70% lao động nông thôn di cư là thanh niên
Kết quả dự án nghiên cứu “Tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp trong bối cảnh Việt Nam gia nhập WTO” đã đưa ra thông tin “nửa buồn nửa vui”. Di cư lao động từ nông thôn lên thành thị và các khu công nghiệp đang dần thay thế các chương trình di cư theo kế hoạch của Nhà nước; di cư hộ gia đình cũng ít đi và được thay thế bằng di cư cá nhân.
Kết quả điều tra cho biết, trước khi hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu (2007), Việt Nam có gần 80% lực lượng lao động làm việc tại nông thôn và cho đến nay con số này đã giảm còn 70,3%. Như vậy, việc đẩy mạnh mở rộng hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTO đã mở ra cơ hội thuận lợi về thị trường, kích thích nền kinh tế phát triển, đồng thời cũng thu hút một lực lượng lao động khá lớn từ khu vực nông thôn (lao động nông nghiệp) chuyển sang lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tại các thành phố/khu công nghiệp.
Có đến gần 70% lao động nông thôn di cư là thanh niên trẻ dưới 30 tuổi, với nhóm di cư đến các khu công nghiệp có độ tuổi trung bình khoảng 23 tuổi.
Tuy nhiên, lao động di cư ra thành thị và các khu công nghiệp không có định hướng lâu dài cho công việc của họ. Có tới 59,8% người di cư không biết dự định sẽ sinh sống ở địa phương nơi làm việc trong bao lâu, chỉ 7,5% có có ý định định cư hẳn.
Bên cạnh đó, trong số các lao động di cư tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật 66,1%, tỉ lệ tốt nghiệp đại học là 6,5%. Điều này mang lại những rủi ro cho người lao động di cư khi công việc của họ thường mang tính chất độc hại, nguy hiểm và thiếu ổn định.
Nhóm di cư làm nghề tự do thường không có hợp đồng lao động, không tham gia bảo hiểm. Đây là nhóm yếu thế, do công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp.
Tăng hỗ trợ trực tiếp cho nông dân
Đáng chú ý, trong số lực lượng lao động di cư này, có đến 48% người đang có việc làm lĩnh vực nông nghiệp và 45,9% người không hài lòng với thu nhập. Từ đây liên quan đến vấn đề chuyển đổi nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu nêu rõ, sau khi lao động di chuyển, hoạt động sản xuất nông nghiệp sụt giảm hẳn về quy mô. Trong quá trình dịch chuyển, nhiều lao động tìm việc mới, và không có ý định quay lại với ruộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình CNH- HĐH với trọng tâm là phát triển các khu kinh tế, KCN… đang góp phần biến đất nông nghiệp thành đất hoang, điều này để lại nhiều bất cập.
Đại diện lãnh đạo Viện Quy hoạch nông nghiệp cho biết đó là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng đất vàng bị bỏ hoang. Một số nơi mất đi bờ xôi ruộng mật cho dự án khu công nghiệp, khiến cho nhiều nông dân trẻ bỏ làng ra ngoài làm thuê. Việc quá nhiều lao động từ nông thôn di cư lên thành thị sẽ dẫn đến mất cân bằng về lao động. Do thu nhập từ nông nghiệp thấp không đủ trang trải nên nhiều lao động vẫn lựa chọn di cư đến thành thị, các khu công nghiệp bất chấp ruộng đất tại quê có thể bị bỏ hoang hoặc để người khác làm. Đô thị trở nên quá tải còn nông thôn thì ngày một trống trải, ruộng đồng hoang hóa. “Sau khi đi khảo sát ở một số địa phương thuộc đồng bằng Bắc bộ, nhiều người nông dân phản ánh Nhà nước hỗ trợ cho nông dân quá thấp, làm nông không còn hấp dẫn”, vị đại diện Viện Quy hoạch nông nghiệp cho biết.
Trước việc một số hộ dân ở Hải Dương làm đơn trả lại ruộng đất, đại diện Viện Quy hoạch nông nghiệp cho rằng, đó là điều rất nguy hiểm cần có sự phân tích kỹ lưỡng. Với người nông dân, đất trồng trọt là quan trọng nhất, nhưng sao đến nay họ lại từ chối? Trước đây, tình trạng đất hoang hóa trên thực tế nhiều, nhưng ít khi được kê khai do người dân sợ bị Nhà nước thu hồi.
Trở lại với một nội dung của nghiên cứu về tình hình di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, cũng có điểm đáng lưu ý.
Đứng ở vị trí là chuyên gia, TS Võ Trí Thành phân tích: Sản xuất nông nghiệp có đặc điểm mang tính thời vụ, chu kỳ theo thời gian rất cao cho nên cái khó hiện nay là làm sao hài hòa, làm cho thu nhập của nông dân ổn định, ít bị tác động bởi biến động giá cả. Người nông dân rất yếu về khả năng đàm phán, mặc cả giá, trong khi thị trường chúng ta tham gia là thị trường thế giới mà biến động giá cả lại do các nhà phân phối, xuất nhập khẩu chi phối. Nhà nước đã xây dựng nhiều biện pháp để hỗ trợ cho nông dân nhưng phải tích cực và trực tiếp hơn nữa. Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nên đảm bảo hài hòa lợi ích giữa công nghiệp và nông nghiệp, để có quy hoạch đất đai phù hợp. Mà điều đó thì chưa tìm được sự cân bằng.
Theo Đại đoàn kết