Ngang nhiên vi phạm
Có mặt tại các quán ăn, quán nhậu trên địa bàn TP.Hà Nội, chúng tôi không khó để kiếm được loại rượu tự nấu hoặc loại rượu quê do các cơ sở tư nhân, hộ gia đình tự nấu. Điều đặc biệt ở chỗ, theo quy định, những loại rượu này đều phải dán nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ trên vỏ chai, can nhựa đựng rượu…, nhưng tuyệt nhiên không có. Trước thắc mắc của PV, anh Nguyễn Văn Linh, chủ một nhà hàng trên phố Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi chỉ bán hàng vào buổi tối, cũng nghe láng máng là bán rượu phải có nhãn mác. Tuy nhiên, cửa hàng của chúng tôi nhập hàng trăm lít rượu từ các cơ sở sản xuất rượu khác nhau, nhưng có thấy các cơ sở cung cấp rượu nào dán nhãn mác theo quy định đâu. Để phục vụ nhu cầu của khách, hàng ngày chúng tôi vẫn bán vài ba chục lít rượu tự nấu là chuyện bình thường".
Một cơ sở nấu rượu thủ công
Cùng chung quan điểm, anh Nguyễn Thắng Thu, chủ quán vịt cỏ Vân Đình ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhấn mạnh: "Theo quy định, rượu tự nấu phải đăng ký, dán nhãn mác, nhưng phần lớn khách hàng đều không quan tâm hay mặn mà gì với những quy định trên. Phần lớn khách đến ăn chỉ chú ý đến chất lượng rượu và mức giá bán mà thôi. Nếu rượu nhạt thì họ phản ánh ngay lập tức, thậm chí lần sau không bao giờ đến ăn uống nữa. Chính vì vậy, người kinh doanh chúng tôi cũng chỉ quan tâm, chú ý đến những cơ sở sản xuất rượu đạt chất lượng mới dám mua về bán cho khách hàng sử dụng".
Cũng theo anh Thu, quy định là vậy nhưng để thực hiện lại là điều không dễ. Nếu có dán nhãn mác rõ ràng mà các cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra thì cũng bằng không. Bởi, trên thực tế, người bán chỉ cần lấy chai rượu có nhãn mác rồi đổ rượu tự nấu để bán cho khách thì cũng rất khó phân biệt. Ngay bản thân các công ty rượu còn bị các cơ sở sản xuất làm rượu nhái, rượu giả tràn lan còn chưa xử lý nổi, huống hồ đây là các hộ gia đình nhỏ lẻ"!.
Không chỉ những người kinh doanh hàng ăn vô tư mua bán rượu tự nấu không nhãn mác, nguồn gốc theo quy định mà ngay cả bản thân người sản xuất rượu cũng rất thờ ơ khi đề cập tới vấn đề này. Chị Nguyễn Thị Thơi, chủ một cơ sở sản xuất rượu tự nấu ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: "Từ trước đến giờ, tôi chưa nghe bất kì thông tin phản ánh hay tuyên truyền gì về quy định mới đối với mặt hàng sản xuất, kinh doanh rượu tự nấu cả. Hàng ngày, gia đình tôi vẫn xuất ra thị trường hàng trăm lít rượu không dán nhãn mác có thấy sao đâu? Nếu thực hiện nghiêm theo pháp luật thì tại sao những khách hàng của tôi vẫn thường xuyên đến lấy hàng không thấy phản ánh hay thắc mắc gì. Đó còn chưa nói tới chính quyền địa phương cũng thờ ơ, không có bất kì thông báo, hướng dẫn cụ thể để người dân biết, thực hiện ra sao"?!
Cùng đó, anh Nguyễn Thành Hưng, người cùng trên địa bàn cho biết thêm: "Những cơ sở sản xuất rượu của người dân chúng tôi phần lớn đều làm ra và bán cho khách hàng quen thuộc nên họ cũng không xa lạ gì đối với nguồn gốc sản phẩm cả, do vậy cần gì phải dán nhãn mác, hay đăng kí đăng keo gì cho mất thời gian". Đề cập tới chất lượng sản phẩm, anh Hưng cũng khẳng định: "Chất lượng rượu tự nấu ra sao, khách hàng mua của chúng tôi là người đánh giá khách quan nhất. Nếu chất lượng kém thì chắc chắn họ không mua thường xuyên như vậy?!".
