Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, việc các trường rút ra khỏi bộ chủ quản sẽ giúp họ chủ động hơn trong công tác nhân sự, hợp tác quốc tế, chương trình đào tạo… đây là một phần trong việc tự chủ đại học theo tinh thần Nghị quyết 77 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giao dục ĐH công lập.
Trước băn khoăn về việc các trường rút ra khỏi bộ GD&ĐT có ảnh hưởng tới chức năng quản lý Nhà nước, ông Nhĩ nói: “Sẽ không ảnh hưởng gì, bộ vẫn sẽ quản lý, giám sát việc họ làm đúng hay sai”.
Hiện, bộ GD&ĐT chủ động yêu cầu 3 trường gồm: Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Kinh tế TP.HCM và trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án không trực thuộc cơ quan chủ quản Bộ.
Trước đó, trong bản báo cáo của nhóm nghiên cứu trường ĐH Kinh tế Quốc dân, bộ GD&ĐT đã thực hiện đánh giá kết quả hoạt động của 12 cơ sở giáo dục ĐH có thời gian thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77 từ 2 năm trở lên về đào tạo và NCKH; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính; từ đó đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp, lộ trình thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập; các cơ sở giáo dục đại học.
Sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017, nhìn chung, trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn nữa trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường, từng bước chủ động đổi mới cơ chế để hoạt động ngày càng hiệu quả.
Cụ thể, khi tự chủ, thủ tục hành chính được giảm bớt, thời gian mở ngành nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội.
Đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm, trong khi quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015.
Quy mô tuyển sinh giảm theo xu hướng chung, không phải do tự chủ, mà do thay đổi nhu cầu lao động xã hội và nhận thức của người dân; số lượng trường ĐH tăng lên; học phí của các trường tự chủ thường cao hơn so với mặt bằng chung; quy mô sinh viên chính quy bị của các trường ĐH giới hạn ở 15.000 sinh viên theo quy định tại Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT.
Về tổ chức bộ máy, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường.
Sự sắp xếp lại tổ chức đem lại những hiệu quả tích cực. Cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý hơn do lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống.
Về tài chính, tổng thu (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) giai đoạn sau tự chủ so với trước tự chủ tăng 16,6%. Cơ cấu các khoản thu của các trường ĐH công lập tự chủ chưa có sự thay đổi rõ rệt trước và sau tự chủ. Thu từ học phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ và vẫn là nguồn thu chính của các trường ĐH, chiếm trên 70% tổng thu của các trường.
Nguồn thu học phí tăng chủ yếu là do thu từ học phí của các chương trình tiên tiến, chất lượng cao và tiến sĩ (tăng gấp đôi) và chính quy đại trà. Trong khi nguồn thu từ các hệ đào tạo không chính quy giảm gần 5%...
Báo cáo của nhóm nghiên cứu ghi rõ: Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… Các trường có thể chủ động nhiều hơn trong đầu tư mua sắm; chi học bổng cho sinh viên tăng từ 98 tỷ đồng lên 137 tỷ đồng, tỷ lệ gần 40%...