Đập thủy lợi nghìn tỷ
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin Pháp luật, hồ thủy lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai được đầu tư xây dựng quy mô 3.000 tỷ đồng, đến thời điểm hiện tại cơ bản đã hoàn thành các hạng mục.
Thế nhưng, dù nằm sát “thủ phủ” thủy lợi, hàng trăm héc ta hoa màu của người dân địa phương vẫn chịu cảnh “khát khô”, khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Dù lượng nước trong đập thủy lợi mênh mông nhưng không thể cung cấp được nước tưới cho người dân. Bởi, hệ thống kênh mương nội đồng chưa được xây dựng do vướng mắc nhiều quy định.
Dự án hồ chứa nước Ia Mơr được bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt từ năm 2005, phân kỳ đầu tư trong 2 giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr.
Khi hoàn thành, hồ thủy lợi này sẽ tạo nguồn cấp tưới cho hơn 14.000 héc ta đất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai và 4.000 héc ta đất nông nghiệp của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Theo thiết kế, công trình hồ thủy lợi Ia Mơr với diện tích mặt nước hơn 2.800 héc ta.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Rơ Lan Chim, Bí thư đảng ủy xã Ia Mơr, huyện Chư Prông cho biết: “Công trình thủy lợi Ia Mơr thi công hơn 10 năm nay nhưng chưa hoàn thiện hệ thống kênh tưới, để dẫn nước đến ruộng rẫy của người dân.
Hằng năm, người dân vẫn phải đối mặt với thực trạng hạn hán khốc liệt khiến cuộc sống sinh hoạt, sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Với những vướng mắc còn tồn đọng, địa phương mong các cơ quan ban ngành tháo gỡ để người dân sớm được hưởng lợi từ công trình thủy lợi này”.
Theo ghi nhận của PV, Ia Mơ mùa này trời nắng như “đổ lửa”. Đứng trên bờ đập thủy lợi Ia Mơ, trước mắt PV là một “biển nước” vô tận. Thế nhưng, quay lại phía sau lưng lại là một màu vàng héo úa, ruộng đồng, nứt toác, khô hạn bao trùm.
Khát khô ngay bên “biển nước”
Dưới cái nắng khô khốc, bà Ksor H’BLâm ngồi dưới tán cây, gương mặt đẫm mồ hôi. Trò chuyện với PV, bà Lâm than thở: “Từ ngày thủy lợi được tiến hành xây dựng, bà con nơi đây rất phấn khởi. Hy vọng một ngày nào đó thủy lợi hoàn thiện, bà con sẽ không còn đối mặt với tình trạng khô hạn.
Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua, ruộng rẫy của người dân vẫn đối mặt với tình trạng không có nước tưới, cuộc sống gặp nhiều khó khăn dù ruộng rẫy nằm ngay bên cạnh “biển nước”.
Đứng tại ven chân đập thủy lợi, anh Ksor Dinh, 35 tuổi, ngụ xã Ia Mơr, người ướt sũng, tay xách theo xô nhựa khom mình nhặt mò ốc.
Trò chuyện với PV, anh Dinh thở dài: “Bà con nơi đây đa phần là người địa phương, sinh sống chủ yếu dựa vào mấy sào rẫy. Thế nhưng, thời điểm này đang là giai đoạn đỉnh điểm mùa khô hạn, cỏ cây dại cũng không thể mọc nổi, nói gì đến hoa màu.
Cuộc sống của bà con rất vất vả, không có công việc làm đành ra suối kiếm con tôm, con cá sinh sống qua ngày chờ mùa mưa về. Đập thì nước bao la vô tận nhưng không có kênh mương dẫn, nên người dân ngậm ngùi chờ đợi”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Vũ Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: “Khi xây dựng con đập, chủ đầu tư dự kiến phần đất mở rộng 8.500 héc ta từ đất rừng sang đất nông nghiệp. Tuy nhiên, gặp phải vướng mắc hệ thống kênh mương không thể xây dựng đi qua đất rừng, khi Nhà nước chưa cho phép”.
Theo ông Tú, ý tưởng ban đầu là khi vùng tưới được chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì chính quyền địa phương sẽ tiến hành di dời khoảng 1.000 hộ dân trên địa bàn đến các điểm dân cư cố định.
Khi đó, người dân vừa được cấp đất vừa được hưởng lợi từ nguồn nước hồ thủy lợi Ia Mơr.
Với 8.500 héc ta đất được chuyển đổi, tỉnh dự kiến sẽ thu hút đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, để biến vùng đất này thành vùng trù phú và phát triển.
Tuy nhiên, khi con đập hoàn thiện vào năm 2020 thì Luật Lâm nghiệp đã ra đời nên rất khó chuyển đổi vì vướng các thủ tục pháp lý.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: “Hồ thủy lợi Ia Mơr là công trình trọng điểm cấp Quốc gia do bộ NN&PTNT làm chủ đầu tư.
Nếu không chuyển đổi sang đất nông nghiệp thì dự án ngàn tỷ có nguy cơ lãng phí. Với 8.500 héc ta đất rừng ở huyện Chư Prông là diện tích rất lớn, muốn chuyển đổi từ đất rừng sang đất sản xuất nông nghiệp ở mức quy mô này, cần phải trình Quốc hội xin ý kiến, phê duyệt chủ trương”.