấn (tên cậu con trai mới sinh của chị Phương) hay day đầu ti nên chị đã đổi bên liên tục cho đỡ đau. Được hai ngày, sữa tự nhiên tắc ứ, ra nhỏ giọt, rồi không ra nữa, hai bầu sữa thì căng tức, rất đau khiến chị mất ngủ cả đêm.

Xã hội - Rước họa vì tin dịch vụ chống tắc tia sữa tại nhà

Các bà mẹ cần sử dụng dịch vụ của bệnh viện để tránh hậu quả đáng tiếc.

Nghe theo lời khuyên của một số người, ngày nào chị Phương cũng ăn đu đủ xanh hầm chân giò, chân dê, cháo móng giò nấu thông thảo ý dĩ... nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Tuấn vẫn cứ khóc ngằn ngặt vì không bú được sữa mẹ. Có hôm căng sữa quá, chị còn bị sốt, ngực thì cương cứng, đau nhức. Khi đi khám, các bác sĩ cho biết, chị bị tắc tia sữa do cho con bú không đúng cách.

Không chỉ riêng trường hợp chị Minh Phương mà rất nhiều bà mẹ trẻ đã "khóc dở, mếu dở" vì "lâm nạn" tắc tia sữa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nhiều bà mẹ trẻ vì nóng lòng cải thiện tình hình, mong sớm có sữa trở lại cho con bú đã tìm đến dịch vụ chống tắc tia sữa tại nhà. Theo lời kể của chị Thu Nhung (Văn Điển, Hà Nội), sau khi sinh được bốn ngày, chị có hiện tương cương cứng bầu ngực, đau tức khó chịu, trong khi đó sữa lại "không về" để con bú.

Nghe bạn bè giới thiệu dịch vụ chống tắc tia sữa tại nhà bằng vật lý trị liệu siêu tần, chạy tia làm tan cục cương giúp sữa bắn tự nhiên, chị Nhung đã gọi điện "cầu cứu" đến các bác sỹ chăm sóc tại nhà. Theo quảng cáo, chỉ cần một lần, sau 30 phút, con sẽ bú được ngay, nhưng phải sau 6 lần trị liệu chị Nhung mới có sữa trở lại. Kết thúc đợt trị liệu, chị đã phải "móc hầu bao" khoảng 2 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, dịch vụ tắm cho trẻ sơ sinh, chống tắc tia sữa tại nhà rất "hút" khách. Dịch vụ này phục vụ tại nhà từ 7h đến 23h, cả ngày lễ và chủ nhật. Theo quảng cáo, các bà mẹ có nhu cầu phải gọi điện đặt lịch để được chăm sóc tận tình từ đội ngũ kỹ thuật viên làm việc lâu năm, nhiều kinh nghiệm, phục vụ nhanh, nhiệt tình kết hợp với máy móc hiện đại...

Cũng theo tìm hiểu của PV, phần lớn các địa chỉ dịch vụ chống tắc sữa được đăng tin trên mạng đều quảng cáo chuyên chữa trị tắc tia sữa, tắc tuyến sữa, tắc cục, tắc cặn sữa bằng liệu pháp chạy tia hồng ngoại, có bước sóng ngắn làm tan cục cương từ bên trong; chạy giãn nở nang sữa làm mở rộng đường thoát nhánh dẫn sữa, làm sữa phun ra tự nhiên.

Trong vai một bà mẹ có nhu cầu "thông tuyến sữa", tôi gọi điện đến số 0976581xxx, một phụ nữ trung niên bắt máy. Tuy nhiên, người phụ nữ này có vẻ vội vàng vì đông khách. Chị này hỏi: "Em ở khu vực nào? Có nhu cầu thì gọi điện đặt lịch trước nhe!”... Tôi gặng hỏi: "Nhà em khu vực quận Hoàng Mai, giá bao nhiều tiền?". "350.000 đồng/lần, chạy tia hồng ngoại kết hợp với nhiều máy hiện đại khác (cho từng trường hợp cụ thể - PV) để đẩy sữa ra nhanh nhất mà hoàn toàn không bóp, không nặn, không đau" - người phụ nữ nói nhát gừng rồi cúp máy.

Theo thông tin mà tôi "cập nhật" được trên web tretho.com, trung tâm chống tắc tia sữa này còn chuyên chữa trị các chứng đầu ti tụt, đầu ti ngắn, nứt cổ gà, nấm đầu ti... Giá của gói dịch vụ chống tắc tia sữa phụ thuộc vào địa bàn từng quận, huyện; trong nội thành giá 300.000 - 350.000 đồng/lần. Tuy nhiên, cũng theo tìm hiểu của PV, bên cạnh những "trung tâm" chuyên chống tắc tia sữa do các bác sỹ chuyên khoa trực tiếp làm, không ít bà mẹ trẻ đã "sập bẫy" những chiêu quảng cáo của dịch vụ chống tắc tia sữa.

