Chiều 20/5, Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) tổ chức tọa đàm góp ý vào Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia (PCTHCRB). Tại đây, rất nhiều những câu chuyện liên quan đến hệ quả của rượu bia được chia sẻ. Trong đó có câu chuyện của chị Đặng Thị Chúc (Tên đã thay đổi, 50 tuổi, ở Thanh Liêm, Hà Nam).
Báo Vietnamnet đưa tin, năm 23 tuổi, chị Chúc kết hôn với người chồng hơn 2 tuổi, sinh được 4 người con, trong đó có 3 cô con gái và 1 cậu con trai.
Chồng chị Chúc ban đầu chồng tập trung làm ăn nhưng càng về sau lại càng uống rượu nhiều. 5 năm trở lại đây, ngày nào chồng chị cũng “súc miệng” 1 lít rượu trắng. Đáng nói, mỗi lần say rượu, chồng lại lôi chị ra đánh, thậm chí có tháng, ngày nào chị cũng bị đánh.
Chị trốn vào bếp khoá cửa, chồng chị phá cửa tìm đánh. Nhiều đêm chị trốn ra ngủ cùng với lợn cũng vẫn bị chồng truy được và lôi ra đánh. Cơ thể chị lúc nào cũng thâm tím, xướt xát. Vết cũ chưa lành, vết mới lại xuất hiện.
Đã ít nhất 4 lần chị phải vào bệnh viện điều trị do bị chồng đánh. Trong đó, đỉnh điểm là năm 2014, chồng chị ném thẳng thanh củi to vào mặt khiến chị bị vỡ thủy tinh thể, rách giác mạc, đứt tuyến lệ mắt trái. Chị vay mượn 120 triệu đồng, nằm viện 3 tháng ở BV Mắt TƯ nhưng 1 bên mắt vẫn mất thị lực vĩnh viễn, bên còn lại chỉ còn 8/10.
Mình chị Chúc bươn chải kiếm sống bằng nghề phu hồ nuôi 4 con. Năm 2018, cô con gái lớn phải mổ tim mất thêm gần 100 triệu, hiện cũng không làm được việc nặng. Riêng chồng chị nghiện rượu, chưa bao giờ đỡ đần được vợ con.
Suốt thời gian dài, chị cắn răng chịu đựng. Mới đây, không chịu nổi những trận đòn roi liên tiếp, 5 mẹ con chị Chúc đã dọn về ở cùng ông bà ngoại, hiện đã ngoài 90 tuổi.
Thông tin trên Kinh tế Đô thị, buổi tọa đàm còn có sự xuất hiện của chị Hoàng Thị H., em dâu chị Lê Thị Thu Hà – nữ công nhân vệ sinh môi trường bị tử vong do lái xe say rượu gây ra trên đường Láng hồi tháng trước. Tại đây, chị chia sẻ những mất mát, tổn thất của gia đình mình khi trở thành nạn nhân của bia rượu.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), rượu, bia góp mặt trong 70% vụ phạm pháp hình sự ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi. Ngoài ra, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng TNGT ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 49 tuổi. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 15.000 người tử vong do TNGT, trong đó 4.800 người có liên quan đến rượu, bia. Thiệt hại kinh tế do rượu, bia chiếm 1,3 - 12% GDP.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, khoảng 32% phụ nữ đã kết hôn hoặc đang sống chung với bạn tình phải chịu tác hại từ rượu bia; 14% trẻ em bị người uống rượu đánh đập, bị mồ côi, bị bỏ mặc...
Mộc Miên (Tổng hợp)