Chẳng riêng gì một vài cơ sở sản xuất rượu trên, có mặt tại làng rượu nổi tiếng Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự. Bà Nguyễn Thị Thơm, chủ một cơ sở sản xuất rượu trong làng cho biết: "Mỗi ngày, cơ sở của gia đình tôi sản xuất hơn 500 lít rượu, nhưng không thấy thông báo gì về quy định mới nào đó như phóng viên phản ánh cả. Mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, khách hàng vẫn đến mua bán tấp nập, người lấy ít thì 40 - 50 lít, người lấy nhiều lên tới 100 - 150 lít mỗi ngày".
Rượu được gom vào chum trước khi xuất ra thị trường
Vì sao khó xử lý?
Nghị định 94/2012/NĐ - CP của Chính phủ quy định rất rõ, kể từ ngày 1/1/2013, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.
Thế nhưng, tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết, đa phần các địa phương mới dừng ở mức độ tuyên truyền và nhắc nhở người dân thực hiện theo quy định. Ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết: "Khi nhận được Nghị định 94, UBND xã đã chỉ đạo cho thôn tuyên truyền về nghị định này đến người dân để họ thực hiện. Tuy nhiên, nhiều người dân lo lắng các thủ tục đăng ký rườm rà nên chưa đến đăng ký. Nhưng thực ra, thủ tục đăng ký rất nhanh gọn, cán bộ kinh tế của xã luôn mở cửa trong giờ hành chính để làm thủ tục cho các hộ sản xuất rượu thủ công đến đăng ký, nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến. Nếu thời gian nữa mà người dân vẫn không chấp hành, không đến đăng ký, xã sẽ thành lập đoàn kiểm tra đến từng hộ, ai không đăng ký sẽ làm mạnh tay", ông Nguyễn Văn Tiển nhấn mạnh.
Theo ý kiến của các cơ sở sản xuất rượu thủ công tại một số làng nghề sản xuất rượu, đến thời điểm này Nghị định 94 vẫn chưa được tuyên truyền rộng rãi. Khi người dân chưa biết những quy định trong Nghị định 94 thì khó mà có thể chấp hành tốt. Nhiều ý kiến băn khoăn, không biết ai sẽ xử lý và xử lý như thế nào, mức xử phạt cụ thể là bao nhiêu?
Trước vấn đề này, anh Nguyễn Thành Hưng, chủ cơ sở sản xuất rượu tự nấu ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng chỉ nghe qua Nghị định 94 trên tivi, chứ thực chất chưa hiểu rõ nội dung chính của Nghị định liên quan đến sản xuất rượu thủ công như thế nào. Nếu không biết, mà chưa được tuyên truyền nhắc nhở thì tôi vẫn sẽ sản xuất. Tuy nhiên, điều mà tôi băn khoăn là nếu thực hiện theo đúng quy định của pháp luật thì ai sẽ là người đi kiểm tra, xử lý vi phạm và mức phạt ra sao…".
Còn anh Nguyễn Văn Tài, chủ cơ sở sản xuất rượu thủ công ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết thêm: "Mặc dù tôi có đọc qua Nghị định 94, trong Điều 24 quy định về xử lý vi phạm vẫn chỉ ghi chung chung "Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như thế, nếu vi phạm bị xử phạt hành chính là bao nhiêu với các cơ sở sản xuất rượu thủ công, ai sẽ là người xử lý…, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, khiến người dân chưa biết phải xoay xở ra sao…".
Cả làng nấu rượu chưa có ai đến đăng ký nhãn mác Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vũ (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) cho biết: "Làng Phú Lộc hiện nay có 300 hộ sản xuất rượu thủ công, nhưng đến nay, vẫn chưa có hộ nào đến đăng ký. Chỉ duy nhất, có công ty rượu Phú Lộc là đăng ký kinh doanh từ trước"! |
Quỳnh Chi