Cẩn thận "tiền mất, tật mang"

Trong lần thăm người nhà tại khoa D4 gần đây nhất, hình ảnh đầu tiên đập vào mặt PV cũng chính là "lời cảnh báo" mà lãnh đạo khoa D4 đã dán công khai trên tường để "nhắc nhở" các bà mẹ trẻ không bị "mắc lừa" bởi mác... nhân viên y tế của một số người chuyên đi phát tờ rơi tiếp thị, quảng cáo tại bệnh viện.

Bác sỹ Nguyễn Minh Nguyệt - trưởng Khoa Mổ đẻ dịch vụ (D4) cho biết: Tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, lãnh đạo khoa D4 đã phải đăng thông báo cảnh báo về những đối tượng mượn danh nhân viên y tế phát tờ rơi và quảng cáo về các dịch vụ như: Tắm cho bé tại nhà, thuốc tắc tia sữa, sữa tắm... Trong bệnh viện đã có sản phụ sử dụng thuốc tắc tia sữa bị tai biến nghiêm trọng và nhiều trẻ bị dị ứng sữa tắm...

Xã hội - Rước họa vì tin dịch vụ chống tắc tia sữa tại nhà (Hình 2).

Một card quảng cáo dịch vụ chống tắc tia sữa được phát cho sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản.

Cũng theo bác sỹ Nguyệt, rất nhiều sản phụ đăng ký khám trường kỳ tại bệnh viện nên được các bác sỹ tư vấn kỹ lưỡng về những hiện tượng có thể mắc phải sau khi sinh. Tuy nhiên, cũng không ít bà mẹ đã tin theo lời quảng cáo "có cánh" của những người "đội lốt" nhân viên y tế về các dịch vụ chống tắc tia sữa bằng máy hồng ngoại mà phải "tiền mất, tật mang".

Bác sỹ Nguyễn Minh Nguyệt khuyến cáo, những bà mẹ sinh non, con nhẹ cân thường dễ bị tắc tia sữa, do trẻ bé, khó mút được sữa mẹ. Bên cạnh đó, một số phụ nữ có hiện tượng núm vú tụt, bé không bú được, cũng dễ bị tắc tia sữa. Ngoài ra, bà mẹ bị nứt cổ gà ở đầu vú, lúc con bú bị đau, ngại cho bú, hoặc trẻ bú quá ít, khiến việc tiết sữa hạn chế. Nguyên nhân thường gặp nhất là do lúc cho trẻ bú, trẻ mút mạnh làm đầu vú bị tổn thương, vi khuẩn xâm nhập vào, gây bệnh. Sữa ra không thông (do tia sữa bị tắc) tích tụ lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

Một số người do lười hoặc ngại cho bé bú sữa ngay từ khi mới sinh ra, khiến sữa được hình thành không được "tiêu thụ", cũng bị tắc sữa. Vấn đề đáng lưu tâm, khi thấy bầu ngực căng cứng, sờ vào có cảm giác thấy cục bên trong, rất đau thì đó chính là những túi sữa "tồn đọng" của lần xuống sữa trước mà trẻ bú không hết. Nếu không tìm cách làm thông tuyến sữa thì người mẹ sẽ rất đau đớn và sữa mới cũng không thể xuống để cho trẻ bú.

Cần vệ sinh và cho con bú đúng cách

Bác sỹ Lê Thanh Thúy - phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết thêm, đầu vú là phần mà vi khuẩn dễ xâm nhập, làm tắc tia sữa. Vì thế, cần chú ý vệ sinh phần bầu ngực sạch sẽ, nhất là các kẽ của đầu vú. Dùng khăn sạch, mềm, nhúng nước ấm hoặc nước muối loãng để lau sạch. Trước khi cho bé bú, nên vắt vài giọt sữa đầu bỏ đi. Lau sạch đầu vú khi bé đã bú và vắt hết sữa thừa. Nếu bé không bú hết lượng sữa, mẹ cần vắt hết ra bình, để tủ lạnh cho bé bú dần. Việc vắt hết sữa sau mỗi lần bú sẽ đảm bảo sữa không bị ứ đọng bên trong, không gây tình trạng vón cục, gây tắc tuyến sữa ở mẹ.

Ngân Giang

Với chiết xuất từ 9 loại thảo mộc quý: Kim ngân hoa giúp thanh can hóa, mát gan, tiêu độc – Hoa mộc miên tiết nhiệt, thanh mát – Sứ đỏ có vị ngọt tính bình – Sương sáo trong mát, ngọt lành – Cúc vàng thanh nhiệt giải độc – Bung lai giải trừ các tác nhân gây nhiệt – Kim ngân kháng khuẩn, giải độc, thanh sạch – Cam thảo ôn trung, hạ nhiệt – La hán quả giải khát sảng khoái, trà thảo mộc Dr Thanh mang đến giải pháp thanh lọc cơ thể, không lo bị nóng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.