Nước cờ cao tay
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến thăm bất ngờ tới Syria hôm 11/12, nơi ông tuyên bố sẽ bắt đầu rút “một phần quan trọng” lực lượng quân sự được triển khai ở quốc gia Trung Đông sau khi cuộc nội chiến dần đến hồi kết thúc.
Tờ Newyorker mô tả, chuyến thăm lần đầu tiên tới Syria của Tổng thống Putin như một lời tuyên bố tự hào rằng, ông đã đánh bại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và chiến thắng trước chính người Mỹ.
Trong hai năm tham chiến, Nga đã thành công trong việc giữ lại một đồng minh quan trọng đó là chính quyền của Tổng thống Assad. Đồng thời, đã đảm bảo một sự hiện diện quân sự lâu dài ở Syria, với hai cơ sở quân sự ở Hemeimim và Tartus. Ngoài ra, Moscow cũng ghi dấu ấn của mình trên khắp khu vực Trung Đông.
Chuyên gia phân tích quốc tế Mark Sleboda cho rằng, thông báo “nhiệm vụ hoàn thành” và Nga đang rút lực lượng quân sự của họ rời khỏi Syria mang đến những thông điệp nhất định dành cho người Mỹ.
Theo Sleboda, lời nói của ông Putin “tuy như vậy mà không phải vậy”. Ẩn ý của ông chủ Điện Kremlin ở đây đó là mặc dù đã giành được những chiến thắng quan trọng, “Nga sẽ không rời khỏi Syria, không rời khỏi các căn cứ quân sự ở nước này”.
Thông báo này có thể chỉ mang tính chất hình thức, giống như cách ông Putin từng tuyên bố rút quân vào năm ngoái.
Theo đó, dù không có kế hoạch duy trì một lực lượng quân sự lớn ở Syria, nhưng lực lượng Nga luôn sẵn sàng quay trở lại nếu cần thiết.
Thực tế Nga không cách xa Syria về mặt địa lý, chỉ khoảng 1000km tính từ Sochi. Đó không phải là khoảng cách khó khăn cho lực lượng không quân Nga. Ngay khi cần thiết, máy bay Nga luôn sẵn sàng cử đến làm nhiệm vụ ở Syria bất cứ lúc nào.
Tờ Pittsburgh Post-Gazette đánh giá, đây là bước đi khôn khéo của nhà lãnh đạo Nga trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2018. Việc rút quân để tiết kiệm chi ngân sách quốc phòng luôn là cách làm phổ biến trước mọi cuộc bầu cử.
Cùng với đó, khi đã hoàn thành mục tiêu “làm cho nước Nga vĩ đại trở lại” bằng cách chiếm ưu thế trong cuộc chiến Syria, ông Putin đã có một tiền đề vững chắc để lấy cảm tình của cử tri.
Đặc biệt quan trọng hơn, quyết định rút quân là một tuyên bố chiến thắng trước Washington và kêu gọi người Mỹ đã đến lúc từ bỏ mục đích của mình.
"Nó giống như một lời nhắc nhở đối với người Mỹ vẫn còn giữ người của mình ở phía Đông Syria. Khi cuộc nội chiến dần kết thúc, Mỹ không còn có bất kỳ lý do gì để ở lại đây. Do đó, ý của ông Putin chính là hãy làm theo tuyên bố của Nga, đã đến lúc người Mỹ cũng nên đóng gói hành lý và trở về nhà”, chuyên gia Sleboda nêu quan điểm.
Khi người chiến thắng rút lui
Kể từ năm 2014, Mỹ đã chi hơn 14 tỷ USD ngân sách, trung bình hơn 13 triệu USD/ngày cho mục đích của mình ở Syria. Washington can thiệp vào Syria với tuyên bố chống lại khủng bố IS, nhưng bên cạnh đó còn hậu thuẫn cho phe đối lập lật đổ chính quyền Assad.
Sự hiện diện của các lực lượng do Mỹ đứng đầu ở Syria chưa bao giờ có sức thuyết phục với cộng đồng quốc tế. Dù tuyên bố chống khủng bố, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy CIA, các quốc gia phương Tây và đồng minh Ả Rập thậm chí còn ngấm ngầm ủng hộ các nhóm này ở sau lưng.
Ngay cả phương tiện truyền thông phương Tây cũng thừa nhận có những bằng chứng liên minh do Mỹ đứng đầu đã mở đường thoát cho các nhóm khủng bố rời khỏi Raqqa, Syria.
Do đó, động thái rút lực lượng quân sự của Tổng thống Putin trong sự cảm ơn nhiệt thành của Damascus không khác gì đòn đánh trực tiếp vào âm mưu đáng xấu hổ của phương Tây.
Điều này cũng làm nổi bật bản chất bất hợp pháp của sự hiện diện của Mỹ, Anh và Pháp ở Syria. Những cường quốc không có nhiệm vụ pháp lý trong việc cử lực lượng đến quốc gia Trung Đông, trong khi không hề được Syria yêu cầu hay chào đón.
Ngoài ra, giới phân tích cũng đánh giá, việc giảm mật độ quân sự ở Syria là một động thái thận trọng của Nga trong việc hạn chế các sự cố không mong muốn. Một số báo cáo gần đây cho thấy, nguy cơ va chạm giữa các máy bay chiến đấu Nga-Mỹ đang ngày càng tăng cao ở các điểm nóng.
Tờ RT đánh giá, khi cuộc chiến đến hồi kết, hoạt động của Nga ở Syria không còn nhiều ý nghĩa và gây lãng phí lớn. Sẽ tốt hơn cho Moscow khi có một lệnh rút quân rõ ràng ở Syria. Điều này sẽ cho cả thế giới thấy ai mới là người chiến thắng thực sự trong cuộc chiến tại đây.
Không cần phải nán lại khi nhiệm vụ đã thành công. Lực lượng Nga có thể ngẩng cao đầu rời đi một cách đàng hoàng và hãnh diện, đồng thời để lại hình ảnh lực lượng Mỹ gặm nhấm thất bại một cách ê chề.
Báo chí phương Tây trước đây vẫn thường dọa dẫm rằng Nga sẽ rơi vào vũng lầy ở Syria, tương tự như những gì đã xảy ra với Mỹ ở Iraq và Afghanistan.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại cho thấy, Nga có khả năng duy trì vị thế của mình ở Trung Đông trong nhiều năm tới, cũng như đủ sức “đi trên đám bùn lầy ở Syria”, tờ Sputnik nhận định.
Theo đó, Nga đã trở lại một cách rầm rộ ở Trung Đông. Tất cả những quốc gia nổi bật ở Trung Đông đều đang hợp tác với Moscow. Trong đó có Iraq, đất nước đang muốn có sự thay đổi mới sau nhiều năm can thiệp của Mỹ. Hay Saudi Arabia tìm đến các thỏa thuận về dầu mỏ và giao dịch quân sự với Nga sau khi lao đao trong cuộc chiến giá dầu vừa qua.
"Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Kuwait, tất cả đều đang hướng đến Nga vì quốc gia này đã cho thấy sức mạnh ý chí, quyết tâm, năng lực quân sự đi kèm với ngoại giao cứng rắn và giành được lợi ích ở Trung Đông – một điều mà Mỹ cùng với các đồng minh chưa bao giờ làm được”, nhà nghiên cứu chính sách Mỹ Rick Sterling đánh giá trên Sputnik.
Với những điều trên, giới phân tích đều có chung kết luận, Nga sẽ không rời khỏi Syria và sẽ còn tăng cường hơn nữa ảnh hưởng ở Trung Đông.